Những bức ảnh lịch sử, những tác phẩm để đời

Kể từ lần trao tặng giải thưởng lần thứ nhất năm 1996, cho đến năm 2017, TTXVN có 2 tác giả vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật - giải thưởng cao quý nhất dành cho những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Đó là nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long và nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng.

Giải thưởng là sự ghi nhận những đóng góp, cống hiến của TTXVN, là sự vinh danh những nhà báo - chiến sỹ thông tấn đã không quản gian khổ, hiểm nguy nơi chiến trường, để có được những bức ảnh có giá trị lịch sử, những tác phẩm báo chí để đời.

Tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” của nhà báo Lâm Hồng Long.

Những khoảnh khắc lịch sử


Trong lần trao giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 1996, nhà báo Lâm Hồng Long có 2 tác phẩm được trao giải thưởng. Trong đó, tác phẩm “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” chụp ngày 3/9/1960, trong đêm Dạ hội nhân dân thủ đô mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và bức ảnh đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. 


Theo nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, khi nhìn bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” người xem thấy một hình ảnh rất dung dị. Bác Hồ trong bộ đồ giản dị, đứng lên bục, cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, cả dàn nhạc vui vẻ hòa tấu bài ca kết đoàn. Giới nhạc sỹ rất tự hào với bức ảnh đó, bởi họ coi Bác Hồ như một nhạc trưởng vĩ đại của ngành nhạc, của dân tộc Việt Nam, tập hợp dân chúng trên tinh thần đoàn kết để xây dựng Tổ quốc - đây là một hình tượng rất đẹp. 


Tác phẩm toát lên hồn thơ rất lớn, bởi người xem nhìn thấy ở đó một người nhạc trưởng, một nghệ sỹ lớn, và họ cũng thấy ở đó, người lãnh tụ đất nước đang tham gia một tiết mục chung vui với quần chúng - một hình ảnh rất đẹp, rất gần gũi, thân thương, mang ý nghĩa văn hóa, nhân văn sâu sắc. Và trong bức ảnh này, hình tượng Bác Hồ gắn với người nhạc sỹ, gắn với tinh thần đoàn kết dân tộc sống mãi, có giá trị trường tồn cho đến ngày nay và mãi mãi về sau. 

Tác phẩm “Mẹ con ngày gặp lại” của nhà báo Lâm Hồng Long.

Tác phẩm thứ 2 của tác giả Lâm Hồng Long có tên “Mẹ con ngày gặp lại”, chụp ngày 6/5/1975 tại Rạch Dừa, Vũng Tàu, ghi lại khoảnh khắc người mẹ Trần Thị Bính, quê ở Bến Tre gặp lại con trai là Lê Văn Thức, tử tù từ Côn Đảo trở về sau ngày miền Nam được giải phóng, đã trở thành biểu tượng của ngày thống nhất đất nước. Những giọt nước mắt của người mẹ già và người con trai tưởng đã phải chết, nhờ giải phóng mà trở về đã gây xúc động và ấn tượng sâu sắc cho người xem.


Hai tác phẩm của nhà báo Lâm Hồng Long không hề có khói lửa, nhưng lại thể hiện một cách sâu sắc tinh thần đoàn kết và hình ảnh tiêu biểu cho cuộc đấu tranh thắng lợi của dân tộc ta từ Bắc đến Nam.


Trong lần trao giải thưởng năm 2017, Giải thưởng Hồ Chí Minh về nhiếp ảnh được trao cho cố nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng với cụm 5 tác phẩm ảnh có tên “Những khoảnh khắc để lại”, gồm: “Lửa vây máy bay Mỹ”, “Nữ pháo binh Ngư Thủy”, “Đưa xe tăng vào trận địa”, “Xốc tới” và “Đánh chiếm cứ điểm 365”. 5 tác phẩm ảnh tạo thành một tuyến thời gian, đánh dấu từ những năm đầu cầm máy đến những ngày cuối cùng của ông tại mặt trận, và một tuyến không gian hừng hực khí thế chiến đấu được chuyển dịch từ Bắc vào Nam, nơi in dấu chân nhà báo Lương Nghĩa Dũng.


Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đánh giá, những tác phẩm ảnh của nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng là những tác phẩm máu lửa, hừng hực khí thế chiến đấu ngoài mặt trận. Tuy chỉ có 5 bức ảnh, nhưng người xem thấy được tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta, đặc biệt là các chiến sỹ ngoài mặt trận. Đây là những khoảnh khắc bi tráng, khốc liệt, nóng hổi và rợn người trên các chiến trường, và cũng là những hình ảnh cho thấy sự dũng cảm, nhạy bén của nhà báo, dám lăn xả vào cuộc chiến, bám sát mục tiêu để ghi lại những hình ảnh chân thực trong chiến tranh, mà quên đi bom đạn đang bủa vây quanh mình.


Tấm gương sáng trong lao động nghệ thuật


Theo nhà báo Chu Chí Thành, hai tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật là thành công lớn của các nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh TTXVN, cũng là thành công của TTXVN. Các phóng viên TTXVN có nhiệm vụ, nhưng cũng là ưu thế khi được tham gia vào tác nghiệp ở những sự kiện thời sự tiêu biểu, những nơi có con người tiên tiến, điển hình... Các phóng viên đã luôn bám sát sự thật, người thật, việc thật, vào những thời điểm lịch sử để cho ra đời những tác phẩm có giá trị, tiêu biểu cho đất nước, con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chính những giây phút thời sự lịch sử vĩ đại đó đã làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.


Nhà báo Chu Chí Thành cho biết, hai giải thưởng của hai nhà báo, với hai cụm tác phẩm thể hiện 2 mặt khác nhau của công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, nhưng họ đều có một điểm chung mang đến sự thành công cho những tác phẩm. Cả hai nhà báo đều là những người giản dị, khiêm tốn và rất yêu nghề. Khi tác nghiệp, không ai nghĩ đến việc chụp ảnh để có những giải thưởng, nhưng cơ sở để các họ bật dậy, có những tác phẩm đẹp, hay là bản lĩnh chính trị của các nhà báo rất rõ ràng. 


Xuất phát từ lòng yêu nước, từ sự đồng cảm với các chiến sỹ ngoài mặt trận, và đặc biệt, là họ luôn tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Lần này chụp không đẹp, lập tức suy nghĩ, tìm tòi để rút kinh nghiệm cho lần sau. Bên cạnh đó, những nhà báo này đều là những con người có tâm hồn, có xúc cảm mãnh liệt trước hiện thực cuộc sống, trước cái đẹp, từ đó, ghi lại những hình ảnh có giá trị, có ý nghĩa và mang đến ấn tượng sâu sắc cho người xem. 

Bộ ảnh “Những khoảnh khắc để lại” của nhà báo, liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng.

Nhà báo Chu Chí Thành từng hỏi nhà báo Lâm Hồng Long: “Sao chỉ với chiếc máy ảnh đơn giản, mà anh lại chụp được bức ảnh đẹp thế?”. Nhà báo Lâm Hồng Long trả lời: "Khi đó, tôi ngắm và lấy nét từ sợi tóc bạc của Bác Hồ”. “Có thể thấy, nhà báo Lâm Hồng Long chụp được bức ảnh Bác Hồ đẹp xuất phát từ sự kính yêu, lòng ngưỡng mộ của anh với Bác Hồ, và điều này cũng cho thấy, anh Lâm Hồng Long là người có tâm hồn nhạy cảm và rất tinh tế”, nhà báo Chu Chí Thành nói.


Đối với nhà báo Lương Nghĩa Dũng, trong cuộc sống, ông là người thương yêu đồng đội, thông cảm với các chiến sỹ. Trong nghề nghiệp, ông là người luôn có tinh thần học hỏi, và tự rút ra những kinh nghiệm rất nhanh. “Tôi đã từng đi tác nghiệp cùng anh Dũng, sau mỗi lần chụp từ chiến trường về, anh đều ngồi tổng kết lại, rút kinh nghiệm hôm nay đã chụp được cái gì, chưa chụp được cái gì, rút kinh nghiệm lần sau thì nên làm như thế nào để có được tác phẩm tốt... 


Bức ảnh “Nữ pháo binh Ngư thủy” là một ví dụ. Lần trước anh Dũng đi, chỉ chụp được cảnh tàu chiến của Mỹ cháy, nhưng chưa khắc họa được nhân vật - là các nữ pháo binh đang chiến đấu. Lần thứ 2 trở lại, anh đã chọn góc độ khác, đặc tả hai nữ pháo binh trẻ khỏe, với chiếc cặp ba lá trên mái tóc búi gọn đang nạp đạn, giật khóa súng, dáng vẻ đầy bình tĩnh, tự tin, trong lúc khẩu pháo chồm lên, khói đạn phụt ngược ổ nạp đạn ra phía sau”, nhà báo Chu Chí Thành kể.


Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Chu Chí Thành nhấn mạnh, những tác phẩm nhiếp ảnh quý giá của các nhà báo đã trở thành những tài liệu lịch sử, những bằng chứng lịch sử quý giá của dân tộc.


Phương Lan/Báo Tin Tức
Các địa phương kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Các địa phương kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017), ngày 16/6, Hội Nhà báo các tỉnh đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải thưởng Báo chí Hội Nhà báo tỉnh năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN