Thăm vùng đất xuất hiện ngôi sao sáng trên bầu trời văn hoá Việt Nam

Ngày xuân năm Giáp Ngọ (2014) chúng ta cùng nhau về thăm vùng đất xuất hiện ngôi sao sáng xuất hiện năm Bính Ngọ (1726) trên bầu trời văn hóa Việt Nam và cũng là kỷ niệm 230 năm ngày ngôi sao đó đi vào cõi vĩnh hằng.

 

 

Ngôi sao sáng đó là Lê Quý Đôn. Ông là một trong những trí tuệ uyên bác nhất trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam. Người đời xưa và nay đều hết lời ca ngợi ông là: “Người thông minh nhất đời”, “ Thiên hạ vô trí vấn Bảng Đôn”, “ Lãnh tụ tri văn”, “Lê Quý Đôn là cái tủ sách tổng hợp biết nói của nước Việt Nam. Trên thì thiên văn, dưới thì địa lý giữa là con người, không gì Lê Quý Đôn không biết, hiểu biết của ông rất rộng và rất sâu" (PhanTân, giáo sư sử học). “Sách thầy chất đầy bàn, đầy tủ, quan xem có thể giúp nước, vua xem có thể bình thiên hạ. Mấy trăm năm nay chưa ai giỏi bằng thầy ta, mấy trăm năm sau hồ dễ có ai giỏi bằng” (Bùi Huy Bích, nhà văn hóa lớn thế kỷ XIX). “Một trong những ngôi sao sáng trên bầu trời văn hóa Việt Nam” (Trường Chinh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam). “Những trước tác của ông để lại cho dân tộc, cho hậu thế gần như bao quát mọi mặt của nền văn hóa đương thời như Lịch sử, Địa lý, thơ văn, ngôn ngữ triết học, kinh tế, xã hội, nông học…và trong di sản đồ sộ đó có Vân đài loại ngữ được nhiều nhà khoa học đánh giá nhu bộ Bách khoa thư Việt Nam” (Đỗ Mười ,Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam).

 

Lê Quý Đôn thuở nhỏ là Lê Danh Phương tự là Doãn Hậu hiệu là Quế Đường. Ông sinh ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ ( tức ngày 2/9/1726) tại thôn Phú Thứ, xã Diên Hà, tổng Diên Hà, phủ Tiên Hưng, nay là thôn Phú Thứ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là con đầu của Thượng thư bộ hình Lê Trọng Thứ ( 1694-1782). Từ nhỏ, người đương thời đã gọi ông là thần đồng. Năm 17 tuổi đi thi hương đỗ giải nguyên khoa Nhâm Thìn (1752) dưới thời Cảnh Hưng. Năm 27 tuổi thi hội đỗ Hội nguyên, rồi vào thi Đình đỗ Bảng nhãn.

 

Sau khi thi đỗ, ông được giữ chức Thị giảng Viện hàn lâm và Viện quốc sử (1757), lãnh chức Phó sứ sang triều nhà Thanh (Trung Quốc) năm 1760. Học vấn uyên bác và tài ứng đối của ông làm cho triều thần nhà Thanh và sứ thần Triều Tiên kính trọng. Về nước, ông làm Đốc đồng Kinh Bắc, Tham chính Hải Dương, Tư nghiệp Quốc Tử Giám kiêm trông coi việc biên soạn quốc sử (1767) và được thăng chức Bồi tụng phủ Chúa, Hiệp trấn Thuận Hóa; Tham tụng Thăng Long (1776); Hiệp trấn Nghệ An (1783). Ông mất ngày 11/6/1785, được truy tặng Thượng thư bộ công.

 

Lê Quý Đôn học rộng, biết nhiều, là người đầu của nước ta tiên biết đến quả đất tròn gồm bốn Châu (Âu, Á, Phi, Mỹ), người sớm nhất lưu ý đến một số vấn đề về khoa học tự nhiên. Về vũ trụ học đề xuất lý thuyết “Lí khí”; về trị nước, chủ trương “Đức trị” đi đôi với “Pháp trị” trọng dụng nhân tài. Ông có nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, sáng tác. Theo thống kê chưa đầy đủ số lượng các tác phẩm có tới 40 bộ với hàng trăm quyển. Có thể kể tới một số công trình tiêu biểu: Về văn học có bộ sưu tầm “Toàn Việt thi tập”, lựa chọn và giới thiệu 2391 bài thơ của 175 tác giả từ thời Lý, Trần; tác giả tập thơ "Quế đường thi tập rất nổi tiếng". Về sử học có “Đại Việt thông sử”, “Phủ biên tạp lục”, “Kiến văn tạp lục”, “Bắc sử thông lục”. Về triết học có “Thư kinh diễn nghĩa”, “Dịch kinh phu thuyết”, “Xuân thu lược luận”, “Quân thư Khảo biện”. Về kinh tế và nông học có bộ “Vân đài loại ngữ” rất đồ sộ, khiến người đời sau muốn tra cứu nhiều lĩnh vực khoa học, đời sống từ mấy trăm năm trước đều phải tra cứu.

 

Tưởng nhớ về ông, ngày nay ở các tỉnh thành trong cả nước nơi nào cũng có trường học các đường phố mang tên ông.

 

Ngày 31/3/1986, Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa Khu lưu niệm doanh nhân văn hóa Lê Quý Đôn (gồm nơi sinh, Từ đường, hồ Lê Quý và phần mộ phụ thân Lê Quý Đôn) tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

 

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những công trình, kỷ vật gắn liền với cuộc đời của ông không còn nhiều. Nơi sinh và Từ đường chỉ còn là ngôi nhà nhỏ được dòng họ Lê trông nom thờ phụng đã xuống cấp. Hồ Lê Quý xung quanh nhiều nhà dân lấn chiếm, đảo nhỏ trên hồ đơn sơ, bờ hồ bị sụt lở. Mộ cụ Lê Phú Thứ nhỏ bé, đơn sơ.

 

Để bảo tồn và phát huy giá trị những công lao to lớn của nhà bác học Lê Quý Đôn và dòng họ Lê tại quê hương của Người đối với non sông đất nước, với dân tộc, đồng thời giáo dục các thế hệ trẻ học tập, làm theo gương nhà bác học và tạo ra một điểm đến cho du lịch Hưng Hà, Thái Bình và Việt Nam, UBND tỉnh Thái Bình đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn, tại xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

 

Khu di tích có vị trí giao thông thuận lợi gắn kết với các di tích lịch sử danh thắng khác trên đất Hưng Hà và vùng đồng bằng sông Hồng.

 

Về đường thủy, tuyến du lịch trên sông Hồng có ảnh hưởng trực tiếp tới khu di tích. Du khách từ Hà Nội có thể theo sông Hồng tới thăm làng cổ, gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), Khu di tích lịch sử Tiên Dung, Chử Đồng Tử, Chiến thắng Hàm Tử, Tây Kết, Mạn Trù, Bãi Sậy, Phố Hiến (Hưng Yên), Đền Lảnh Giang, Trần Thương, Bà Vũ và di tích Nam Cao (Hà Nam), Khu Đền Trần (Nam Định), Khu bến đò Lưu gia Lăng mộ Lưu Khánh Đàm, Lưu Điều, Đền thờ Lưu Ngữ và chùa Báo Quốc, Khu di tích nhà Trần ở Tiên Hưng, Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm (Thái Bình), Khu di tích ở quê hương Lê Quý Đôn (từ đường họ Lê, Lăng mộ Lê Phú Thứ, khu lưu niệm Lê Quý Đôn).

 

Về đường bộ, hệ thống đường bộ huyện Hưng Hà sẽ nối di tích từ đường họ Lê và Khu lưu niệm Lê Quý Đôn với các điểm du lịch quan trọng trong hệ thống các di tích danh lam thắng cảnh trong tỉnh Thái Bình và trong vùng, như Khu di tích nhà Trần(Tiên Hưng), Đền thờ Đông Nhung đại tướng quân Vũ Thị Thục, khu di tích Lưu Xá, đền thờ Trần Thủ Độ, đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung, Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm (Thái Bình), đền Lảnh Giang, chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam) và Khu Đền Trần, chùa Tháp, Bảo Lộc (Nam Định), Phố Hiến (Hưng Yên).

 

Khu di tích bao gồm từ đường dòng họ Lê, lăng mộ cụ Lê Phú Thứ và hồ Lê Quý. Các công trình đều rất nhỏ bé đơn sơ và đang trong tình trạng xuống cấp, sẽ được bảo tồn, tôn tạo. Hệ thống đường xá nhỏ hẹp sẽ được mở rộng, hệ thống phục vụ cho du khách và tổ chức lễ hội sẽ được xây dựng hoàn thiện.

 

Bên cạnh từ đường họ Lê được bảo tồn, tôn tạo, sẽ xây dựng thêm nhà thờ cụ Phúc Lý (ông nội Lê Quý Đôn) do dòng họ Lê góp sức xây dựng; mở thông không gian khu từ đường ra hồ Lê Quý thành một thể thống nhất. Hồ được tôn tạo bằng hệ thống kè đá có hệ thống cây xanh xung quanh. Trên đảo nhỏ giữa hồ sẽ khôi phục ngôi nhà xưa nơi Lê Quý Đôn về quê viết sách, ngâm thơ, vẽ tranh… Miếu bà tổ cô (cô ruột Lê Quý Đôn) bên hồ cũng được bảo tồn, tôn tạo.

 

Lăng mộ cụ Lê Phúc Thứ sẽ được sửa sang. Cạnh đó xây dựng ngôi nhà thờ cụ. Nhà xây dựng ba gian, giữa là ban thờ, hai bên là nơi tiếp khách, soạn lễ và xem thẻ (Lê Phúc Thứ để lại trên một trăm thẻ bói được người dân khắp nơi chiêm nghiệm và ngưỡng mộ.

 

Tại đây xây dựng một quán nghỉ chân cho du khách mỗi lần tới thăm viếng mộ cụ. Tất cả các công trình đều làm theo kiến trúc truyền thống.

 

Khu lưu niệm Lê Quý Đôn được xây dựng trên con đường liên thôn nối từ Khu di tích và từ bến sông Hồng vào Khu trung tâm xã Độc Lập. Khu lưu niệm là nơi thờ cúng tưởng niệm và thể hiện được phần nào thân thế sự nghiệp vĩ đại của nhà bác học Lê Quý Đôn.

 

Du khách tới thăm qua nhà tiếp đón và quản lý Khu lưu niệm. Nhà tiếp đón có phòng tiếp khách, phòng trưng bày các hình ảnh về nhà bác học, có phòng chiếu phim và nói chuyện chuyên đề về thân thế, sự nghiệp của Người, có sa bàn, bản đồ toàn bộ Khu di tích và lưu niệm để du khách biết và bố trí thời gian thích hợp cho chuyến tham quan, nghiên cứu của mình.

 

Từ đường liên thôn qua trục hành lễ lát đá có trang trí hoa văn rộng 13, dài 110m, du khách tới sân lễ hội có sức chứa tới trên 5.000 người. Đây là nơi hàng năm tổ chức lễ hội nhân kỷ niệm ngày sinh, ngày mất và những sự kiện phục vụ du khách. Tại đây có sân khấu lớn cũng có thể tổ chức biểu diễn ca múa nhạc kịch, nói chuyện…  về nhà bác học, phía bắc sân lễ hội là tượng đồng và đền thờ nhà bác học Lê Quý Đôn.

 

Đền có mặt bằng hình chữ công (工) phía trước có tả vu hữu vu để soạn lễ, trưng bày các hình ảnh, hiện vật và các tác phẩm của nhà bác học hiện còn lưu giữ được. Các công trình đều được xây dựng theo kiến trúc truyền thống với nhiều họa tiết hoa văn thời Lê.

 

Xung quanh đền xây dựng nhiều sự kiện mô tả cuộc đời nhà bác học từ lúc thiếu thời tới lúc trưởng thành làm quan, đi sứ…

 

Khu đố chữ tái tạo lại một số hình ảnh về trò chơi đố chữ của Lê Quý Đôn với bạn bè thuở nhỏ, với các tư thế đứng thẳng dang thẳng hai tay thành chữ thập(十), đứng thẳng buông hai tay ra hai bên thành chữ Tiểu (), nằm ngửa dang hai chân hay thành chữ đại (大) và đứng thẳng dậy vẫn giữ nguyên tư thế cũ mà mãi bọn trẻ mới hiểu được đó là chữ Thái (太) vì có dấu chấm ở dưới…

 

Bài thơ “Rắn” nổi tiếng của Lê Quý Đôn sẽ được mô tả bằng vườn rắn. Trong vườn có đủ các loại rắn làm bằng Compuzit đặt trên bãi cỏ xanh: Liu điu, Thẹn đèn, hổ lửa, mai gấm, Rắn ráo, thằn lằn, hổ trâu, hổ mang…

 

Với những hình ảnh sinh động này, chắc sẽ làm du khách thú vị, đặc biệt là thanh thiếu niên.

 

Khu quê ngoại sẽ tái tạo lại cảnh quan nhà ông ngoại Lê Quý Đôn (cụ Trương nguyên Lượng làm quan đến tước Hầu), người có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của Lê Quý Đôn. Đây cũng là nơi Lê Quý Đôn trút hơi thở cuối cùng tại huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam.

 

Khu trường thi sẽ tái tạo lại hình ảnh của trường thi xưa mà Lê Quý Đôn cùng các sĩ tử đến thi để du khách hiểu được phần nào việc tổ chức thi cử xưa của nền giáo dục Việt Nam xưa. Khách tới tham quan thấy được những lều chõng, những chòi gác canh thi và tiếng quan trường khuyến cáo sĩ tử đâu đó còn vang vọng: “Ân oán được trả lại cho sự công bằng của tạo hóa”. Điều đó nhắc nhở mọi người cần làm nhiều việc nhân đức. Du khách cũng có thể vào lều chõng dự cuộc thi thơ do Khu di tích tổ chức.

 

Khu sự nghiệp quan trường là Khu mô tả cuộc đời làm quan của Lê Quý Đôn. Với khả năng làm việc phi thường của mình, ông đã làm được biết bao công việc cho non sông, đất nước. Từ những công việc ở Hàn Lâm Viên, viết sách đến làm quan liêm phóng dẹp bọn tham nhũng ở Sơn Nam đầy khó khăn trắc trở ông đều hoàn thành xuất sắc. Và rồi ông lại được chuyển sang nghiệp võ, ông cùng các đạo quân ở Tuyên Quang, Hưng Hóa đánh dẹp quân nổi loạn của Hoàng Công Chất, theo Trịnh Doanh đánh dẹp quân Hẻo ở Sơn Tây, Thái Nguyên… thắng trận trở về ông viết 79 khoản nói về chức trách của Tư binh phiên, trong đó ông nói rõ về việc kết hợp đánh dẹp với thu phục, thưởng phạt công minh và việc luyện quân lính, chính sách yên dân….Khi vào trấn ải xứ…Thuận hóa ông đã soạn sách “Phủ biên tạp lục” nói về xứ đằng trong.

 

Khu đồi thấp sau đền trồng nhiều cây làm phong và cây lá thế tựa. Đường dạo len lỏi trên đồi núi tả cuộc đi sứ gian nan của đoàn sứ bộ Việt Nam mà Lê Quý Đôn là phó sứ được các sứ thân Trung Quốc, Triều Tiên ca ngợi ông là “Đệ nhất nhân vật của nước Nam”.

 

Sa bàn Việt Nam thu nhỏ là hình ảnh của nước Việt ngày nay có núi đồi, sông biển đồng bằng và đường giao thông, có vị trí của thủ đô Hà Nội và các tỉnh. Có Hoàng Sa, Trường Sa ngoài biển Đông mà Lê Quý Đôn là người đã nói tới trong Phủ Biên tạp lục.

 

Nơi đây còn được đặt một bảng điện tử để du khách thử sức mình theo Lê Quý Đôn, các du khách sẽ cùng nhau thi đọc nhanh một bài thơ trên bảng điện tử mà ở đó mặt nước dâng từ dưới lên che lấp dần bài thơ. Tương truyền, khi đi sứ, một viên quan nhà Thanh cùng dạo trên bãi biển, viên quan nọ chỉ cho Lê Quý Đôn xem một bia đá trên có khắc một bài thơ. Về nhà, viên quan đó đề nghị Lê Quý Đôn đọc lại bài thơ này, ông ta vô cùng ngạc nhiên bởi chiếc bia đá đó nằm trên bãi biển lúc thủy triều đang lên nhanh che dần bài thơ, Lê Quý Đôn đã đọc lại toàn bộ bài thơ đó. Bí quyết là Lê Quý Đôn đã đọc ngược bài thơ từ dưới lên.

 

Đến khu di tích các du khách còn được tham gia làm ruộng cày, cuốc, gieo mạ, cấy, gặt..hoặc ngắm nhìn khu ruộng lúa xanh tốt để tưởng nhớ tới công lao to lớn mà nhà bác học đã nghiên cứu sáng tạo ra hàng trăm loại lúa mà đời nay phải ngưỡng mộ.

 

Phía trước Khu di tích là khu dịch vụ công cộng. Tại đây có các cửa hàng ăn uống giải khát, nghỉ ngơi, mua sắm đồ lễ, hàng lưu niệm, bưu thiếp, ngân hàng…. Những mặt hàng độc đáo của đất Hưng Hà như Chiếu hới, đồ gia dụng bằng gỗ, những phù điêu khắc chạm tinh xảo,  những bức tưng nhỏ đẹp của những danh nhân như Lê Quý Đôn, Lưu Khánh Đàm, Thục Nương Đại tướng quân Vũ Thị Thục, Thái sư Trần Thủ Độ, Quốc mẫu Trần Thị Dung, Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm…

 

Không những vậy, du khách còn được nghỉ ngơi câu cá và thưởng thức cỗ cá bên hồ thủy sản giáp với hồ Lê Quý. Ở đây có các nhà hàng, chòi câu và những nhà bè nổi trên mặt nước, được kéo vó bè trên hồ dưới ánh trăng, sẽ là kỷ niệm khó quên với những du khách.

 

Trong khu lưu niệm có nhiều cây cối, hoa lá bốn mùa xanh tốt với những cây thân cao như đa, đề, si, gạo, muỗm, những cây tầm trung như phượng vĩ, bằng lăng, liễu, ngọc lan, những cây tầm thấp là các cấy lá màu như mẫu đơn, nguyệt quế, thu hải đường, hoa hồng, cúc vạn thọ và những thảm hoa đủ sắc màu trên nền cỏ xanh.

 

Trên đường nối Khu di tích và cây lưu niệm một khu ở mới được xây dựng, các khu nhà cũ được cải tạo, đường xá được mở rộng theo quy hoạch nông thôn mới.

 

Bến thuyền trên sông Hồng cạnh khu lưu niệm được xây dựng để đón du khách.

 

Hy vọng rằng với sự đầu tư thích đáng của nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương của con cháu dòng họ Lê khắp miền đất nước, vùng đất thiêng xưa ở thôn Phú Thới Xã Độc Lập sẽ được đánh thức bởi du khách khắp nơi sẽ về đây để chiêm ngưỡng lại một ngôi sao sáng chói trong lịch sử văn hóa nước nhà.

 

KTS Nguyễn Thế Khải

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN