Mùa xuân ngân nga câu quan họ

Những ngày đầu năm mới, đi bất cứ đâu trên dải đất Kinh Bắc, du khách đều dễ dàng bắt gặp những canh hát, hội hát quan họ thật ấn tượng và đậm đà tính Việt. Quan họ xuất hiện trong các lễ hội làng, những buổi liên hoan gặp mặt, thậm chí theo người dân ra những cánh đồng làng với ruộng lúa, bãi ngô… Đối với người dân nơi đây, cuộc sống sẽ tẻ nhạt nếu thiếu vắng những câu dân ca ngọt ngào ấy.


Trong tiết trời mưa xuân lất phất, chúng tôi về làng quan họ Trung Đồng, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Tại đây, được trực tiếp gặp và nghe những “báu vật sống” của làng thể hiện các làn điệu lề lối, chúng tôi phần nào hiểu được giá trị của câu ca "Xưa nay nam nữ trẻ già, ai mà ca được ắt là hiển vinh. Ngẫm xem các giọng cho tinh, ai mà ca được hiển vinh muôn đời". Như thế có thể hiểu rằng, quan họ không chỉ là niềm tự hào, là vốn riêng của người dân Kinh Bắc, mà còn là niềm kiêu hãnh, là nét đẹp văn hóa rất riêng của người dân Việt Nam.


Giao duyên quan họ.


CLB quan họ Trung Đồng có hơn 30 liền anh, liền chị “biết chơi” từ lúc “Răng non trắng tựa như ngà/Đến nay trơ lợi còn ca rõ nhời”. Nghệ nhân ít tuổi nhất cũng đã ngoài 60, cao nhất đã ở tuổi ngoài 90, tất cả đã "lên chức" ông bà, có người lên cụ như các cụ: Hoắc Công Tào (91 tuổi); Hoắc Thị Nhỉ, Hoắc Thị Tạch (90 tuổi); Hoắc Thị Chướng (82 tuổi); Vũ Thị Thiềm (80 tuổi)… Mặc dù giọng hát không được vang, rền như lúc trẻ nhưng các cụ vẫn hăng say ca hát những làn điệu quan họ truyền thống quê hương.


Cụ Hoắc Công Chờ, Chủ nhiệm CLB quan họ Trung Đồng kể: Mấy chục năm nay, dù cuộc sống có lúc khó khăn nhưng hội xuân ở Trung Đồng hiếm khi vắng các liền anh, liền chị đến từ những làng quan họ trong vùng đến giao lưu. Nhiều người đã tuổi cao, sức yếu nhưng các buổi hát quan họ, những lời ca ngân nga, vang vọng khôn nguôi ấy là sợi dây gắn kết mọi người với nhau, cho cuộc sống của họ thêm phần ý nghĩa.


Lễ hội làng Trung Đồng được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng. Ngày này, nếu không có quan họ thì người dân như cảm thấy thiếu cái gì đó rất lớn… Bởi quan họ như món ăn tinh thần đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm hồn, tồn tại hàng thế kỷ qua tại vùng quê cổ kính này. Cũng theo cụ Hoắc Công Chờ: Làng Trung Đồng kết chạ quan họ với làng Thượng Đồng - Hạ Đồng bên bờ nam sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh. Khi xưng hô với nhau, lúc nào người quan họ cũng nhận mình làm em, cái tôi cá nhân nhường chỗ cho sự kính trọng, khiêm nhường. Bởi thế, câu hát không phải là “chót lưỡi đầu môi” mà phải chơi, phải hát sao cho thể hiện được lòng mình, cái tình của người hát trong đó.


CLB quan họ Trung Đồng.


Tại làng quan họ cổ Thổ Hà (Việt Yên), từ khi mới được sinh ra đời trẻ thơ đã được ông, bà, cha, mẹ hát ru bằng những làn điệu dân ca quan họ truyền thống. Cứ như vậy khi lớn lên người ta vẫn không thể quên được những làn điệu độc đáo này, các thế hệ tiếp nối nhau hát quan họ, người trước truyền dạy người sau. Nhờ vào những canh hát quan họ mà những người nông dân chân lấm tay bùn đã thoát ra khỏi sự vất vả, cực nhọc để lạc vào thế giới của thần tiên…


Đặc biệt, trong ngày hội làng đầu năm vào ngày 21 tháng Giêng, những canh hát đậm đà và độc đáo được diễn ra tại bến nước Thổ Hà, sân khấu chính là những con “đò quan họ”. Liền anh Phú Hiệp làng Thổ Hà, huyện Việt Yên (Bắc Giang) cho hay: Các bài quan họ thường thể hiện tâm trạng tình yêu đôi lứa, khát vọng sống ấm no, hạnh phúc, nỗi nhớ mong, tương tư của người quan họ, cái sầu man mác, tương tư như lời của một làn điệu: ‘‘để có ai xuôi về, cho em nhắn, cho em nhủ…” Tất cả tình cảm đều được người quan họ thể hiện một cách tế nhị và kín đáo.


Tóm lại, đó là một lối chơi có quy củ, nền nếp, buộc người chơi phải tuân thủ theo luật chơi gồm nhiều thể loại: hát đối, hát giao duyên, hát canh, hát kết chạ, hát lễ hội, hát mời nước, mời trầu… Quan họ còn có lối hát tự do, ngẫu hứng thể hiện sự phóng khoáng trong những canh hát ngày xuân. Hát để thay cho nói, tâm sự gửi cả vào trong câu hát, đó cũng là cái tình của người quan họ đã thấm thía, lan tỏa ngàn đời qua ở đây. Bởi vậy, quan họ không chỉ là nghệ thuật hát mà nó còn là văn hóa, là “ứng xử” của người dân Kinh Bắc...


Ai đã từng lên Kinh Bắc dịp mùa xuân, chắc hẳn sẽ khó quên với hình ảnh những liền anh, liền chị xúng xính khăn xếp, áo the với đôi mắt lúng liếng và hai má ửng hồng đi trẩy hội và đua tài qua canh hát.



Bài và ảnh:Kim Sa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN