Lợi ích kép của "Sân khấu học đường"

Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cho biết: Ngày 11 - 12/8 tới đây, dự án "Sân khấu học đường" giai đoạn 2007 - 2010 sẽ được tổng kết tại Hà Nội với sự tham dự của các trường học đã tham gia dự án. Tối 11/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, các em học sinh của Đồng Tháp, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Phòng sẽ biểu diễn báo cáo các bộ môn cải lương, dân ca, tuồng, ca kịch ví dặm và chèo. Riêng đoàn Đà Nẵng sẽ diễn trích đoạn "Kim Lân biệt mẹ" trích trong vở tuồng cổ "Sơn Hậu".

Sau 10 năm thực hiện, dự án "Sân khấu học đường" đã thu hút sự tham gia của học sinh ở 29 tỉnh, thành phố trên khắp 3 miền. Nhờ đó, hàng ngàn học sinh được tiếp cận các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương, ca kịch ví dặm Nghệ Tĩnh, dân ca miền Trung, bài chòi...

Trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí ngày 5/8 tại Hà Nội, Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc khẳng định rằng: Dự án "Sân khấu học đường" là giải pháp cứu cánh cho sân khấu truyền thống dân tộc đang khủng hoảng, mất khán giả nghiêm trọng.

Thanh Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN