Ngắm tinh hoa văn hóa qua sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Huế 2016, sẽ diễn ra triển lãm “Dấu ấn văn hóa Kinh đô Huế và đồng bằng sông Hồng qua các sản phẩm thủ công truyền thống”.

Triển lãm giới thiệu những sản phẩm thủ công tinh xảo của các nghệ nhân, thợ giỏi nổi tiếng của Huế và đồng bằng sông Hồng với du khách đến Huế dịp Festival này.

Trong suốt thời gian diễn ra Festival Huế 2016, toàn bộ diện tích nhà Di Luân Đường, thuộc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Huế sẽ được dùng để trưng bày các sản phẩm thủ công truyền thống tiêu biểu, độc đáo của các nghệ nhân, thợ giỏi của Huế và đồng bằng sông Hồng. Các sản phẩm được trưng bày theo từng khu vực, từng nhóm sản phẩm thủ công truyền thống.

Sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh (Hà Nội) trưng bày tại triển lãm.

Theo đó, nhóm sản phẩm đúc đồng, chạm bạc gồm 40 sản phẩm. Đó là tượng đúc đồng Phật bà Quan Âm, Phật A di lặc. Các sản phẩm chạm đồng, chạm bạc, khảm tam khí biểu tượng chùa Một Cột, Khuê văn các, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, chạm bạc danh lam thắng cảnh đồng bằng sông Hồng; trống đồng, hộp đựng trang sức bằng đồng nạm bạc, tác phẩm đi chùa bằng chất liệu đồng trên sơn mài, đĩa mai hạc bằng đồng bạch lọ hoa khảm tam khí, rồng Thăng Long, phong cảnh đất nước, tứ quý... Đây là các tác phẩm của các nghệ nhân ưu tú: Lê Văn Khang, Nguyễn Ngọc Trọng, Nguyễn Viết Lâm, Lê Văn Phú và Quách Văn Hiển, đến từ các làng nghề đúc đồng, chạm bạc của Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình.

Khu trưng bày các sản phẩm gốm của các nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) và gốm Phù Lãng (Bắc Ninh). Theo đó, có khoảng 30 sản phẩm gốm tiêu biểu của nghệ nhân ưu tú Trần Độ, nghệ nhân ưu tú Vũ Đức Thắng, nghệ nhân Hà Văn Lâm và Lê Văn Khánh (làng gốm Bát Tràng), qua các dòng gốm men độc đáo như gốm men màu, gốm men lam vẽ tràm, men kết tinh và không men. Hai nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến và Vũ Hữu Nhung thì giới thiệu sản phẩm gốm đặc trưng của Bắc Ninh và gốm Phù Lãng - Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày các sản phẩm lụa vân các màu làng dệt tơ tằm Vạn Phúc - Hà Đông (của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm); sản phẩm tranh thêu chùa Một Cột, Huế (của nghệ nhân Nguyễn Đức Khoa); các tác phẩm tranh sơn mài (của hai họa sỹ Lê Công Thành, Nguyễn Thị Thái); các sản phẩm bình, lọ sơn mài (của nghệ nhân Đỗ Văn Thuân); sản phẩm mây, tre đan của 2 nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, Nguyễn Văn Trung thuộc làng Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội...

Triển lãm cũng trưng bày các sản phẩm chạm khắc gỗ, nhạc cụ dân tộc Hà Nội, Nam Định; trống Đọi Tam; Tranh dân gian Đông Hồ của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế: tranh tứ quý, tranh xuân hạ thu đông, đại cát; Sản phẩm hoa lụa của nghệ nhân Mai Hạnh; Các sản phẩm mỹ nghệ làm bằng gỗ, nhựa, tre và vỏ dừa của hai nghệ nhân Nguyễn Văn Trúc, Đỗ Văn Thuận với các tác phẩm: Tượng bổn sư Thích ca, bộ sen vàng, đen trắng và hoa đỏ, lọ đôi, đĩa, bát gỗ, chậu hoa...

Sản phẩm thủ công truyền thống của Huế được giới thiệu trong triển lãm này gồm có đồ mộc mỹ nghệ, nón lá, mây tre đan; sản phẩm diều của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng (CLB diều Anh Vũ)... Bên cạnh đó, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Huế cũng đưa ra trưng bày bộ sưu tập của 4 nhà sưu tập cổ vật Bùi Tự Tiếu, Lê Hội, Nguyễn Thanh Đôn và Lê Thiện Gia. Bộ sưu tập gồm 50 hiện vật, được trưng bày theo các chủ đề, khối hiện vật gồm: Bộ kiếm triều Nguyễn, cặp liễn đối, hộp gỗ sắc phong, khay gỗ trạm cận, nghiên mực, khuôn dấu ấn làm bằng gỗ, sắc phong...

Bên cạnh các hoạt động trưng bày trong triển lãm, BTC tổ chức khu vực hội chợ, với gần 100 gian hàng vừa để trưng bày, vừa bán các sản phẩm thủ công truyền thống. Trong đó, có gian hàng đặc biệt với các sản phẩm thủ công của người khuyết tật làm tại chỗ, bán cho du khách; một không gian ẩm thực vùng miền và văn hóa trà, cùng những chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc sẽ được phục vụ du khách thường xuyên.

Đại diện BTC triển lãm, ông Bùi Quang Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, cho biết: Việc tổ chức triển lãm “Dấu ấn văn hóa Kinh đô Huế và đồng bằng sông Hồng qua các sản phẩm thủ công truyền thống” tại Festival Huế lần này, là một trong những hoạt động rất thiết thực và có ý nghĩa, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thuộc các làng nghề truyền thống ở kinh đô Huế và vùng đồng bằng sông Hồng, có cơ hội giao lưu, tìm hiểu về các sản phẩm giữa các làng nghề truyền thống ở từng địa phương; trao đổi những kinh nghiệm phát triển, gìn giữ tinh hoa của các làng nghề truyền thống, góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề với du khách trong và ngoài nước...
Phương Hà
Nhớ lồng đèn thủ công
Nhớ lồng đèn thủ công

Một mùa Trung thu nữa lại về. Bước ra phố trong đêm, tôi choáng ngợp vì ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng. Hai bên vỉa hè, người người bày biện gian hàng bánh Trung thu nhan nhản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN