Trưng bày Văn hóa trầu cau Việt Nam: Giữ lại nét đẹp văn hóa truyền thống

Sáng 24/10, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhà sưu tập Nguyễn Trung Thành (thành phố Hải Dương) khai mạc trưng bày chuyên đề “Văn hóa Trầu cau Việt Nam”. Gần 100 tài liệu, hiện vật liên quan đến văn hóa trầu cau ở Việt Nam trong trưng bày lần này đã giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về tục ăn trầu ở Việt Nam, nhằm góp phần gìn giữ, phát huy một nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

 

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”...


Ăn trầu là một tập tục truyền thống có từ lâu đời và phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á và châu Đại Dương. Tại Việt Nam, tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với câu chuyện cổ tích nổi tiếng: “Chuyện Trầu Cau”. Với người dân Việt Nam, ăn trầu không đơn thuần chỉ là một thói quen, một tập tục mà còn là yếu tố cấu thành nên những giá trị văn hóa truyền thống. Ông cha ta có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, chính vì vậy, trầu cau và tục ăn trầu vừa là biểu hiện của phong cách Việt, vừa thể hiện tình cảm dân tộc. Trầu cau là lễ vật khởi đầu trong các nghi lễ truyền thống quan trọng như cưới hỏi, tế tự, tang ma, táng tục, là biểu tượng của tình yêu đôi lứa và tình nghĩa vợ chồng, anh em, gia đình hạnh phúc...


 

Giới thiệu cách têm trầu tại trưng bày “Văn hóa Trầu cau Việt Nam”.

TS. Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết: Trong nhiều sử liệu cho thấy, tục ăn trầu phổ biến ở mọi tầng lớp, từ cung đình cho đến dân gian và đã trở thành một nét đẹp giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Trong một lần tiếp sứ giả nhà Nguyên, Thái sư Trần Quang Khải đã cho mang trầu ra tiếp sứ... Không chỉ với người Kinh, nhiều dân tộc ít người khác ở Việt Nam như Tày, Nùng, Dao, Thái, Mường, Sán Dìu... từ vùng núi phía Bắc, đến các dân tộc sinh sống dọc theo dãy Trường Sơn, Tây Nguyên như Khơ Mú, Bru, Êđê, và người Chăm, người Khmer ở Nam Trung bộ, Nam bộ đều có tục ăn trầu. Ở mỗi dân tộc, tục ăn trầu đều có những nét tương đồng, tuy nhiên, do môi trường sống và không gian văn hóa khác nhau mà tục ăn trầu của mỗi dân tộc có những nét độc đáo riêng...


Những năm gần đây, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, do nhịp sống hối hả thời hiện đại, tục ăn trầu đang dần bị mai một trong đời sống hàng ngày. Thói quen ăn trầu hầu như chỉ còn tồn tại trong thế hệ người cao tuổi, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trầu cau vẫn giữ vai trò là lễ vật không thể thiếu trong lễ hội, nghi lễ truyến thống như cúng tế, cưới hỏi, giỗ chạp… Đồng thời, những nét đẹp của văn hóa trầu cau ở Việt Nam vẫn mãi lắng đọng sâu đậm trong văn học dân gian, ca dao, dân ca, ghi dấu trong thơ nhạc, phim ảnh hiện đại… Những giá trị truyền thống tốt đẹp này cần phải được bảo tồn nhằm bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tình cảm người Việt Nam, để người Việt Nam biết sống theo triết lý tình nghĩa trầu cau.

 

Trưng bày văn hóa trầu cau


Gần 100 hiện vật liên quan đến văn hóa trầu cau với các chất liệu khác nhau, kích cỡ, niên đại và hoa văn trang trí khác nhau đã được giới thiệu, giúp du khách có thể hồi tưởng và hình dung đầy đủ những khía cạnh văn hóa của tục ăn trầu ở Việt Nam.


Tục ăn trầu ở Việt Nam tuy có từ lâu đời, nhưng những dấu tích vật chất còn lại chủ yếu gặp trên bộ dụng cụ ăn trầu từ thời Lý - Trần cho tới ngày nay. Bộ dụng cụ này không đơn thuần chỉ là những vật dụng thông thường mà còn là những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Bộ dụng cụ ăn trầu ở Việt Nam gồm có bình vôi, ống vôi, xà tích, chìa vôi dùng để đựng, lấy vôi têm trầu; dao dùng để bổ cau, têm trầu; khay, cơi, hộp, âu, giỏ, tráp, túi, khăn, đẫy… dùng để đựng trầu, thuốc và xếp các vật dụng nhỏ; ống nhổ dùng để nhổ bỏ cổ trầu, bã trầu; cối, chìa ngoáy dành cho những người lớn tuổi, răng yếu dùng để giã nát trầu trước khi nhai. Kèm theo cối, chìa ngoáy là hộp đựng...


Trong bộ dụng cụ ăn trầu, bình vôi là vật dụng không thể thiếu và giữ vai trò quan trọng trong tục ăn trầu ở Việt Nam. Tùy theo kích thước, tính chất đặc điểm, không gian và chủ nhân sử dụng mà các bình vôi được chế tác cho phù hợp với việc sử dụng trong gia đình, trong sinh hoạt cộng đồng hay mang theo bên người để tiện sử dụng khi ra ngoài. Bình vôi dành cho tầng lớp quý tộc, bình vôi dành cho giới bình dân... Đặc biệt, với người Việt Nam xưa, những chiếc bình vôi còn được coi trọng và tôn kính như một vị thần nên được gọi là “Ông” Bình Vôi, tương tự như “Ông” Táo trong bếp. Vì thế, khi bình vôi đặc ruột hoặc lỡ bị sứt mẻ thì người ta không đem vứt bỏ mà cẩn thận treo xếp ở gốc đa đầu làng. Chính vì vậy, bình vôi khi chế tác cũng được đầu tư nhiều công sức, tâm huyết nên đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Cũng chính vì vậy mà số lượng hiện vật là bình vôi còn đầy đủ các niên đại từ thời Lý - Trần đến nay và có số lượng nhiều hơn cả. Còn lại các hiện vật khác thì ít hơn, chủ yếu của thời Lê, Mạc, thời Nguyễn trở lại đây.


Cũng như các loại vật dụng khác, trong xã hội cũ, bộ dụng cụ ăn trầu thể hiện rõ đẳng cấp người sử dụng. Đối với tầng lớp bình dân, bộ dụng cụ này được tạo tác đơn giản, bằng những chất liệu dễ kiếm như tre, gỗ, đồng, gốm, vải… Ngược lại, đối với tầng lớp vua chúa, quý tộc, bộ dụng cụ ăn trầu thường được làm bằng chất liệu quý như vàng, bạc, ngọc, ngà, đồng, kim sa... và việc tạo dáng, trang trí cũng hết sức độc đáo, cầu kỳ, tinh xảo, với các hoa văn rồng, phượng...


Bên cạnh việc trưng bày các hiện vật liên quan đến văn hóa trầu cau, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam còn giới thiệu với du khách những hình ảnh, video, bài viết về nguồn gốc tục ăn trầu ở Việt Nam, về cách têm trầu, nhai trầu và những nét đẹp của văn hóa trầu cau trong giao tiếp, ứng xử, trong việc hiếu nghĩa, trong tình yêu đôi lứa, trong các nghi lễ cưới hỏi, thờ cúng... giúp du khách hiểu rõ hơn những khía cạnh văn hóa của tục ăn trầu ở Việt Nam.


Bài và ảnh: Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN