Mở cánh cửa văn hóa đọc

Trong khi văn hóa đọc được coi là cánh cửa mở ra kho tàng trí thức thì giới trẻ vẫn rất ngại đọc, hoặc chưa biết cách đọc sách. Rõ ràng, tạo lập thói quen đọc sách tốt cho giới trẻ cần được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm hơn.

Tìm đường hay tới sách tốt

Thời đại thông tin cùng với kỹ thuật in ấn tốt đã tạo ra số lượng sách rất lớn. Tuy vậy, làm sao để đọc được một cuốn sách có ích, cũng như rèn luyện tư duy qua đọc sách thì không phải người trẻ nào cũng làm được.

Cứ mười người có ba người hoàn toàn không đọc sách

“Tôi thực sự thất vọng về thói quen đọc sách của nhiều sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn”, một giảng viên đại học giấu tên chia sẻ. Bà cho biết, những khảo sát nhỏ của mình trong quá trình dạy học cho thấy, số sinh viên đọc những tác phẩm có độ dài trên 500 trang là vô cùng hiếm hoi - chỉ khoảng 15%. Thậm chí có nhiều sinh viên tự bằng lòng với việc chỉ đọc bản tóm tắt, hoặc trích đoạn của các tác phẩm.

Đọc sách và tra cứu trong thư viện là một thói quen tốt của sinh viên. Ảnh: Lê Phú


“Tôi cũng thấy đa số các bạn thích các loại sách dạy làm người, bí quyết thành công trong công việc, hay sách dạy kinh doanh, ngoại ngữ, tin học. Những cuốn sách như thế cũng tốt khi đọc. Nhưng chúng chưa đủ để nói rằng những người chỉ đọc như vậy đã có thói quen đọc sách tốt. Những cuốn sách hay được đọc thường xuyên sẽ nâng thói quen tư duy, cũng như hình thành nhân cách, kỹ năng, nghị lực sống cho người đọc”, bà nói.

Theo Bộ VH, TT&DL, tỷ lệ người đọc sách thường xuyên hiện nay chỉ chiếm 30%. Tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách cũng cao không kém, chiếm 26%. Cũng theo cơ quan trên, xu hướng đọc hiện nay cũng có ít nhiều lệch lạc. Thanh thiếu niên đang có xu hướng đọc những chuyện tranh với những nội dung đơn giản, vô bổ, thậm chí thiếu lành mạnh. Từ thói quen đọc đơn giản, họ ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, đặc biệt các sách dày, nhiều tập, nhiều chữ... Điều đó cũng dẫn đến việc văn hóa đọc bị văn hóa nghe nhìn lấn lướt. Thời gian dành cho lướt web, chơi game, xem truyền hình của học sinh, sinh viên tương đối cao tới 55%.

Thiếu lựa chọn, ít chịu khó

“Nhiều bạn đọc do không có thói quen đọc thường xuyên nên cũng không có kỹ năng chọn sách, đọc sách”, dịch giả Nguyễn Như Huy nói. Theo ông Huy, việc thiếu kỹ năng này thể hiện rất rõ ở việc nhiều người trẻ đọc sách theo phong trào, hoặc lướt qua một số bài điểm sách nghèo nàn thiếu sâu sắc trên các phương tiện truyền thông.

Việc đọc sách thiếu tự chủ như thế khiến nhiều khi người trẻ có đọc sách đấy nhưng tác động tốt lại không nhiều. “Những tác phẩm nhạt nhẽo nhiều khi lại bán chạy hơn những cuốn sách sâu sắc. Trào lưu đọc truyện tranh sinh ra một loạt trẻ ngại tư duy phức tạp. Và điều kinh khủng hơn là các tác phẩm kiểu như vậy đang bán chạy trên thị trường”, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân ngán ngẩm.

Nhiều người thích đọc truyện tranh hơn là các tiểu thuyết.Ảnh: Lê Phú

Giờ đây, theo ông Ân, chính sự bán chạy đó lại trở thành một định hướng với nhiều người làm xuất bản. Cứ theo vòng xoáy đó, thị trường mỗi lúc một dày thêm những tác phẩm nhạt nhẽo, vô bổ. Cùng lúc, những bộ sách kinh điển lại trở thành vô cùng khó bán. Do đó, rất ít nhà xuất bản dám làm loại sách này. Bản thân Nhà xuất bản Tri thức với những đầu sách khoa học kinh điển cũng xác định phải lấy nhiều nguồn khác để nuôi dòng sách sang trọng trên.

Hà Huyền Trang (Công ty cổ phần thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế):
Không còn khái niệm sách gối đầu giường


Tôi thấy văn hóa đọc bây giờ không còn được coi trọng như ngày xưa. Các bạn trẻ có quá nhiều nguồn để tiếp cận thông tin, vì vậy mà sách báo gần như trở thành một thứ đồ trang trí hơn là nguồn cung cấp kiến thức. Cách họ chọn sách cũng hời hợt hơn xưa nhiều, đặc biệt là trong thời đại giật gân câu khách như hiện nay. Nhiều bạn chọn sách vì tít hay, câu khách, nhiều người lại tò mò về bìa mà không tìm hiểu nội dung trong sách đề cập về vấn đề gì. Những quyển sách có giá trị văn hóa và thẩm mỹ giờ chỉ xuất hiện ở các hiệu sách cũ, các thư viện cá nhân. Ngày nay giới trẻ hầu như không có khái niệm sách gối đầu giường như trước, nếu có thể tìm được một cuốn thì đó hầu như là những tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc hay truyện tranh… Bản thân sách là một kho văn hóa vô tận, bởi vậy mỗi người khi đọc sách cũng cần có văn hóa đọc, nếu không những tri thức của nhân loại và dân tộc sẽ bị đánh mất trong chính tay họ.

Cao Xuân Trường (Sinh viên Đại học Luật Hà Nội ):
Nhiều người đọc sách theo trào lưu


Theo mình, văn hóa đọc sách của người trẻ có thể được chia làm ba loại. Một là, nhiều người không quan tâm đến sách, coi đọc sách là một điều xa xỉ, nhiều bạn của mình chỉ ngày đi học, tối hẹn hò rồi chơi điện tử và đi ngủ. Hai là, đọc sách theo trào lưu. Thấy bạn bè kháo nhau quyển này đọc hay, quyển này dở thì tò mò mua về đọc chứ không có chủ đích riêng. Còn lại là những người đọc sách một cách nghiêm túc, họ biết mình thiếu gì, cần gì và đọc để mở rộng vốn văn hóa, xã hội. Mình thuộc loại thứ hai nhưng rất thích những người đọc sách một cách thật sự, bởi họ sẽ có những hiểu biết và vốn sống rất sâu.

ChuNguyễn Lan Phương (Ba Đình, Hà Nội):
Đọc sách sai chính tả, rồi viết sai theo


Đại bộ phận giới trẻ hiện nay thích đọc những cuốn tiểu thuyết tình cảm ướt át hơn là những cuốn sách có giá trị văn hóa, lịch sử. Truyện tình cảm, yêu đương của những tác giả tuổi teen bán tương đối chạy và được giới tuổi teen đón nhận. Còn những tiểu thuyết mang tính nghiền ngẫu, bác học chỉ dành cho một bộ phận những người lớn tuổi hơn. Một đặc điểm nữa là giới trẻ hiện nay phần lớn sẽ đọc truyện trên mạng hoặc qua ebook. Nhiều truyện câu chữ không được gọt giũa, đánh máy sai tùm lum cũng sẽ gây ảnh hưởng đến việc thẩm thấu tác phẩm, thậm chí có những người cũng học theo cách viết sai ấy, thế nên cũng không hiếm gặp sinh viên đại học rồi mà vẫn sai chính tả lia lịa.

Trần Kim Anh (Công ty truyền thông Việt Nam):
Ít đọc nghiên cứu


Giới trẻ bây giờ vẫn ham đọc nhưng là đọc truyện viễn tưởng, truyện tình cảm, còn đọc theo kiểu nghiên cứu thì rất ít.. Phương thức đọc giờ cũng đã thay đổi, các bạn trẻ đọc trên mạng nhiều hơn, rất ít người thích đọc sách in vì đọc trên mạng rất tiện lợi, vừa đọc vừa làm được những việc khác như chat với bạn bè, nghe nhạc... Nhưng số lượng sách chất lượng trên mạng không nhiều. Có những bạn trẻ có thể ngồi hàng giờ trước máy tính để đọc truyện tranh online hoặc chơi điện tử nhưng không thể ngồi đọc một quyển sách quá 10 phút.Vì thế nên đưa những quyển sách có giá trị về văn hóa, tinh thần, những quyển truyện kinh điển, mẫu mực lên mạng giúp giới trẻ tiếp cận chúng nhanh hơn.

Bắt đầu từ gia đình

Đề án phát triển Văn hóa đọc giai đoạn 2011-2020 của Bộ VH,TT&DL đưa ra hướng phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ lệ người đọc thường xuyên từ 30% (hiện nay) lên 40% vào năm 2015 và 65% vào năm 2020; giảm tỷ lệ số người hoàn toàn không đọc từ 26% xuống còn 20% vào năm 2015 và 15%. Cùng lúc, 70% các trường phổ thông các cấp, 100% các trường đại học đưa việc giáo dục kiến thức về sách, về thông tin, kỹ năng đọc, kỹ năng tìm thông tin, sử dụng thư viện trong học tập vào chương trình giảng dạy của nhà trường; 70% số học sinh, 80% số sinh viên/trường có thói quen đọc và sử dụng thư viện phục vụ cho học tập, tìm hiểu, giải trí.

Đề án cũng hướng tới xây dựng môi trường đọc thuận lợi, đảm bảo cho người dân ở mọi độ tuổi, trình độ, ngành nghề, địa bàn cư trú, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể tiếp cận và sử dụng tài liệu, sách báo, thông tin được dễ dàng, thuận lợi, phù hợp với nhu cầu đọc đa dạng, luôn thay đổi của người đọc.

“Tôi nghĩ, việc đọc sách hãy được bắt đầu từ gia đình. Nếu mỗi cha mẹ tạo thói quen đọc sách cho con nghe từ nhỏ, điều này sẽ ngấm vào máu của đứa trẻ”, nhà sưu tập sách Yên Ba nói. Cũng như cha mình, cô con gái của ông sớm trở thành một “mọt sách” đúng nghĩa. Cô chịu đọc và sau đó sớm tìm được một học bổng du học tại Mỹ.

Bản thân ông Yên Ba cùng những người bạn trong nhóm Sách xưa của mình đều là những người có một tủ sách gia đình đồ sộ. Đương nhiên, sách với họ ngoài việc để chơi thì đầu tiên vẫn để đọc. Lòng say mê sách từ họ tỏa ra, có tác động tích cực đến những thành viên khác trong gia đình và dòng họ.

Ông Nguyễn Quang Thạch, người đang say mê với việc tạo dựng các tủ sách dòng họ ở nông thôn cho biết, ông từng phỏng vấn khoảng 100 hộ nông dân ở một số tỉnh và thấy chỉ có khoảng 5% số người được hỏi cho biết gia đình họ có vài cuốn sách truyện cho con cái đọc. Thậm chí có những thôn không có một tủ sách nào. Điểm bưu điện văn hóa xã cũng chỉ có khoảng 100-200 cuốn sách. Thư viện trường học cũng ít sách và hầu như phòng đọc rất chật chội.

Chọn “điểm đột phá” là các tủ sách dòng họ, ông Thạch phân tích: “Dòng họ vẫn là yếu tố quan trọng của nông thôn. Chính vì thế, nếu mỗi dòng họ quan tâm tới việc đọc sách của con cháu mình thì dứt khoát văn hóa đọc sẽ phát triển”.

Còn Giáo sư Phạm Đức Dương lại chọn cách “mở cửa thư viện gia đình” để thu hút người trẻ đến đọc sách. Tủ sách của ông có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu. Tủ sách này còn hút khách hơn vì GS cũng trực tiếp giải đáp, hướng dẫn cách chọn sách cho họ. Nhờ đó, từ thư viện này, nhiều luận văn đã hoàn thành.

Rõ ràng, những nhân tố gia đình, dòng họ, trường học chính là “đà” đẩy cho văn hóa đọc. Khi những nhân tố này được khơi thông, một nền văn hóa đọc sẽ hình thành. Cũng vì thế, trong trăn trở của mình, ông Thạch rất muốn Bộ VH,TT&DL và Bộ GD-ĐT đưa việc phải có tủ sách vào quy chế gia đình văn hóa, làng văn hóa hay các trường học thân thiện.

Cầm Trang - Thu Trang

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN