Ngày Sách và Bản quyền thế giới: 'Viên ngọc' ẩn giấu giữa lòng Sydney (Australia)

Hằng năm, vào Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4), cùng đồng thời là ngày mất của nhà văn, nhà viết kịch vĩ đại người Anh William Shakespeare, một “viên ngọc” ẩn giấu giữa lòng thành phố Sydney của Australia lại mở cửa chào đón những “con mọt sách” – đó là Phòng Shakespeare.

Chú thích ảnh
Bản sao tuyển tập kịch "First Folio" của đại thi hào người Anh William Shakespeare được trưng bày tại nhà đấu giá Sotheby's ở London, Anh. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Phòng Shakespeare nhìn ra Quảng trường Shakespeare với bức tượng nhà đại văn hào có kích thước bằng người thật. Căn phòng nằm ở một vị trí khiêm nhường tại tầng trệt của Thư viện bang New South Wales và gần như đóng cửa quanh năm suốt tháng. Tuy nhiên, khi bạn bước vào căn phòng bí mật này, tất cả đều hiểu tại sao nhân viên ở đây lại coi thư viện là "ngôi nhà của Shakespeare ở Australia" với bộ sưu tập sách khổng lồ nói về đại thi sĩ được bài trí trang nhã, tinh tế.

Được hoàn thành vào đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, căn phòng rộng 21m2 được lấy cảm hứng từ phong cách của triều đại Tudor - thời kỳ chiếm phần lớn cuộc đời của Shakespeare. Hoa hồng Tudor mang tính biểu tượng nằm rải rác trên cửa và trần thạch cao được thiết kế tinh xảo, trong khi gia huy của gia đình Shakespeare được chạm khắc phía trên lối vào. Trong căn phòng cũng có biểu tượng của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất. 

Trên các kệ gỗ cao từ sàn đến trần nhà có tổng cộng hơn 1.000 đầu sách. Bà Maggie Patton, người đứng đầu bộ phận mua và quản lý bộ sưu tập tại Thư viện bang New South Wales, cho biết tất cả các cuốn sách ở đây đều nói về Shakespeare, về các tác phẩm của Shakespeare hoặc các phiên bản khác nhau của các vở kịch của ông. Do nhiều phiên bản cũ và quý hiếm đã được chuyển sang kho lưu trữ an toàn nên hầu hết các cuốn sách hiện được lưu trữ trong Phòng Shakespeare đều được in vào thế kỷ XX và khách tham quan có thể lấy chúng ra khỏi kệ để xem. Bà Patton cho biết căn phòng chỉ mang tính đại diện và thư viện bang có hàng nghìn cuốn sách về đại thi hào Shakespeare. Các cuốn sách được in bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Nhật, tiếng Yiddish (ngôn ngữ lịch sử của người Do Thái Ashkenaz), tiếng Trung...

Tuy nhiên, một “viên ngọc quý” trong bộ sưu tập của thư viện vẫn được bảo quản tốt bên trong Phòng Shakespeare, đó là cuốn "First Folio" được xuất bản năm 1623, còn được các học giả gọi là "Người đầu tiên". Đây là tuyển tập các vở kịch của William Shakespeare được xuất bản khoảng 7 năm sau khi đại văn hào qua đời và được coi là một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhất từng được xuất bản trên thế giới. Cuốn "First Folio" được lưu giữ tại Phòng Shakespeare cũng là cuốn duy nhất ở Australia. Theo bà Patton, hiện trên thế giới chỉ còn 236 cuốn "First Folio".

Theo Richard Neville, nhân viên Thư viện bang New South Wales, Phòng Shakespeare là một lời nhắc nhở đẹp đẽ về tầm quan trọng của văn học và văn hóa đọc cũng như truyền thống lâu đời của văn hóa đọc và viết mà Shakespeare là một biểu tượng, một truyền thống được nhiều nền văn hóa và quốc gia tôn vinh. Những tác phẩm thi ca, văn học của đại thi hào luôn là điều kỳ diệu của văn học thế giới.

Thanh Tú (TTXVN)
Vở Macbeth của William Shakespeare đến với sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội
Vở Macbeth của William Shakespeare đến với sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội

Tối 8/12/2022, tại  Nhà hát Tài năng trẻ (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Khu Văn hóa nghệ thuật, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) đã diễn ra buổi biểu diễn vở Macbeth của William Shakespeare.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN