Tìm giải pháp phù hợp để phát huy hiệu quả khu Làng các dân tộc

Cách đây gần 1 năm, Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (VHDLDT) đã chính thức khai trương sau 12 năm xây dựng. Trong đó, Làng các dân tộc Việt Nam là 1 trong 6 khu chức năng chính và là khu rất quan trọng của Làng VHDLDT. Tuy nhiên, đến giờ này vẫn thấy Làng các dân tộc Việt Nam còn trăm bề ngổn ngang.

Tâm tư người trong cuộc

Với phương châm “Chủ thể văn hóa giới thiệu về mình”, vừa qua Ban quản lý khu Làng các dân tộc đã tổ chức để cộng đồng các dân tộc: Chơro (Đồng Nai); Chăm (An Giang), Êđê, Jrai, M’nông (Đắk Lắk) tới đây, giới thiệu các nét truyền thống văn hóa tại 5 khu nhà của đồng bào như lễ vào nhà mới, lễ cưới của dân tộc Chăm, lễ trưởng thành của dân tộc Êđê; tái hiện các hoạt động của các dân tộc Êđê, Jrai, M’nông như: Dệt vải thổ cẩm, tạc tượng nhà mồ, đan gùi, chế tác nhạc cụ, vẽ tranh, lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Jrai, lễ hội cồng chiêng của đồng bào Chơro...

Đồ dùng phục vụ lễ cưới của đồng bào dân tộc Chăm được giới thiệu tại Làng các dân tộc Việt Nam.


Anh Mohamad Kadafi, đến từ xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang, cho biết: “Đoàn mình có khoảng 20 người đi ô tô 3 ngày mới ra đến Hà Nội. Lần đầu tiên ra đến Hà Nội vui lắm, lại thấy ngôi nhà Chăm cổ truyền to quá, giống những ngôi nhà cổ trong quê. Hiện nay thì các ngôi nhà quê mình cũng thay đổi nhiều, nhà lợp tôn, tường xây... Ở đây một thời gian giới thiệu với du khách thì thích lắm. Nhưng khu làng này vẫn chưa xây xong nên tối đến thấy nó vắng vẻ quá”.

Còn bác Điểu Hiền, 52 tuổi, cán bộ văn hóa xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai tâm sự: “Đoàn mình đi hơn 2 ngày thì ra đến Hà Nội. Thấy tỉnh và huyện chỉ định đoàn văn nghệ của xã đi giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Chơro nên mừng lắm, lại được ra Thủ đô. Nhưng ra vài ngày thì được, chứ ở đây lâu buồn lắm. Còn về nhà sàn làm giống nhà truyền thống nhưng ở quê mình ở 2 đầu hồi nhà đều có cầu thang lên xuống, ở đây chỉ có 1 cầu thang ở đầu hồi ra vào, còn phía sau không có. Mình đã góp ý với Ban quản lý và họ bảo sẽ tiếp thu”.

Trái ngược với những người lớn tuổi, em Trơng Hmai (dân tộc Êđê), xã Đliê Yang, huyện Eah’leo, tỉnh Đắk Lắk, hồ hởi kể: “Em năm nay 17 tuổi. Cùng các bạn học học ở Trường Trung cấp nghệ thuật Dam San, em sống tự lập, xa gia đình vài năm nay. Nếu được ở lại Hà Nội để giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc mình, em sẵn sàng. Nhưng ở đây xa khu dân cư và chưa làm xong nên vắng vẻ, ít du khách”.

Vẫn đang chạy thử nghiệm

Thừa nhận thực tế này, anh Nguyễn Đức Thắng, Phó Ban quản lý khu Làng các dân tộc Việt Nam cho biết, hiện tại có 18 khu dân tộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hơn 20 làng đã hoàn thành và tổ chức một số hoạt động; số còn lại đang xây dựng dở dang. Theo dự kiến, đến năm 2015, khu Làng các dân tộc mới hoàn thiện và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, dù đang trong hoạt động thử nghiệm, nhưng trong thời gian diễn ra các hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống mà không có người xem, giao lưu thì đồng bào sẽ buồn, hiệu quả sẽ không như mong muốn. Hiện các hoạt động tại khu làng mới chỉ mang tính thử nghiệm.Vì vậy Ban quản lý đang phối hợp với các hãng lữ hành, các khu du lịch tại Ba Vì để kéo khách đến tham quan.

Trên thực tế, do khung thời gian diễn ra hoạt động bó hẹp và lịch không chính xác nên nhiều doanh nghiệp lữ hành không tổ chức tour tới Làng văn hóa các dân tộc. Hầu hết lượng khách quốc tế đến Hà Nội được hướng tới Bảo tàng Dân tộc học do thuận tiện đi lại. Đại diện một doanh nghiệp du lịch cho biết: Về lý thuyết, khu Làng dân tộc có không gian rộng hơn và có chính đồng bào ở trong các ngôi nhà đó sinh hoạt và giới thiệu các nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, do khu làng ở xa trung tâm, đi lên đó phải mất một ngày, trong khi dịch vụ phụ trợ, vui chơi lại không có, sản phẩm du lịch nghèo nàn. Đây là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không dám mạo hiểm tổ chức tour tới làng. Còn Bảo tàng Dân tộc học tuy chỉ trưng bày mô hình, dụng cụ nhưng có thuyết minh viên, việc di chuyển gần có thể chỉ mất nửa ngày nên đây là điểm đến phù hợp với cả khách đoàn lẫn khách đi lẻ.

Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Ban quản lý Làng VHDLDT Việt Nam cho biết: “Hiện có hai hướng mà chúng tôi đang nghiên cứu và thử nghiệm. Hướng thứ nhất là mời chính cộng đồng dân tộc đó xuống ở các làng đã được xây dựng để họ sinh hoạt và giới thiệu về cộng đồng họ trong một thời gian nhất định. Hướng thứ 2 là lấy nguồn từ các học sinh, sinh viên là các em đồng bào dân tộc để các em giới thiệu về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Chúng tôi đã tuyển 15 em là sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật để đào tạo nguồn. Mỗi hướng có những ưu nhược điểm riêng và chúng tôi đang vận hành thử nghiệm để có thể đúc kết chính thức cho triển khai từ năm 2015”.

Bài và ảnh: Xuân Cường

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN