Tìm “nguồn sống” cho nhạc cụ truyền thống

Sở hữu một kho tàng nhạc cụ dân tộc vô cùng phong phú, nhưng số lượng các bản nhạc hay, phù hợp với nhạc dân tộc thì lại vô cùng nghèo nàn. Tiếc cho những nhạc cụ truyền thống, mong muốn có thêm nhiều bản nhạc hay dành cho các nhạc cụ truyền thống, nghệ sỹ đàn tranh Võ Vân Ánh (hiện đang định cư tại Mỹ) đã cùng Học viện Âm nhạc quốc gia, các tổ chức, cá nhân tâm huyết triển khai dự án “Music Bridge - Under 25” nhằm tìm nguồn tác phẩm cho những nhạc cụ truyền thống.

 

Thiếu tác phẩm


Từ nhiều năm nay, mỗi khi nói đến những tác phẩm âm nhạc dành cho nhạc cụ truyền thống, là chúng ta lại nhắc đến những bài như “Bèo dạt mây trôi”, “Cây trúc xinh”… Dù những bản nhạc này rất hay, đi vào lòng người, nhưng nghe mãi cũng nhàm. Đó là chưa kể các nghệ sỹ, nếu cứ chơi mãi một vài bài, tay nghề sẽ mòn đi, mất dần khả năng sáng tạo. Còn với các sinh viên của khoa nhạc cụ cổ truyền, việc luyện tập mãi những tác phẩm cũ cũng khó để phát triển…


 

Nghệ sỹ đàn tranh Võ Vân Ánh.

 

Nghệ sỹ Võ Vân Ánh cho biết: Mấy chục năm nay, các sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia vẫn học đi, học lại những tác phẩm kinh điển do các giảng viên sáng tác, và gần như không được phát triển thêm. Không chỉ sinh viên thiếu tác phẩm để luyện tập, ngay cả dàn nhạc dân tộc - một trong những niềm tự hào của Học viện Âm nhạc Quốc gia - cũng chỉ có một nhạc mục tương đối hạn chế và cứ lặp đi lặp lại trong các chuyến lưu diễn trong và ngoài nước. Trong khi đó, ở khoa sáng tác, các sinh viên viết cho nhạc cụ truyền thống cũng chưa nhiều và chất lượng cũng không cao. Các sinh viên nhạc cụ cổ truyền thì không sáng tác và không có thói quen sáng tác nhạc cho cây đàn, cây sáo mà mình đã hiểu rất rõ, bởi các em vẫn mặc định cho rằng, công việc ấy là của người khác…


“Nếu như không có tác phẩm để biểu diễn, thì nhạc cụ của chúng ta sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Trong khi chúng ta sở hữu một kho tàng nhạc cụ dân tộc rất phong phú thì bài bản biểu diễn lại nghèo nàn. Quả là đáng tiếc!” - nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh tâm sự.

 

Khơi nguồn sáng tạo


Với mong muốn nhạc cụ truyền thống có chỗ đứng vững chắc hơn nữa, nghệ sĩ Võ Vân Ánh đã trở về Việt Nam, phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tổ chức phi chính phủ Our1World và các nghệ sĩ tên tuổi như Nguyên Lê, NSƯT Lê Phổ, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), NSƯT Phạm Ngọc Khôi, Giám đốc dàn nhạc dân tộc... thực hiện dự án “Music Bridge- Under 25”, nhằm khuyến khích, giúp đỡ và kêu gọi các sinh viên học nhạc cụ dân tộc tự sáng tác các tác phẩm âm nhạc dành cho cây đàn của mình. Qua dự án này, sinh viên sẽ được thử nghiệm để tìm ra tiếng nói riêng của mình trong nghệ thuật bằng việc bắt đầu sáng tác các bài tập, tác phẩm nhạc đàn dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian, dân tộc.


Cụ thể, dự án sẽ hỗ trợ tiền cho những người sáng tác (đặc biệt khuyến khích những nhạc công sáng tác riêng cho nhạc cụ của mình). Mỗi thí sinh tham gia dự án “Music Bridge - Under 25” sẽ nhận được 400.000 đồng tiền hỗ trợ sáng tác. Các tác phẩm sẽ được thẩm định, trao giải thưởng và tổ chức biểu diễn công bố nhằm xây dựng nên một thư viện bài bản phong phú cho âm nhạc dân tộc Việt Nam.


Trong quá trình tham gia dự án, các sinh viên sẽ có những buổi làm việc với nghệ sĩ Nguyên Lê và một số giáo sư âm nhạc đến từ các cơ sở đào tạo danh tiếng của Mỹ, các nghệ nhân âm nhạc dân tộc… để trao đổi kinh nghiệm, giúp các em sáng tác và phát triển âm nhạc trên cái gốc nhạc dân tộc Việt mình. Được biết, dự án sẽ triển khai trong khoảng từ 3 - 5 năm. Giai đoạn đầu sẽ thực hiện tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Sau đó tiếp tục mở rộng hoạt động với các sinh viên của Học viện Âm nhạc Huế và Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.


Bài và ảnh: Phương Hà

Thử nghiệm chèo và nhạc cụ gõ: 'Độc' và 'lạ'
Thử nghiệm chèo và nhạc cụ gõ: 'Độc' và 'lạ'

Đã từng tạo được nhiều ấn tượng cho khán giả bởi lối trình diễn độc đáo ở những buổi biểu diễn hòa tấu bộ gõ với những nhạc cụ gõ vô cùng phong phú, nhóm gõ Go Group sẽ có một thử nghiệm mới khi kết hợp với chèo trong đêm 25/10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN