Nghệ sỹ Mạnh Hùng: Được sống hết mình với cải lương là may mắn

Từng có rất nhiều ước mơ, nhưng giờ nhìn lại, nghệ sỹ Mạnh Hùng (Nhà hát Cải lương Việt Nam -ảnh) rất hài lòng với vị trí diễn viên của mình như hiện nay. Điều mà anh mong muốn nhất hiện nay là mỗi đêm diễn nhìn xuống khán phòng thấy khán giả ngồi kín các hàng ghế.

Mạnh Hùng là học sinh của Nhà hát cải lương Việt Nam khóa 1994-1997, từ đó đến nay anh luôn được coi là gương mặt sáng giá của đơn vị nghệ thuật này. Là con nhà nòi nhưng Mạnh Hùng lại đầu quân về nhà hát muộn hơn so với các bạn đồng lứa. “Tôi học theo bố mẹ, hát cải lương từ bé nhưng cũng chính vì bố mẹ là người trong nghề nên tôi hiểu nếu theo đuổi nghiệp này thì cuộc sống sẽ rất khổ sở”, Mạnh Hùng thổ lộ. Chính bố Hùng cũng nói với con “Nghề này chỉ làm cho vui đời thôi, chứ kiếm sống thì khó khăn lắm con ạ”. Bởi thế khi học xong trung học, anh đã lựa chọn một công việc khác với mong muốn đỡ đần chút ít về mặt kinh tế cho bố mẹ.

Hai năm đi làm những công việc không liên quan gì đến nghệ thuật, cuộc đời tưởng thế là yên, song mỗi khi nghe cha mẹ hay ai đó hát cải lương thì anh cảm thấy trong lòng xốn xang khó tả, nhiều lúc tưởng không thể chịu đựng được. Mẹ anh biết vậy bảo: “Con đã yêu cải lương đến thế thì bỏ tất cả mà theo nghề đi”. Lời nói như một động lực khiến Mạnh Hùng dứt bỏ tất cả, quyết định gắn bó đời mình với môn nghệ thuật này.

Tốt nghiệp bằng giỏi, Mạnh Hùng được xuất hiện lần đầu trên sân khấu với vai kép chính: Nghĩa trong “Cánh chim trong bão”. Đây cũng là một bất ngờ đối với chính anh bởi ít ai biết dù được các thầy gửi gắm nhiều hy vọng song Mạnh Hùng chưa bao giờ dám nghĩ mình được đóng kép chính: “Trong thâm tâm, tôi có phần mặc cảm vì sắc vóc mình không đẹp, lại quá đen đủi, nhỏ bé, trong khi nghề này cần cả thanh lẫn sắc. Vì thế lúc đầu tôi rất ngại nhận vai chính, nhưng rồi cũng quen”, anh tâm sự.

Nhưng cũng không ngờ, từ đó đến nay, hầu như Mạnh Hùng đều được giao vai kép chính trong các vở diễn của đoàn 2, Nhà hát cải lương Việt Nam. Để hóa thân vào vai diễn chính, diễn viên phải nỗ lực hơn các đồng nghiệp rất nhiều, trong khi thù lao chỉ nhỉnh hơn chút xíu. “Dù vất vả, mệt nhọc nhưng mình còn có cơ hội để lại dấu ấn trong sự nghiệp, mà đó mới là điều quan trọng đối với một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật”, Mạnh Hùng giãi bày.

Đến nay, Mạnh Hùng đã được hóa thân vào hầu hết các nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi, Quang Trung - Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, kể cả vai Bác Hồ. Tuy nhiên, anh thích những vai diễn trong một vài năm gần đây hơn cả vì đó đánh dấu sự chín muồi về giọng cũng như khả năng diễn xuất. Đó là vai sư tổ Huyền Quang trong “Cung phi Điểm Bích”, một người đã đi gần đến cái đích của chân tu thì gặp một cô gái xinh đẹp, tài giỏi lại yêu mình tha thiết và quyết tìm mọi cách giữ mình ở lại với cuộc đời trần tục.

Rồi vai Lý Thường Kiệt trong “Trọn đời trung hiếu với Thăng Long”, một người anh hùng đã hy sinh cuộc đời riêng tư với nhiều khát vọng về tình yêu để cống hiến cho non sông đất nước. Vai diễn này đã mang lại cho anh Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009. Đặc biệt gần đây nhất là vai Lê Lợi trong “Gươm thiêng trao trả hồ thần”, một vai diễn đã khiến anh lao tâm khổ tứ, nhưng bù lại vai diễn mang lại cho anh giải Vàng của Hội nghệ sĩ Sân khấu năm 2010.

Thu Huyền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN