Tôn vinh những dấu ấn thiết kế Việt Nam

Lần đầu tiên tổ chức, lại "nhắm" tới một lĩnh vực cũng chưa phải đã được quan tâm đúng mức tại Việt Nam: Ngành công nghiệp thiết kế, nên quả thực BTC của chương trình "Dấu ấn Thiết kế tại Việt Nam - Good Design Mark in Vietnam” (Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch đầu tư, Liên minh thiết kế đẹp toàn cầu và Công ty CP Truyền thông Vmark) cũng nhiều phân vân khi phát động.

Bà Thu Hương - đại diện ALCADO nhận giải.


Thế nhưng, chương trình đã thành công hơn cả mong đợi. Và với sự đăng ký tham gia của 300 doanh nghiệp, thuộc tất cả các lĩnh vực mà BTC đưa ra: Thời trang may mặc, quà tặng và đồ trang trí, vàng bạc đá quý, đồ nội thất và thủ công mỹ nghệ, đồ chơi, điện máy (xe đạp, xe máy, cơ khí máy móc, đồ điện, điện tử), tiếp thị và thiết kế trong lĩnh vực mới... chúng ta đã có quyền hy vọng vào sự phát triển và lớn mạnh trong tương lai không xa của ngành công nghiệp thiết kế Việt Nam.

Những sắc màu thiết kế

Không thiếu những dấu ấn thiết kế đẹp, đó là điều có thể thấy rõ trong kết quả của chương trình, đặc biệt với 44 sản phẩm đoạt giải “Dấu ấn thiết kế Việt Nam 2012" (lễ trao giải và triển lãm vừa diễn ra giữa tháng 4 vừa qua). Lĩnh vực thời trang may mặc đương nhiên là lĩnh vực góp mặt nhiều nhất, và cũng là lĩnh vực mang tới những sắc màu độc đáo trong lễ trao giải và triển lãm. Đó là Công ty may Bình Minh với sản phẩm áo sơ mi nam hiệu Gendai, Công ty TNHH thời trang quốc tế ALCADO với bộ sưu tập thời trang công sở "Sắc hạ", Công ty dệt may 29/3 với "Đầm dạ hội lấp lánh", Công ty dệt kim Đông Xuân với sản phẩm váy nữ, Công ty dệt may Hòa Thọ với thời trang công sở. Cũng có những sản phẩm rất độc đáo, "đánh" vào những góc còn trống của thời trang như Công ty may Việt Tiến với áo chống nắng và áo đi mưa thời trang.

Khai mạc triển lãm “Thiết kế đẹp Việt Nam” trong khuôn khổ chương trình “Dấu ấn thiết kế tại Việt Nam”.


Rất hào hứng với thành công của mình tại lễ trao giải, bà Thu Hương, đại diện Công ty TNHH thời trang quốc tế ALCADO cho biết: "Đây là lần đầu tiên có một chương trình “nhắm” đến ngành công nghiệp thiết kế, đó là một điều thật sự đáng mừng. ALCADO đã quyết định mang tới chương trình bộ sưu tập mới nhất của mình - bộ sưu tập (BST) "Sắc hạ", với phong cách công sở sang trọng, lịch sự, nhưng không kém phần duyên dáng, quyến rũ cho phái nữ. Đặc biệt với chất liệu chinfon, bộ sưu tập này rất phù hợp với xu hướng thời trang hiện nay“.

Trong lĩnh vực đồ trang sức thì vai trò của thiết kế thực sự có ý nghĩa quyết định với sự "sống còn" của mỗi sản phẩm, mỗi bộ sưu tập mới. Chính vì vậy cũng không có gì phải ngạc nhiên khi những bộ sưu tập của các Công ty trang sức đã chiếm một vị trí quan trọng trong giải thưởng lần này. Đó là BST trang sức "Moonlight" của Trang sức Dogray, BST Ngũ hành "Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ" của Trang sức PNJ, hay bộ trang sức "Huyền bí", "Sức sống", "Vũ điệu sương mai" của Bạc Ngọc Tuấn... Những sản phẩm này thực sự đã đánh một "dấu mốc" cho chương trình "Dấu ấn thiết kế Việt Nam".

Nhưng nếu hiểu thiết kế là "đặc quyền" của những lĩnh vực mang nhiều yếu tố nghệ thuật như thời trang, trang sức... thì sẽ hoàn toàn bất ngờ với sự đa dạng của khái niệm "thiết kế" trong cuộc sống ở chương trình "Dấu ấn thiết kế Việt Nam 2012". Và quan trọng là khi được tiếp xúc, được nghe thuyết trình, thì mỗi người đều phải "đồng thuận" rằng đây đúng là những "dấu ấn thiết kế". Là "dấu ấn thiết kế" trong lĩnh vực hàng gia dụng với 3 bộ sản phẩm: Bình giữ nhiệt Hot&Cool Lock & Lock; nồi chảo Cookplus; hộp bảo quản Lock&lock bisfree table top của Công ty TNHH Lock & Lock Vina; Bộ sản phẩm nồi Anod cao cấp của Tập đoàn Sunhouse... Là "dấu ấn thiết kế" trong những sản phẩm điện máy như 3 bộ sản phẩm: Bình nước nóng tráng kim cương nhân tạo; Máy làm nóng lạnh nước uống; Nồi cơm điện tử của Công ty CP Tập đoàn điện lạnh điện máy Việt Úc. Hay như "dấu ấn" riêng của Công ty CP Vinacafe Biên Hòa với "Bộ sản phẩm Bao bì Café xay"; hoặc dấu ấn cũng rất riêng của Công ty TNHH Hải Đồ cổ với bộ sản phẩm ấm chén Hoàng đế vẽ cảnh Chùa Một Cột của Hà Nội.

Thay đổi cách nhìn

Như BTC chương trình đã khẳng định, "Dấu ấn thiết kế Việt Nam 2012" là một chương trình nhằm khuyến khích cộng đồng các doanh nghiệp quan tâm hơn đến các sản phẩm có kiểu dáng mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế, từ đó có sự quan tâm đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hoạch định các bước đi cụ thể để dần tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Khuyến khích việc cải thiện chất lượng cuộc sống, kiểu dáng mẫu mã nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tạo ra những sản phẩm tốt hơn, mang tính thẩm mỹ cao hơn và phục vụ cho sự phát triển ngành công nghiệp thông qua lĩnh vực thiết kế… Và quan trọng hơn, sẽ giúp hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, từ đó tạo chỗ đứng cho các thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chương trình cũng nhằm hưởng ứng tinh thần đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao năng suất chất lượng, theo tinh thần của Chương trình “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010,

"Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của thông tin, toàn cầu hóa và kinh tế trí thức. Bên cạnh quy luật chung - nhu cầu tiêu dùng kích thích sản xuất phát triển, thì sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ với sự ra đời ngày càng nhiều các phát minh, sáng chế đang làm thay đổi xã hội, thậm chí còn có tác dụng dẫn dắt nhu cầu tiêu dùng. Trong quá trình đó sự đóng góp của các nhà tạo mẫu, thiết kế có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Thực tế cho thấy, các sản phẩm với kiểu dáng, mẫu mã của chúng ta ngày càng đa đạng, đẹp mắt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước, thậm chí đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài không những trên sân nhà, mà còn hướng ra thế giới. Tuy nhiên, do nhìn nhận chưa đầy đủ và đúng tầm về vấn đề này, cho bản thân các sản phẩm của Việt Nam hiện vẫn chưa có được chỗ đứng xứng tầm của mình" - đại diện BTC cho biết, "Dấu ấn thiết kế Việt Nam 2012" là chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp tìm đúng vị trí cho các sản phẩm của Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng".

Bắt đầu từ tháng 8/2011, Ban Thư ký chương trình đã chủ trì và phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức các hoạt động như hội thảo, hội nghị, tọa đàm, các lớp tập huấn, đào tạo, phát hành các tài liệu thông tin tuyên truyền cho các doanh nghiệp. Kết quả đã góp phần tích cực tăng cường nhận thức về thiết kế trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước, phát động phong trào xây dựng đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp. Nhờ đó, kết thúc vòng tiếp nhận hồ sơ đã có trên 300 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình. Sau khi tiến hành xem xét, nghiên cứu hồ sơ của những doanh nghiệp đăng kí tham gia, Ban tổ chức đã chọn được 112 doanh nghiệp đủ điều kiện cam kết thực hiện tốt các trách nhiệm về đóng thuế, thực hiện tốt thủ tục hải quan, môi trường, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, có chứng chỉ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Kết thúc vòng 2, đã có 89/112 doanh nghiệp thỏa mãn tất cả các tiêu chí mà chương trình đã đề ra và chính thức tiếp nhận hồ sơ của 89 doanh nghiệp đủ điều kiện dự thi. Ban tổ chức với sự hỗ trợ của Công ty CP Truyền thông Vmark đã tiến hành cuộc điều tra nghiên cứu mức độ nhận biết của công chúng và người tiêu dùng trên cả nước đối với 89 mẫu thiết kế và sản phẩm gửi về cho Ban tổ chức và xếp hạng mức độ tích cực đối với từng mẫu thiết kế, từng sản phẩm. Từ đó, tìm ra 44 mẫu thiết kế và sản phẩm để trao giải.

Hành trình thực sự dài (từ năm 2011-2012) với rất nhiều "công đoạn" nghiêm túc. Qua đó, BTC chương trình tạo một cách nhìn mới, đúng đắn với vai trò của thiết kế trong các sản phẩm cho cả bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng... từ đó nâng cao vị thế của những sản phẩm Việt Nam trên trường quốc tế.

Bài và ảnh: B.Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN