Phát huy di sản văn hóa dân gian

Văn hóa dân gian là những giá trị vật chất và tinh thần do dân gian sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Phát huy các di sản văn hóa dân gian trong thời kỳ hiện đại không chỉ là bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để làm phong phú đời sống tinh thần của dân tộc.

 

Dân ca quan họ Bắc Ninh được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

 

Đây cũng là vấn đề chính được thảo luận trong Hội thảo: "Phát huy di sản văn hóa dân gian, thực trạng và nhu cầu phát triển", diễn ra ngày 22/11, tại Hà Nội, nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay. Các tham luận đã trình bày nhiều ý kiến, quan điểm đánh giá về thực trạng và giải pháp để phát huy giá trị của các di sản văn hóa dân gian hiện nay.

 

Bảo tồn không tốt sẽ gây mất mát


Trải qua hàng nghìn năm, ông cha ta đã để lại một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ với ca dao, hò vè; tín ngưỡng dân gian, lễ hội, các loại hình diễn xướng dân gian (múa rối, ca trù, trống quân, hát xẩm...), các nghề thủ công truyền thống như gốm Bát Tràng, thêu Quất Động... Tuy nhiên, thực tế trong quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đôi khi đã có những bước đi quá đà, rồi do chưa đủ cơ sở lý luận, nên dẫn đến nhiều hậu quả như làm xấu, làm ẩu, pha trộn cổ kim dẫn đến tình trạng "bình cũ rượu mới", đôi khi là kệch cỡm.


Cụ thể như việc tổ chức lễ hội là hình thức bảo tồn các nghi thức dân gian, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong khâu tổ chức, sự can thiệp quá nhiều của chính nhà quản lý, làm mất sự cân đối trong tính dân gian của các lễ hội. Bên cạnh đó là tệ nạn buôn thần bán thánh, thương mại hóa ở các khu di tích. Với các làng nghề truyền thống, việc đưa công nghệ, máy móc hiện đại vào thay cho cách làm thủ công sẽ nâng cao thu nhập và đời sống cho mỗi làng nghề, nhưng mặt khác lại làm ô nhiễm làng nghề với các loại chất thải, đồng thời làm mất đi cảnh quan đặc trưng của làng nghề thuần Việt.


“Trong hiện tượng "biến dạng" các di sản, thậm chí một số di sản còn mất đi, ví dụ như các trò chơi dân gian. Chúng ta không còn thấy các em nhỏ vui chơi các trò chơi dân gian như: đánh chuyền, đánh chắt, đánh khăng, chơi ô ăn quan, đánh đáo, nhảy dây, bịt mắt bắt dê... trong giờ ra chơi ở trường hay ở gia đình. Thay vào những bộ tam cúc là tú lơ khơ, thay vào các kiểu đèn Trung thu là những con quay đèn xanh đèn đỏ mà không cần phải thắp nến hay đốt cháy hạt bưởi... Không chỉ các em mà nhiều người lớn cũng không còn nắm được luật chơi của các trò chơi dân gian để chỉ dạy cho các em”, nhà nghiên cứu Giang Quân cho biết.

 

Để sống lại các giá trị văn hóa dân gian


Bên cạnh việc nêu ra nhiều thực trạng còn tồn tại trong phát huy và bảo tồn di sản văn hóa dân gian, các nhà nghiên cứu còn đưa ra nhiều giải pháp cũng như nêu ra nhu cầu phát triển của văn hóa dân gian. Cụ thể là, đưa văn hóa dân gian vào trường học bằng nhiều cách khác nhau, nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu rõ những giá trị của kho di sản văn hóa dân gian phong phú, đào tạo ngay từ lớp trẻ để có một nền tảng kiến thức văn hóa dân tộc vững chắc. “Trong văn hóa dân gian có bộ phận cốt lõi là văn học dân gian với các thể loại như thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, tục ngữ, ca dao, câu đố... có thể đưa vào chương trình học. Vấn đề là phải có phương pháp tuyển chọn giảng dạy văn học dân gian trong nhà trường. Việc tuyển chọn có thể theo một số tiêu chí như: tác phẩm phải mang ít nhiều dấu vết của thời kỳ lịch sử cụ thể; tác phẩm phải có giá trị giáo dục, thẩm mỹ lâu bền...”, nhà nghiên cứu Lê Đình Mai cho biết.


Ngoài việc đưa các tác phẩm văn học dân gian vào giảng dạy, việc dạy âm nhạc dân tộc cũng được đề xuất nên đưa vào chương trình học âm nhạc cho các em, đặc biệt là trong thời điểm âm nhạc cho thiếu nhi đang dần thiếu vắng và có nhiều vấn đề bất cập như hiện nay. Theo PGS.TS. nhạc sỹ Lân Cường: “Dân ca quan họ Bắc Ninh mặc dù đã được công nhận là 'Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại' nhưng cũng chỉ có 1 bài duy nhất được đưa vào dạy đó là ‘Lý cây đa’... Lỗi khiến các em chưa hiểu và yêu âm nhạc dân tộc là ở người lớn, những người có trách nhiệm với ngành giáo dục, ở các nhạc sỹ chưa làm cho các em thấy yêu những làn điệu dân ca Việt Nam, mà không phải một dân tộc nào cũng có được một khối lượng đồ sộ như vậy”.


Nhiều giải pháp để phát huy các di sản văn hóa dân gian đã được đưa ra thảo luận trong hội thảo. Nhưng quá trình bảo tồn và phát huy là cả một quá trình dài, không hề đơn giản, cần có thời gian và sự chung tay của cả người quản lý và quần chúng mới có thể bảo tồn xứng tầm các giá trị và nâng cao đời sống tinh thần dân tộc.

 

Tạ Nguyên 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN