Nơi hội tụ những chứng tích của lịch sử

Với hơn 50 năm nỗ lực không ngừng nghiên cứu và phát triển, đến nay Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã sưu tầm gần 100 ngàn hiện vật vô cùng quý hiếm thuộc nhiều niên đại lịch sử khác nhau. Kho hiện vật đồ sộ này không chỉ giúp người xem thấy được lịch sử văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc dân tộc mà còn thể hiện truyền thống anh dũng quật cường chống giặc ngoại xâm trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Năm 1926, người Pháp bắt đầu xây dựng Bảo tàng Louis Finot của trường Viễn Đông Bác Cổ (hay còn gọi là Bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ). Đến năm 1958, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản công trình văn hóa này và chuyển đổi thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Sau quá trình không ngừng nghiên cứu, sưu tầm bổ sung tư liệu và hiện vật, ngày 3/9/1958, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Nằm ở góc phố Tràng Tiền, từ xa, những bức tường vàng, mái ngói đỏ mang đậm nét kiến trúc phương Đông cổ kính, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tạo nên vẻ kỳ bí và đầy cuốn hút. Bước vào bên trong bảo tàng, ta thấy lại diễn trình lịch sử hàng ngàn năm, từ khi xuất hiện cuộc sống sơ khai của con người trên đất nước Việt Nam cho đến Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Trong không gian trưng bày của bảo tàng, lần lượt từng giai đoạn lịch sử hiện lên, đáng chú ý hơn cả là các giai đoạn lịch sử thể hiện khí thế hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Mười thế kỷ chống Bắc giành lại độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trên hai lĩnh vực: Văn hóa và khởi nghĩa vũ trang là những “trang sử” đặc sắc. Dưới ách thống trị tàn bạo và âm mưu đồng hóa của kẻ thù, người dân Việt Nam vẫn giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Sự nghiệp chống ngoại xâm cũng được tái hiện với tài liệu về các cuộc đấu tranh vũ trang liên tiếp và rộng khắp trong cả nước: Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, khởi nghĩa của Bà Triệu thế kỷ III, khởi nghĩa Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Đình Nghệ…, đặc biệt là chiến thắng vang dội của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng với thế trận cọc ngầm đã đi vào lịch sử; đồng thời đã mở ra một kỷ nguyên mới- kỷ nguyên của độc lập tự chủ, từ đây các triều đại Ngô-Đinh - Tiền Lê và Lý Trần tiếp tục trang sử hào hùng của dân tộc với ý thức trách nhiệm cao trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước. Đặc biệt, những hiện vật khảo cổ: Hàng cọc gỗ khai quật từ trận địa Bạch Đằng năm xưa cùng với các loại vũ khí như giáo sắt, quắm, câu liêm, loa đồng, mộc gỗ, chông sắt... đã giới thiệu một cách sinh động về ba lần kháng chiến, ba lần đại thắng quân xâm lược Mông - Nguyên của quân dân thời Trần cùng với những chiến công bất tử như Chiêm Hóa, Hàm Tử, Chương Dương, Tây kết, Vạn Kiếp, Bạch Đằng…

Đầu thế kỷ XV, dân tộc Việt Nam lại một lần nữa đứng lên chống quân Minh xâm lược, giành độc lập. Nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang đã nổ ra và cuộc kháng chiến trường kỳ mười năm gian khổ chống quân Minh (1418-1427) do Lê Lợi, Nguyễn Trãi lãnh đạo đã đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Hiện vật bia Vĩnh Lăng do đích thân Nguyễn Trãi soạn thảo năm 1433 nói về thân thế, sự nghiệp Lê Lợi - Người anh hùng dân tộc đã có công chỉ huy dân tộc dốc sức đánh bại quân xâm lược nhà Minh.

Đặc biệt là, phong trào khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn nổ ra năm 1771 đã dẹp yên loạn trong, đánh thắng giặc ngoài, thống nhất đất nước. Con người tiêu biểu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đồng thời cũng là người tổ chức và lãnh đạo tài ba hai cuộc kháng chiến thắng lợi chống quân Xiêm xâm lược 1784 và quân Thanh xâm lược 1789 là anh hùng dân tộc kiệt xuất Nguyễn Huệ. Hiện vật tiêu biểu ở giai đoạn này, cũng là biểu tượng về lòng ngưỡng mộ và tưởng niệm của nhân dân về người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ là bức phù điêu đồng gò nổi mô tả chiến dịch giải phóng Thăng Long xuân Kỷ Dậu 1789.

Trong chiều dài lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, người Việt Nam ta luôn phải đối đâu với các nước xâm lược hùng mạnh. Và cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam ta chính thức thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp và khẳng định vị thế cũng như chủ quyền của đất nước trên trường quốc tế. Hiện vật Lá cờ đỏ sao vàng được trưng bày tại đây đã được Hồ Chí Minh chọn làm Quốc kỳ của nước Việt Nam vào năm 1945, mang ý nghĩa biểu tượng cho sự độc lập tự chủ và tinh thần quyết bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam…

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã thu hút hàng chục triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Họ đến đây đều tìm thấy được ý nghĩa lịch sử to lớn ẩn chứa trong mỗi hiện vật trưng bày tại bảo tàng. Bà Laura, đến từ Canađa bày tỏ sự ngưỡng mộ trước sự khéo léo của những người thợ thủ công Việt xưa: “Văn hóa nước tôi và Việt Nam có rất nhiều điểm khác biệt. Hôm nay tôi đã có dịp hiểu hơn về văn hóa của các bạn và thực sự ấn tượng, đặc biệt là với những những bức tượng Phật được chạm khắc rất đẹp và kỳ công”.

Trần Thị Ngân, hiện đang là sinh viên năm thứ tư Đại học Văn hóa Hà Nội, là người yêu mến và gắn bó với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết: “Tôi đến bảo tàng này rất nhiều lần nhưng mỗi lần là một cảm nhận khác nhau. Những bộ sưu tập hiện vật sinh động giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc mình”.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là một cuốn sử sống động cho những ai muốn tìm hiểu về đặc sắc văn hóa dân tộc và truyền thống của người dân Việt Nam từ ngàn đời. Đắm mình trong không gian bảo tàng, nơi quá khứ và hiện tại đan xen, dường như có một cầu nối vô hình giúp những du khách tới đây tìm được những giá trị quý báu trong vô vàn tinh hoa lịch sử Việt Nam.

Vân Ly

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN