Nghiêm túc thực hiện các lễ hội năm 2012

Ngày 28/12, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức giao ban trực tuyến tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội và đánh giá sau 1 năm thực hiện Công điện số 162/CĐ - TTg ngày 9/2/2011 về công tác quản lý lễ hội của Thủ tướng Chính phủ.

Buổi giao ban trực tuyến diễn ra tại ba đầu cầu: Hà Nội (khu vực phía Bắc) - Đà Nẵng (khu vực miền Trung và Tây Nguyên) và TP.HCM (khu vực phía Nam) đã nhìn lại hoạt động tổ chức lễ hội tại các địa phương. Đánh giá chung, tuy đã có những nỗ lực, nhưng việc tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương năm qua vẫn gây bức xúc trong dư luận xã hội...

Tương đối an toàn

Tổng kết của Bộ VH, TT &DL, lượng du khách tham dự lễ hội năm 2011 vượt trội so với năm trước: Đền Hùng gần 4 triệu lượt, Yên Tử 1,2 triệu lượt, Chùa Hương 1,5 triệu lượt, Bái Đính 1,2 triệu lượt, đền Trần 60,2 vạn lượt...

Du khách tham dự lễ hội Yên Tử năm 2011.


Theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH,TT&DL), năm 2011, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở các địa phương đã phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế, tạo không khí lành mạnh, phấn khởi, cuốn hút du khách. Hầu hết các lễ hội đều được tổ chức tốt, tương đối an toàn; phần lễ tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính, phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm.


Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội như việc xả rác, hiện tượng nhét tiền giọt dầu vào chân, tay Phật; ném tiền, đặt tiền trên các ban thờ trong nơi thờ tự còn bừa bãi ở một số nơi như ga cáp treo chùa Giải Oan (Chùa Hương), đền Bà Chúa Kho, phủ Tiên Hương (Phủ Dầy), Giếng Ngọc (Kiếp Bạc), chùa Bái Đính...

Bên cạnh đó, hiện tượng ăn xin, xóc thẻ, bói toán, các trò chơi mang tính cờ bạc, chèo kéo, ép khách, nâng giá hàng quá mức trong những ngày đầu xuân vẫn xảy ra ở một vài nơi như đền Bà Chúa Kho, chùa Hồng Ân, Hội Lim, đền Kiếp Bạc, đền Tiên La, chùa Keo... gây ảnh hưởng đến giá trị tốt đẹp của lễ hội. Dịch vụ hàng hóa nhiều nơi còn lộn xộn, tràn lan làm mất cảnh quan di tích như: Đền Đức Thánh Cả, chùa Mía (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình), chùa Bái Đính (Ninh Bình). Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các ban, ngành tham gia quản lý, tổ chức lễ hội ở một số địa phương thiếu đồng bộ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ, việc xử lý sai phạm tại các di tích chưa triệt để...

Phải làm thật nghiêm

Tại cuộc giao ban tổng kết, thanh tra Bộ VH,TT&DL đề nghị Bộ VH,TT&DL kiến nghị Chính phủ có văn bản chỉ đạo có sự thống nhất về việc sử dụng tiền công đức, tiền giọt dầu và các nguồn xã hội hóa tại các di tích đền, chùa trong cả nước, bởi nhiều nơi quản lý nguồn tiền này còn chưa thống nhất. Nghiên cứu trình Chính phủ ban hành văn bản cấm việc sản xuất, vận chuyển, sử dụng đồ mã; Nghiên cứu ban hành quy định thống nhất mô hình quản lý di tích và lễ hội trong cả nước...

Đồng thời đề nghị các sở VH,TT&DL phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động lễ hội, nên hướng dẫn nhân dân, du khách đặt tiền giọt dầu đúng quy định.

Thanh tra Bộ cũng đã xây dựng kế hoạch thanh tra diện rộng công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2012. Trong đó, thanh tra Bộ sẽ trực tiếp kiểm tra 50 lễ hội tại 50 di tích thuộc 17 tỉnh, thành phố. Các sở VH,TT&DL cũng thành lập đoàn thanh tra lễ hội trong tỉnh, thành phố, hàng tháng gửi báo cáo về Bộ...

Tại cuộc giao ban trực tuyến, đại diện thanh tra Bộ VH,TT&DL cũng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh là công tác tổ chức lễ hội năm 2012 phải nghiêm túc thực hiện các quy định của Chính phủ, của Bộ trong hoạt động lễ hội để đảm bảo công tác tổ chức lễ hội được tốt. Một số di tích vốn là “điểm nóng” được yêu cầu phải làm bằng được như:

Ở di tích Yên Tử phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân đi cáp treo, quy hoạch, sắp xếp hàng quán, dịch vụ, không để kinh doanh nhiều ở khu vực; Côn Sơn – Kiếp Bạc không cho mang đồ mã vào lễ rồi đốt nhiều, quy hoạch sắp xếp hàng quán cho gọn, khắc phục chèo kéo khách, nâng giá hàng hóa, dịch vụ quá mức; Đền Bà Chúa Kho hạn chế đốt đồ mã trong khu vực đền, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực đền (cả bãi đỗ xe), hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ và có phương án thu gom kịp thời; Chùa Hương đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân đi xuồng đò và đi cáp treo, hàng quán ở chùa Hương không được treo thịt thú, gia cầm trước cửa quán ăn ở khu vực thuộc Ban quản lý di tích, danh thắng quản lý, thu gom kịp thời và không để nhân dân ném tiền ở ga cáp treo Giải Oan...

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN