Liên hoan hát Xẩm tỉnh Ninh Bình mở rộng năm 2023

Tối 4/11, tại sân khấu Thủy Đình, phố cổ Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tổ chức khai mạc Liên hoan hát Xẩm tỉnh Ninh Bình mở rộng năm 2023. Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy, lan tỏa các giá trị di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Chú thích ảnh
Một tiết mục biểu diễn của Câu lạc bộ hát Xẩm Hà Thị Cầu, tỉnh Ninh Bình. 

Đây là kỳ liên hoan thứ 3 tỉnh Ninh Bình tổ chức, nối tiếp sự thành công của hai kỳ liên hoan vào các năm 2019, 2022. Liên hoan hát Xẩm tỉnh Ninh Bình mở rộng năm 2023 thu hút sự tham gia của khoảng 200 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của 20 câu lạc bộ đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa và Ninh Bình. Đây là liên hoan có sự tham gia đông đảo nhất của các địa phương từ trước tới nay. Riêng tỉnh Ninh Bình có sự góp mặt của 9 câu lạc bộ hát Xẩm của các huyện, thành phố.

Trong các ngày diễn ra liên hoan, các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của 20 câu lạc bộ sẽ giới thiệu gần 60 tiết mục, trình diễn nhiều làn điệu Xẩm bằng lời cổ và đặt lời mới. Với tài năng, sự đam mê, tâm huyết của mình, các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên mang đến một cảm xúc đặc biệt trong không gian âm nhạc truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Chú thích ảnh
Một tiết mục biểu diễn của một Câu lạc bộ hát Xẩm đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. 

Theo Ban Tổ chức, hát Xẩm là một hình thức diễn xướng dân gian bằng nghệ thuật hát nói và âm nhạc, một loại hình nghệ thuật độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc có lịch sử hình thành phát triển lâu đời. Mặc dù có những giai đoạn trầm lắng, có nguy cơ mai một, song hát Xẩm đã và đang phát triển mạnh ở các địa phương trong cả nước, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Ninh Bình, nơi cố nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu, với tiếng hát xuyên thế kỷ, đã dành cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp ca hát, sáng tác và truyền dạy hát Xẩm. Năm 2022, nghệ thuật Hát Xẩm Ninh Bình được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Để bảo tồn, khơi dậy, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật độc đáo này ở Ninh Bình, trong những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo trong nước và quốc tế; xây dựng các đề án bảo tồn cùng các hoạt động thực tiễn: truyền dạy, củng cố, phát triển các câu lạc bộ, đội nhóm hát xẩm và thường xuyên tổ chức trình diễn giới thiệu Xẩm tới nhiều đối tượng công chúng.

Chú thích ảnh
20 câu lạc bộ trong cả nước tham dự Liên hoan. 

Những hoạt động này luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền; sự hỗ trợ của các cơ quan tổ chức trong và ngoài tỉnh; sự tham gia giúp đỡ đầy nhiệt huyết, trách nhiệm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu về âm nhạc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, trong đó có cố nhạc sỹ Thao Giang - nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc đầy tâm huyết, một trong những người góp công lớn giữ gìn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm, cùng sự hưởng, ứng đồng hành của các nghệ nhân, nghệ sỹ và những người người yêu Xẩm. Sự nỗ lực, đồng hành đó đã và đang đưa Xẩm trở lại hoà nhịp cùng cuộc sống đương đại, khẳng định chỗ đứng của mình trong đời sống âm nhạc hiện nay.

Liên hoan diễn ra từ nay đến hết ngày 6/11.

Tin, ảnh: Đức Phương (TTXVN)
Đưa hát Xẩm đến gần hơn với thế hệ trẻ
Đưa hát Xẩm đến gần hơn với thế hệ trẻ

Hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả của các câu lạc bộ hát Xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không chỉ góp phần giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật truyền thống mà còn tích cực tham gia quảng bá, lan tỏa nghệ thuật Xẩm thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN