Nghệ nhân mê sáo Mông ở Sơn La

Không phải là người Mông, nhưng nghệ nhân Lê Văn Quảng, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La tỉnh Sơn La lại say mê và gắn bó với các loại sáo Mông. Không chỉ là người say mê làm sáo, thổi sáo, ông còn là người thầy dạy cho rất nhiều học trò Mông biết thổi sáo của dân tộc mình.

 

Nghệ nhân Lê Văn Quảng và cây sáo Mông.

Sinh ra ở vùng đất Tổ Hùng Vương, nghệ nhân Lê Văn Quảng đã có 45 năm công tác và gắn bó với mảnh đất Sơn La. Sống gần đồng bào Mông, ông thấy cảm phục họ, bởi cuộc sống sinh hoạt của đồng bào tuy rất lam lũ, vất vả, nhưng họ vẫn rất yêu đời. Ngoài thời gian đi nương, làm rẫy, họ vẫn dành thời gian để thổi khèn, thổi sáo... những giai điệu trầm bổng, réo dắt đã ngấm sâu vào ông từ lúc nào không rõ. Vậy là ông quyết tâm học thổi sáo. Ông cho biết: “Lúc đầu chỉ định học thổi cho vui, và cũng chỉ nghĩ là thổi cho đỡ buồn, để động viên vợ con… sau mỗi ngày đi làm vất vả. Thế nhưng, tôi lại càng thấy yêu, thấy mê tiếng sáo hơn. Từ mê tiếng sáo, tôi tự tìm hiểu về đặc tính của sáo Mông, rồi mày mò và tự làm những cây sáo Mông, chỉ với mong muốn gìn giữ và truyền bá để nhiều người biết đến một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của người Mông”.


Nghệ nhân Lê Văn Quảng tâm sự: “Để làm được cây sáo Mông rất vất vả, từ việc chọn những cây trúc, đến việc gọt, đẽo, chế tạo làm sao để cho ra được những chiếc sáo có âm thanh tốt là không hề đơn giản. Nhiều lúc mải làm đến nỗi quên cả ăn”. Những ngày đầu, ông đã làm hỏng không biết bao nhiêu cây sáo, nhưng ông vẫn kiên nhẫn, cứ hỏng ông lại vứt đi, làm lại. Sau này, để làm sáo tốt hơn, ông đã dành thời gian học thêm về nhạc lý để làm sáo dễ hơn và phát triển thêm, một số cây sáo ông đã chế tác cho quãng nó dài hơn, vừa đảm bảo thổi được những bản nhạc truyền thống của người Mông, nhưng cũng có thể thổi thêm cả những sáng tác mới, giai điệu mới.


Không chỉ mê sáo, làm các loại sáo Mông, nghệ nhân Lê Văn Quảng còn nhận dạy cho rất nhiều học trò biết thổi sáo Mông. Lớp học của ông hoàn toàn miễn phí, học sinh thì đủ mọi lứa tuổi, từ em bé được bố mẹ bế trên tay đến cả những người lớn tuổi, chỉ cần thích học và muốn học thổi sáo là ông nhận dạy miễn phí. Ông tâm sự: “Các cháu học sinh nghèo, không có nhiều điều kiện, nhưng cháu nào đam mê, thích học là tôi động viên các cháu học và nhận dạy miễn phí. Cháu nào nhà gần thì sáng đi tối về, cháu nào nhà xa mà vẫn muốn học thì tôi cho cháu ăn ngủ miễn phí tại nhà, để các cháu có thể học được”.


Học sinh đến học tại lớp học miễn phí của ông đến từ nhiều địa phương trong tỉnh Sơn La, những cháu ở gần nhà, bố mẹ đi qua nhà nghe ông thổi sáo hay nên đến xin cho con theo học, rồi những sinh viên học ở 2 trường đại học gần nhà ông, cho đến các cháu ở các huyện, thị trấn xa xôi như Phù Yên, Bắc Yên, Sông Mã, Mường La... cũng đến xin học. Học trò nhỏ nhất của ông là cháu Vì A Hoa, mới 4 tuổi rưỡi tuổi, được bố mẹ bế trên tay đến xin học, người lớn tuổi nhất thì hơn cả tuổi ông. Trong số các học trò của ông, có hai em là Thào A Tùng và Thào A Do đã theo học lâu ngày và giờ đang tiếp tục theo nghề tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Sơn La. Ông Quảng nhớ lại: “Nhà tôi ở cạnh đường, tôi hay thổi sáo, bố của A Tùng và A Do đi qua nghe thấy hay, đã vào đặt vấn đề xin cho các cháu theo học. Tôi rất mừng vì hai cháu đã học thành tài”.


Nghệ nhân Lê Văn Quảng tâm sự: “Mong ước lớn nhất của tôi bây giờ là làm sao cho thế hệ trẻ yêu văn hóa của dân tộc mình hơn, góp phần quảng bá ngày càng có nhiều người hiểu biết nhiều hơn về giá trị của văn hóa dân tộc Mông ở Sơn La nói riêng và văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung...”. Với tâm nguyện ấy, ông đã không ngại vất vả, khó khăn, hễ có ai ngỏ ý muốn học thổi sáo, ông lại nhiệt tình dạy miễn phí. “Nay tôi đã không còn trẻ, chỉ mong muốn những gì mình học được, hiểu được về cây sáo Mông không theo mình đi mất. Tôi dạy các cháu thổi sáo Mông với mong muốn cấy những hạt giống để giữ lại cái hay, cái đẹp, cái hồn của dân tộc trong tiếng sáo Mông. Mong sao ông trời thương, giúp cho con mắt tôi còn sáng, còn có sức khỏe để tôi được tiếp tục làm sáo, tiếp tục dạy các cháu thổi sáo nhiều hơn nữa” - Nghệ nhân Lê Văn Quảng tâm sự.


Bài và ảnh: Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN