Nghệ thuật Rô Băm trước nguy cơ thất truyền-Bài 1: Nghệ thuật Rô Băm cần được "tiếp lửa"

Lâu nay, khi nói đến nghệ thuật Rô Băm của quần chúng, người Khmer Sóc Trăng nói riêng và người Khmer Nam bộ nói chung luôn nghĩ đến đoàn Rô Băm Ba Sak (mà nhiều người vẫn gọi là đoàn Rô Băm Bưng Chông), ngụ tại ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). Nhưng giờ đây, trải qua bao thăng trầm, đoàn Rô Băm Ba Sak duy nhất còn sót lại của đồng bào Khmer Sóc Trăng này đang “thoi thóp” và đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

Hành trang cuối của dòng họ Rô Băm

Đoàn Rô Băm Ba Sak là một trong những đoàn Rô Băm đầu tiên trên mảnh đất Sóc Trăng, cũng là đoàn cuối cùng còn trụ lại đến ngày nay, dù chịu tác động của thời buổi kinh tế thị trường.

Hóa trang là một trong các yếu tố làm nên nét đặc sắc trong nghệ thuật Rô Băm.


Theo chị Lâm Thị Hương, trưởng đoàn và cũng là “hiệp sĩ” còn lại cuối cùng của dòng họ Rô Băm Ba Sak: Rô Băm Bưng Chông có tên đầy đủ và chính xác là Vong Rô Băm Ba Sak, được hình thành đã hơn 200 năm, đến nay đã trải qua 5 thế hệ, được truyền lại liên tục cho con cháu trong dòng họ. Đến đời chị Hương là đời thứ 6.

Hành trang còn lại của dòng họ Rô Băm mà chị Hương đang giữ chính là những chiếc áo, mũ, đầu chằn, đầu khỉ, bộ nhạc cụ dùng để diễn Rô Băm… Trải qua hơn 6 đời người, đến nay gia tài của dòng họ chỉ là một căn nhà nhỏ cấp 4, rộng chưa đến nửa công đất (500 m2). Theo chị Hương, đời bà ngoại của chị có gần 5 mẫu đất và được xem là một trong các hộ giàu có nhất trong vùng Bưng Chông. Nhưng khi đã gắn cái nghiệp diễn và để duy trì hoạt động, ăn uống của anh chị em trong đoàn, dần dà, 5 mẫu đất ấy cứ bán dần đi, đến đời cha của chị còn chưa đến 2 mẫu đất và hiện nay đến đời chị, chỉ còn lại những hành trang cuối cùng của dòng họ là căn nhà tình thương và những thứ kể trên.

Chị Hương cho biết: Trước lúc đi diễn, tại nhà, chủ đoàn phải tổ chức tập luyện hơn 10 ngày, việc ăn uống 3 bữa chủ đoàn phải lo hết. Đến khi đi diễn, sau khi trừ mọi chi phí, đôi khi số tiền còn lại chưa đủ để đưa diễn viên và vật dụng trở về nhà. Nhưng vì cái nghiệp diễn đã thấm vào máu của mỗi diễn viên nên dù có khổ cực, xa xôi đến đâu, họ vẫn đem hết khả năng diễn xuất của mình để phục vụ đồng bào. Khi ấy, mỗi năm đoàn phải diễn liên tục trong những tháng nắng, từ địa phương này đến địa phương khác và chỉ nghỉ khi mùa mưa đến, trung bình mỗi năm có thể diễn đến cả chục xuất. Nhiều năm trở lại đây, kinh phí không có, cùng với sự xa rời dần của công chúng, đặc biệt là giới trẻ, đã khiến Rô Băm Ba Sak chỉ còn thoi thóp.

Ngày trước, trên vùng đất Sóc Trăng có hơn 5 đoàn Rô Băm quần chúng, riêng tại Bưng Chông đã có đến 2 đoàn. Theo thời gian, các đoàn đã tan rã dần, phần vì thiếu kinh phí, phần vì sức hấp dẫn từ diễn xuất của diễn viên không cao, không được ưa chuộng… nhưng điều cốt lõi nhất vẫn là thiếu kinh phí hoạt động và nuôi diễn viên, nên chỉ còn đoàn Rô Băm Ba Sak là trụ lại được đến nay.

Cần “tiếp lửa”

Hoạt động cầm chừng vì thiếu kinh phí, muốn duy trì cũng khó khăn vì kinh tế của gia đình người giữ nghề cuối cùng cũng không khá giả gì, trông chờ vào sự hỗ trợ của các ban, ngành cũng không được nhiều so với nhu cầu thực tế. “Để có thể phục hưng lại được loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, phải có một số tiền tương đối lớn mới đủ trang bị vật dụng phục vụ đoàn. Khi còn ruộng, gia đình tôi phải bán dần để tự trang bị, còn bây giờ hết ruộng, nhà lại nghèo, nếu không có sự hỗ trợ của xã hội, sớm hay muộn, đoàn của chúng tôi cũng phải tan rã”, chị Hương tâm sự.

Cho dù phải tìm kế mưu sinh khắp nơi, nhưng sợi dây liên kết với những nghệ sĩ, nghệ nhân của đoàn chính là vào mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng tư năm sau). Khi ấy, dù ở đâu họ lại quay về tập hợp với đoàn, dẫu biết số tiền của họ thu được chẳng là bao nếu đem so với tiền họ có được từ làm thuê. Đoàn Rô Băm Ba Sak, “rồng rắn” cùng nhau đến diễn ở những phum sóc xa xôi, không chỉ của mảnh đất Sóc Trăng, mà cả những tỉnh có đồng bào Khmer cư trú đều có mặt họ. Họ luôn mang đến những cung bậc cảm xúc, vui vẻ, hờn giận, chiêm nghiệm cuộc đời… cho khán giả. Với họ, như thế đã là rất hạnh phúc.

Nỗi trăn trở về kinh phí có ít thì nỗi lo về sự kế tục của thế hệ tiếp theo còn lớn gấp bội. Dù có yêu nghề, họ cũng vẫn phải lo cho cuộc sống… Gia đình chị Hương có 8 người con, đều là những diễn viên “gạo cội” của đoàn. Thế nhưng, vì phải lo mưu sinh, 4 người con của chị đã lên các tỉnh miền Đông làm thuê, 2 người con khác của chị đã gia nhập vào đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng để vừa có thu nhập mà lại được thỏa lòng đam mê nghệ thuật. Những diễn viên khác của đoàn cũng vậy, họ phải bươn chải để lo cho cuộc sống gia đình như đi làm công nhân, đi cấy lúa thuê, hoặc phải theo chồng hay vợ đến tỉnh khác định cư.

Rô Băm là một loại hình nghệ thuật thuộc vào loại di sản văn hóa của đồng bào Khmer. Việc bảo tồn Rô Băm không chỉ là bảo tồn một loại hình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào dân tộc. Những nghệ sĩ Rô Băm chỉ là những nông dân chân chất, sau những đêm diễn, họ lại trở về với ruộng rẫy, với cái nghèo vẫn hiện diện trước mắt. Để loại hình nghệ thuật truyền thống này không bị thất truyền, các dự án về bảo tồn Rô Băm không chỉ được thực hiện trên giấy, mà cần được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay của toàn xã hội.

Chanh Đa

Bài 2: Kèn Srolai - Gian nan tìm người kế tục

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN