Nhìn lại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 đã chính thức khép lại sau đêm bế mạc thực sự tẻ nhạt, thiếu chuyên nghiệp và đẳng cấp vào tối ngày 17/12.

Sau rất nhiều thăng trầm, biến cố, Liên hoan Phim Việt Nam vẫn đều đặn diễn ra theo đúng lộ trình 3 năm một lần. Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 bắt đầu với lời hứa mạnh mẽ, chắc nịch của tân Cục phó Cục Điện ảnh - bà Ngô Phương Lan: “Sẽ có nhiều đổi mới và bất ngờ”. Với số lượng phim truyện tham dự tranh giải nhiều nhất trong lịch sử các kỳ liên hoan phim: 17 phim, khán giả chờ đợi vào cuộc “so tài” nảy lửa của các thế hệ đạo diễn cũ – mới và các hãng phim tư nhân – nhà nước. Họ cũng hi vọng vào một cuộc chơi công bằng và phản ánh đúng thực lực của những người vinh dự cầm sen Vàng trên tay. Đội ngũ Ban giám khảo năm nay cũng đã “lột xác”, được “trẻ hóa” tới mức tối đa. Điều đó ít nhiều giúp công chúng yên lòng bởi sự tiệm cận của điện ảnh đương đại Việt Nam với thế giới, đồng thời khẳng định làn gió đổi mới của điện ảnh dân tộc.

Lễ trao giải LHPVN lần thứ 17.

Nhưng sau những gì đã chứng kiến trong 2 giờ đồng hồ của đêm trao giải Liên hoan phim, không có bất ngờ nào xảy ra, thậm chí công chúng còn cảm thấy tự ngại thay cho các nghệ sĩ khi họ cố gắng ăn mặc thật đẹp, xuất hiện lộng lẫy trong lễ trao giải nhưng đã không được vinh danh xứng tầm. Một kỳ Liên hoan phim mờ nhạt và gây thất vọng cho tất cả.

Hai MC Hồng Ánh và Huy Khánh xuất hiện sau lời giới thiệu của hai Nghệ sĩ Nhân dân Như Quỳnh và Lê Khanh đã có một màn tung hứng thật “vô duyên” trước khán giả để bắt đầu làm “nóng” sân khấu. Nỗ lực của hai MC lấn sân đều không thành công và khán giả còn phải tiếp tục chứng kiến sự tẻ nhạt với cách dẫn như trả bài của họ suốt gần 2 giờ đồng hồ tiếp theo. Hồng Ánh mặc trang phục thiếu sự “ăn nhập”, không tương xứng với một sự kiện tầm cỡ quốc gia. Cô dẫn đều đều không có điểm nhấn, đó còn chưa kể là lỗi nói sai, nói nhịu liên tục. Chất giọng Sài Gòn pha loãng của Hồng Ánh cũng khó có thể tạo được ấn tượng với người xem. Huy Khánh cũng vậy, dù chỉn chu hơn về phần nhìn nhưng anh cũng thể hiện sự “non yếu” của mình trong cách dẫn dắt câu chuyện. Hai MC như không thuộc lời dẫn, họ nói mà mắt không rời khỏi tờ kịch bản. Cách dẫn không hòa hợp, một màu từ đầu đến cuối buổi lễ khiến ai cũng mỏi mệt và ngồi nghe như tra tấn. Một cặp đôi MC không hoàn hảo trở thành lỗi đầu tiên khiến Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 đánh mất đi sự trang trọng.

Quách Ngọc Ngoan nhận BSV hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc.

Không chỉ dừng lại ở những lỗi nặng nề của người dẫn dắt. Những nghệ sĩ tham gia lễ trao giải và khán giả phải lắc đầu ngán ngẩm bởi sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp của êkip thực hiện trước ánh đèn sân khấu. Tất cả các hạng mục được đề cử trao giải xuất hiện trên sân khấu ít ỏi và ngắn ngủi khiến người xem cảm thấy hẫng. Luôn luôn chỉ có 3 đề cử xuất hiện trên màn ảnh lớn tại Nhà hát Sao Mai. Trong khi số lượng đề cử phải nhiều hơn, thậm chí người được giải còn không được xuất hiện trong đề cử như trường hợp của diễn viên Lê Khánh (giành Bông sen Vàng hạng mục nữ diễn viên phụ và quay phim K’Linh – Bông sen Vàng hạng mục quay phim) khiến khán giả ngơ ngác, còn nghệ sĩ được trao giải cũng bất ngờ không kém. Có lẽ chỉ có ở Liên hoan Phim 17 mới xảy ra những lỗi ngớ ngẩn đến vậy.

Nữ diễn viên chính và phụ giành sen vàng LHPVN lần thứ 17.


Xuất hiện một hạng mục mới tại Liên hoan Phim lần thứ 17 là giải thưởng Đạo diễn trẻ Xuất sắc do Hội Điện ảnh Việt Nam trao tặng. Giải thưởng này cũng khiến nhiều người cảm thấy không rõ ràng khi tiêu chí đạo diễn “trẻ” được hiểu theo cách nào đã không được giải thích. Trẻ về tuổi đời hay trẻ về tuổi nghề? Băn khoăn này đặt ra với nhiều khán giả là hợp lý bởi lẽ có nhiều đạo diễn 40, 50 tuổi mới bắt đầu làm phim đầu tay thì họ vẫn được coi là trẻ về tuổi nghề và đạo diễn 20 tuổi làm phim cũng được gọi là trẻ về tuổi đời. Bản thân Nguyễn Quang Dũng cũng còn phát biểu anh cảm thấy vui vì đến tuổi này (33 tuổi) mà vẫn còn được gọi là đạo diễn trẻ. Và nếu hạng mục này đã được xem xét đưa vào Liên hoan phim tại sao chỉ có hai cái tên là Quang Dũng (Những nụ hôn rực rỡ) và Thế Vinh (Hoa đào) trong khi Vũ Ngọc Đãng (Hotboy nổi loạn) cũng là một đạo diễn thuộc cùng thế hệ với Nguyễn Quang Dũng? Giải thưởng được trao đi nhưng công chúng thì vẫn mơ hồ ngồi đoán định tiêu chí và giá trị của giải thưởng ấy là gì?

Tôn vinh không xứng tầm còn bộc lộ ở sự cào bằng các giải thưởng được trao. Nhìn lại những liên hoan phim tầm cỡ, uy tín nhất trên thế giới và trong khu vực như Berlin, Cannes, Venice hay Pusan, Bách Hoa Kim Kê… khán giả sẽ thấy sự khập khiễng ở Liên hoan Phim Việt Nam về cơ cấu giải thưởng là gì? Tại Cannes hay Venice… đều chỉ tôn vinh một và chỉ một đối với các giải thưởng cá nhân. Điều đó thể hiện sự đong đếm, cân nhắc kỹ càng của ban giám khảo khi quyết định dùng lá phiếu của mình cho cá nhân xứng đáng nhất. Một người diễn viên, một đạo diễn hay một nhà quay phim… đều ngẩng cao đầu tự hào khi trải qua biết bao khó khăn, nỗ lực công sức và tâm huyết của họ được đền đáp xứng đáng. Giá trị của giải thưởng trở thành điều thiêng liêng khiến họ hạnh phúc, trân trọng. Tuy nhiên, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 là một “cơn mưa” giải thưởng, nếu không nói là giá trị của đã bị hạ thấp rất nhiều khi chia năm xẻ bảy để “cả nhà cùng vui”. Hạng mục Nữ diễn viên phụ Xuất sắc cả Lê Khánh và Phương Thanh đều đồng giải. Hạng mục Nữ diễn viên chính Xuất sắc, hot girl lấn sân Hạnh “sino” có lẽ không dám tin vai diễn đầu tiên đưa mình đến với màn ảnh rộng lại đánh dấu tên cô trên bảng vàng thành tích của một kỳ liên hoan phim tầm cỡ quốc gia. Chính bởi điều này mà cô không chuẩn bị để có mặt tại Phú Yên cùng đồng nghiệp Ninh Dương Lan Ngọc cũng nhận may mắn như mình. Không chỉ ở hai hạng mục nói trên mà Sen Vàng khác cũng về tay hai chủ nhân: Quay phim Xuất sắc trao tặng Nguyễn Nam (Hotboy nổi loạn) và K’Linh (Cô dâu đại chiến). Một trường hợp đặc biệt là bộ phim Vũ điệu đam mê – đạo diễn Bùi Đức Việt lai tạp Step up, thiếu sáng tạo, dụng công nhưng vẫn đều đều bước lên bục nhận giải ở các hạng mục quan trọng. Bông sen Vàng không có chủ, nhưng Bông sen Bạc lại chia đều cho tới ba phim dù chất lượng các phim đều có sự chênh lệch rõ nét… Không biết nên khóc hay nên cười bởi sự rộng lượng quá đà từ phía ban giám khảo khi ban phát giải thưởng?

Sự giản tiện còn được góp lại ở nhiều chi tiết: Người được mời lên trao giải chỉ biết đọc tên người được giải mà không có sự giao lưu với khán giả và tung hứng để khuấy động không khí. Khó có thể tìm thấy một chút hài hước nào trong buổi lễ trao giải. Người nhận giải thì được tặng quá ít thời gian, chia sẻ cảm xúc tại sân khấu ngoại trừ những lời cảm ơn được nói nhanh đến chóng mặt. Tiết mục văn nghệ bố trí tham gia biểu diễn xen kẽ cũng nhạt và không có chiều sâu. Những bài hát được lựa chọn không đặc sắc, tiêu biểu, còn các ca sĩ biểu diễn như “hết hơi”. Cả sân khấu chính rộng rãi chỉ lặp đi lặp lại những hình ảnh đơn điệu đến phát chán… Sự già cỗi về tư duy tổ chức đã bộc lộ rõ tại lễ trao giải của Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17. Không điểm nhấn, không có một kịch bản với ý tưởng mới mẻ và bất ngờ, thiếu sự chỉn chu và rất qua quýt… đã phá hỏng tâm lý hoài vọng của phần đông khán giả và những nghệ sĩ tham gia liên hoan. Thay vì không khí ấm áp, trang trọng, các nhà tổ chức đã biến nó trở thành một đêm phát giải miễn phí với một khán đài toàn người nổi tiếng trong ngành điện ảnh. Có nhiều người còn khẳng định Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 không bằng đêm chung kết xếp hạng của nhiều chương trình giải trí trên truyền hình.

Bộ mặt của một nền điện ảnh nằm ở sự tôn vinh nó tại mỗi kỳ liên hoan. Nhưng nếu nhìn vào LHPVN lần thứ 17 có thể thấy chẳng có bất kỳ một sự tôn vinh xứng đáng nào đã được thực hiện với các nghệ sĩ của chúng ta. Thất vọng với LHPVN lần thứ 17 chúng ta sẽ chờ đợi và gieo những hi vọng mới vào một kỳ liên hoan tiếp theo của ngành điện ảnh.

Hương Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN