Sức sống mãnh liệt của nghệ thuật đờn ca tài tử


Du khách tới thành phố Cần Thơ trong những ngày này đều sốt sắng tới phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt để thưởng thức Liên hoan Đờn ca tài tử TP Cần Thơ lần thứ V, năm 2011 – một nếp văn hóa tao nhã, độc đáo, tràn đầy sức sống của người dân miệt vườn sông nước Nam bộ, do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ phối hợp tổ chức từ 17 đến 22/10.


Đờn ca tài tử Nam bộ có sức sống mãnh liệt.


Sân khấu Liên hoan Đờn ca tài tử được thiết kế mô phỏng khung cảnh một buổi đờn ca tài tử, đảm bảo các yếu tố gần gũi để nghệ nhân dễ dàng biểu diễn và giao lưu với khán giả. Người đờn, người hát là trung tâm, khán giả ngồi xung quanh thưởng thức, có bàn ghế, trà nước… Các tiết mục tham dự liên hoan đều tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, gương anh hùng liệt sĩ, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi, hiếu kính với ông bà, cha mẹ... Đờn ca tài tử là hoạt động được tổ chức thường niên nhằm tạo điều kiện để các tài tử đờn, tài tử ca, những nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét công nhận, đưa Đờn ca tài tử vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX, đờn ca tài tử Nam Bộ có xuất xứ từ nhạc thính phòng, nhã nhạc cung đình Huế và văn nghệ dân gian. Sau một thời gian dài định hình và chấn chỉnh, đến nay đờn ca tài tử đã được quốc gia hóa và được xếp vào một trong những di sản âm nhạc độc đáo trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam. Khi mới hình thành, đờn ca tài tử là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 nhạc cụ: đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và độc huyền cầm (gọi là tứ tuyệt). Sau này, được cách tân với sự thay thế độc huyền cầm bằng cây ghi-ta phím lõm, còn gọi là đờn thập lục.

Theo nghệ sĩ Minh Thơ, hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam : Sau khi hình thành và phát triển, một số nhóm nhạc tài tử nổi tiếng ở nhiều địa phương như Sài Gòn, Long An, Mỹ Tho, Sa Đéc, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bạc Liêu v.v...đã liên kết với nhau. Các nhóm này kết thành hai khối: tài tử miền Đông và tài tử miền Tây. Mỗi khối cố gắng tranh đua cải soạn, sáng tác mới bài bản, giảng dạy truyền nghề âm nhạc tài tử theo cách riêng của mình. Thí dụ, khối miền Đông sáng tác được nhóm Ngũ Châu gồm các bài: Kim tiền bản, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp…; còn khối miền Tây sáng tác nhóm Tứ Bửu (bốn báu vật) là: Minh hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên và Ái tử kê… Nhờ vậy, kho tàng âm nhạc tài tử quý báu của Nam bộ hôm nay rất phong phú về bài bản, đa dạng về hơi điệu. Tính đến nay, bài bản tài tử đã có đến hàng trăm; hệ thống lại, người ta đều nhất trí chọn 20 bài gọi là “Nhị thập huyền tổ bản”, là tinh hoa của nền âm nhạc tài tử Nam bộ.

Tuy là loại hình văn hóa mang sắc thái nghiệp dư, nhưng đờn ca tài tử có một sức sống mãnh liệt và cũng có luật chơi hẳn hoi, từ cách ôm đàn đến so dây và gõ song loan. Thao tác bắt buộc đầu tiên cho ban nhạc là thứ tự khi so dây. Phần dạo đầu ưu tiên dành cho đàn tranh - vì đàn tranh được coi như “anh cả”, sau mới đến thập lục, cò, kìm, sến,...sao cho hoàn chỉnh, chính xác từng cung, bậc, âm thanh cuả từng loại đàn. Hình thức nhạc tài tử cũng có thứ lớp, bài bản sử dụng gồm có Nam, Bắc, Oán, Vọng cổ và 7 bài bản lớn trong nhạc tài tử.

Các ban nhạc tài tử thoạt đầu được hình thành một cách ngẫu hứng như tính chất và tên gọi của nó. Ông Sáu đờn cò xóm trên ôm đàn xuống chơi với ông Chín đờn kìm xóm dưới. Họ đến với nhau vì “tìm bạn tri kỷ, tri âm”. Họ chơi với nhau những lúc nông nhàn hoặc khi “trà dư tửu hậu”, rồi dần dà những cung bậc buồn vui với lời ca đậm nghĩa nặng tình đã đi vào đời sống, thấm sâu vào tâm hồn của người dân sông nước Nam Bộ.

Đờn ca tài tử có sức sống mãnh liệt bởi tính chất bình dân, ai cũng có thể tham gia. P hong cách chơi không hề bị câu thúc bởi lễ nghi phiền toái, trang phục đời thường, giản dị. Trong sân chơi này, người thưởng thức và người phục vụ thường không phân biệt. Người đến nghe không những trải lòng mình đồng cảm với lời ca, với từng ngón đờn tài hoa mà khi cao hứng họ cũng tham gia khi nửa bản phụng hoàng, lúc một đoạn nam ai hoặc vài ba câu vọng cổ... Ngồi hát chán chê, rồi họ đứng lên hát ra bộ, có khi ca diễn cả một trích đoạn cải lương. Càng hát càng say, lúc hát một mình, khi hát cùng bạn tri âm, tri kỷ. Tùy theo hoàn cảnh mà người hát, người đờn chọn bài bản có giai điệu, tiết tấu, lời ca sao cho phù hợp với tâm trạng, tình cảm của mình lúc đó. Một tính chất khác của tài tử là hát ngẫu hứng. Khi chén trà, chung rượu ngấm vào tâm, trong cơn tửu hứng, họ cao giọng ngâm nga nỗi niềm riêng tư ngẫu hứng bằng lời ca mới nhưng đúng bài bản và rất điệu nghệ. Nhờ vậy, hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo này có sức sống riêng, thu hút rất đông "nam, phụ, lão, ấu" tham gia. Họ thường luân phiên tổ chức, quây quần bên nhau trên bộ ván gõ giữa nhà, hoặc trên một chiếc chiếu rộng trải giữa sân trong những đêm gió mát, trăng trong, đờn hát với nhau cho ấm áp tình làng, nghĩa xóm, gắn chặt những cuộc đời một nắng hai sương lam lũ với sông nước, ruộng vườn... và đôi khi tiếng đờn, lời ca mượt mà, sâu lắng, thiết tha làm ta nôn nao nhớ về cội nguồn ông cha một thời khai hoang mở cõi!

Thời gian gần đây, về Cần Thơ hay các tỉnh vùng sông nước Nam Bộ, du khách dễ dàng bắt gặp đó đây trên dòng sông, trên ghe khách thương hồ, bên rặng dừa nước, trong vườn cây trái sum suê, hoặc trong khung cảnh đồng lúa mênh mông hình ảnh các lão nông lai rai bên ly xị đế với vài cây đờn, bộ âm ly và hai micro gọn nhẹ là có thể ngân nga vài câu vọng cổ, cất lên đôi giọng điệu ai, oán. Nhiều quán ăn nhà hàng hay khu du lịch sinh thái cũng đang phổ biến hình thức đờn ca tài tử này phục vụ khách hàng và được thực khách rất ái mộ.

Hàng chục năm qua, những ban nhạc tài tử “ta đàn, ta hát, ta nghe” không thể thiếu trong các dịp lễ, tết, đám, đình ở xóm thôn Nam bộ. Ngoài việc phục vụ đám tiệc, đàn hát giao lưu văn nghệ họ còn biểu diễn giới thiệu vốn nhạc tài tử truyền thống cho các đoàn khách du lịch miệt vườn, du lịch sông nước. Về sau, phần lớn các ban nhạc này được nâng cấp, kiêm luôn nhiệm vụ của một đội thông tin lưu động, tham gia tuyên truyền thông tin thông qua những điệu nhạc, lời ca cải biên mới phù hợp với nội dung giáo dục động viên bà con hăng hái thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị ở điạ phương.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Nam bộ hiện có 21 tỉnh, thành có nghệ thuật đờn ca tài tử, hình thành 2.019 câu lạc bộ, có 2.850 nhạc cụ đang sử dụng trong các câu lạc bộ với 22.643 thành viên tài tử tham gia. Phong trào đang phát triển khá mạnh ở các tỉnh, thành như Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… Nhiều địa phương có 100% xã, ấp, khu dân cư đều hình thành câu lạc bộ đờn ca tài tử gắn với các khu văn hóa gia đình, nhà chùa nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, giao lưu văn nghệ có lễ, giỗ hoặc sau những ngày lao động vất vả. R iêng ở Cần Thơ, trong phong trào đờn ca tài tử, đội ngũ danh cầm chuyên nghiệp và không chuyên có đến gần trăm người. Còn danh ca, tài tử ca hình thành từ phong trào đờn ca tài tử thì không thể thống kê hết. Có rất nhiều gia đình cả nhà ba, bốn thế hệ đều là “tín đồ” của nghệ thuật đờn ca tài tử. Như gia đình Nghệ nhân Ba Sở, 79 tuổi ở khu vực Tân An, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, Cần Thơ, cả nhà đều biết đờn hát tài tử. Ông dạy cho các con cháu trong nhà đờn hát rất giỏi, ai đến thưởng thức cũng phải ngất ngây tán thưởng. Bản thân ông từng đoạt giải xuất sắc trong các cuộc thi “Hòa đờn”, “người cao tuổi đờn, hát” do địa phương tổ chức. Nghệ nhân bộc bạch: Gần 60 năm tôi gắn bó với đờn ca tài tử, đến giờ vẫn còn ham mê. Một tuần không đờn, hát cùng bạn tri âm, không nghe một trong 7 bài bản lớn của nhạc tài tử thì cảm thấy thiếu vắng một cái gì không thể chịu được, tuổi già nhờ vậy mà sống vui . Đ iều làm tôi hạnh phúc nhất là khi gặp người hiểu được tiếng đờn của mình...

Theo nghệ sĩ ưu tú - soạn giả Viễn Châu (tác giả bài vọng cổ “ Tình anh bán chiếu” rất quen thuộc) thì nhạc tài tử là đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nhạc tài tử và cải lương, tuy hai mà một. Nhạc tài tử mang sắc thái vừa phong lưu, chín chắn, chân phương hàm chứa yếu tố dân dã, nhưng vừa mang tính bác học cao. Còn theo Giáo sư Nhạc sĩ Tô Vũ: “Đờ̀n ca tài tử xưa là nét văn hóa độc đáo của người dân Nam bộ, nhưng ngày nay đã lan truyền rộng ra khắp mọi miền đất nước và thậm chí còn được phát triển ra cả nước ngoài...”

Tiếp xúc, hỏi chuyện với nhiều tài tử đàn, tài tử ca, họ đều có chung cảm nhận: Đối với đờn ca tài tử không thể chỉ nói ham thích mà phải nói là đam mê ! Cái duyên đưa họ đến với nhạc tài tử rất tự nhiên, rồi không hiểu tự bao giờ nó đã gắn bó, trở thành máu thịt của họ, không thể dứt ra được. Thật vậy, nếu bạn đã một lần thưởng thức và làm quen với các Ban đờn ca tài tử thực thụ, ắt hẳn sẽ bị sức quyến rũ của nó cuốn hút. Còn nếu bạn cũng có sẵn chút ít máu văn nghệ, một ít vốn bài bản và chịu hòa mình vào thú chơi phong lưu, tao nhã này thì cũng sẽ đam mê không thể rời bỏ được.

Cứ như thế, sức sống mãnh liệt của đờn ca tài tử đã lưu truyền từ hơn thế kỷ qua, trở thành văn nghệ dân gian tươi mát, độc đáo, góp phần làm phong phú và bổ ích thêm đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư vùng sông nước Nam bộ, trong đó có vùng châu thổ “chín rồng” xinh đẹp, hữu tình./.


Trần Khánh Linh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN