Phim về vùng sâu, vùng xa ngày càng ít

Mặc dù hoạt động chiếu phim ở Việt Nam đã “sống lại”, nhưng mới chỉ đáp ứng được 20% khán giả ở các thành phố lớn, 80% số dân còn lại ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo lại đang rất thiệt thòi vì không có cơ hội được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh.


Đội chiếu bóng lưu động Ninh Sơn trên đường đến thôn Phước Bình (Ninh Thuận).

 

Nếu như ở các thành phố lớn, khán giả tha hồ được xem những bộ phim hay, ở những rạp sang trọng, thì ở nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, những bộ phim chỉ đến được với khán giả khi có đội chiếu phim lưu động đến phục vụ tại địa phương. Tuy nhiên, những hoạt động chiếu phim lưu động này không được nhiều, thường chỉ diễn ra vào những dịp lễ, Tết, những ngày lễ kỷ niệm...


Theo thống kê, cả nước hiện có 315 đội chiếu phim lưu động, trực thuộc các trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng của 63 tỉnh, thành phố. Ngoài nhiệm vụ chính là đưa phim, các chương trình điện ảnh, băng hình phục vụ khán giả, các đội chiếu phim lưu động còn kết hợp tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.


Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Họa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Fafim Việt Nam, thời gian qua, hoạt động chiếu phim lưu động còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí cho một buổi chiếu phim thấp, phương tiện kỹ thuật, vận chuyển không được đầu tư, thay thế kịp thời, số lượng phim Việt Nam thì thiếu hụt, còn phim nước ngoài hầu như không được các chủ phim tư nhân cung cấp vì không có doanh thu.


Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm điện ảnh, sách văn hóa phẩm Cao Bằng, những năm gần đây, tuy đời sống của bà con các vùng sâu, vùng xa có nhiều thay đổi, nhiều gia đình đã có ti vi, nhưng nhu cầu xem phim màn ảnh rộng của người dân vẫn rất lớn. Tuy nhiên nguồn phim phục vụ đồng bào lại không chỉ thiếu thốn mà nội dung phim cũng chưa phong phú, chủ yếu vẫn là một số phim phục vụ chính trị.


Số lượng phim Cục Điện ảnh gửi hàng năm cho trung tâm không đủ đáp ứng nhu cầu bà con, trung tâm phải tự tìm ở các nguồn khác, nhưng do thiếu kinh phí nên cũng rất khó khăn. Đặc biệt, từ đầu năm 2012 đến nay, trung tâm vẫn chưa nhận được đĩa nào từ chương trình cho đồng bào miền núi.


Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu phim tỉnh Đắk Lắk cũng thừa nhận, thực trạng phát hành phim ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn yếu kém. Theo ông Tuyên, Đắk Lắk có 15 đội chiếu phim lưu động, nhưng rất ít hoạt động bởi kinh phí được cấp ít, không đủ cho việc thuê và mua phim, do vậy bà con các vùng sâu, vùng xa hầu như không được xem phim nhựa, có chăng thỉnh thoảng mới được xem nhưng chủ yếu là phim cũ.


Số lượng phim theo chương trình dân tộc miền núi thiếu trầm trọng, chất lượng nội dung phim chưa phong phú, và chưa thực sự phù hợp với đồng bào. Phim thời sự, tài liệu về bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số, phim hoạt hình cho các em thiếu nhi còn quá ít. Bởi vậy, con số 1,8 lượt xem phim/người/năm (tới năm 2015) mà ngành VH,TT&DL hướng tới chắc chỉ có thể thực hiện được ở thành thị.


Theo TS. Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH,TT&DL Lào Cai, đi sâu, đi xa nhất là các đội chiếu phim lưu động. Bởi thực tế ở Lào Cai, theo ông Sơn là có nhiều vùng sâu, vùng xa rất khó để các đoàn văn công vào lưu diễn nhưng đội chiếu phim lưu động vẫn có thể phục vụ được người dân. Ông Nguyễn Đình Thảng, Giám đốc Trung tâm điện ảnh Khánh Hòa cũng đồng tình quan điểm, cho rằng, hoạt động chiếu phim lưu động là hoạt động quảng bá nghệ thuật gọn nhẹ, có điều kiện đi sâu, đi sát nhất, phục vụ kịp thời và có chi phí thấp nhất.

 

Thực tế ở Khánh Hòa hơn chục năm qua cho thấy, với hàng trăm đợt phim, tuần phim nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện, các cuộc vận động chính trị - xã hội với hơn 25.100 buổi chiếu, thu hút hơn 5, 28 triệu lượt người xem, thì hoạt động chiếu phim lưu động đã góp phần đắc lực vào việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần rút ngắn khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền.


Tuy nhiên, ông Thảng cũng thừa nhận, mảng hoạt động này đang rất thiếu phim truyện nhựa, thiếu máy móc, phương tiện vận chuyển. Ngay như ở Khánh Hòa hiện có 6 đội chiếu phim lưu động, nhưng chỉ có 1 xe ô tô vận chuyển, các đội phải luân phiên đi. Ông Thảng cho rằng, trong vòng 5 - 10 năm nữa, việc xây dựng đời sống tinh thần ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất cần sự có mặt của hoạt động chiếu phim lưu động.


Trong điều kiện đất nước ta hiện nay, nên coi phim ảnh như là một “món” trong gói phúc lợi công tối thiểu mà Nhà nước cần cung ứng ngày một tốt hơn với một bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn mức bình quân, nhưng lại có vai trò chính trị - xã hội hết sức quan trọng này.

 

Nguyên Hà


Bài 3: Để cân bằng trong phát hành phổ biến phim nội - ngoại

Để cân bằng trong phát hành phổ biến phim nội - ngoại
Để cân bằng trong phát hành phổ biến phim nội - ngoại

Hơn 10 năm qua, kể từ khi Nhà nước thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập và xã hội hóa điện ảnh, các chủ rạp chiếu phim đủ tiêu chuẩn được quyền nhập phim; thị trường phát hành - phổ biến phim ở Việt Nam đã trở nên nhộn nhịp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN