Lên chùa học thư pháp

Năm năm nay, cứ thứ 7 hàng tuần, những người yêu thích thư pháp và đạo thánh hiền lại tìm đến chùa Nhân Mỹ (Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội) để học chữ, học đạo. Điều đặc biệt là lớp học này hoàn toàn miễn phí.

Lớp học ba không


Chùa Nhân Mỹ là ngôi chùa nhỏ nằm khuất sâu trong làng Nhân Mỹ, đường vào khá quanh co và khó nhớ nhưng cứ 8 giờ sáng thứ 7, hàng chục học viên của lớp đã có mặt đông đủ. Lớp học là một căn phòng nhỏ trong chùa - sạch sẽ, sáng sủa, có ấm trà sen mới pha tỏa mùi thơm khắp phòng. Thầy Lê Trung Kiên (chuyên viên Vụ Phật giáo), người khai mở lớp chậm rãi rót từng chén trà mời các học viên của mình. Vừa rót nước, thầy vừa cười vừa nói: “Học viên ở đây người lớn nhất 78 tuổi, nhỏ nhất đang học lớp 7, mọi người đều có chung niềm yêu thích với nghệ thuật thư pháp”.


Thầy Lê Trung Kiên hướng dẫn học viên viết chữ.


Thư pháp vốn được coi là môn nghệ thuật dành cho “người già” nhưng ở lớp học này lại có đến 70% số học viên là sinh viên. Nguyễn Đình Hưng, sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, cậu tìm hiểu về chữ Hán Nôm từ hồi cấp ba, khi lên Hà Nội học, nghe những người yêu thư pháp giới thiệu về lớp học của thầy Kiên tại chùa Nhân Mỹ, cậu liền tìm đến đây theo học. Điều khó nhất trong học thư pháp là học cách viết chữ. Để hiểu được nghĩa của từng từ đã là một việc không đơn giản nhưng để viết được một chữ thì lại càng khó hơn. “Em phải mất một tuần mới viết được chữ “Nhân”, một trong những chữ cơ bản nhất và chỉ có hai nét”, Hưng nói thêm.


Trong lúc đó, Hoài Thu, một thành viên trong lớp vui vẻ quay sang giới thiệu: “Đây là lớp học ba không, không thu học phí, không quy định tuổi tác, không bắt buộc thời gian học… Các học viên hoàn toàn thoải mái và chủ động trong việc học của mình. Chẳng hạn tuần trước, em có việc bận không đến học được thì buổi hôm nay em sẽ học cùng mọi người, rồi cuối giờ thầy sẽ giảng lại phần học tuần trước cho em”. Tuy nhiên, cũng có những quy tắc nhất định đối với học viên như vào chùa không được nói to, ăn mặc lịch sự và thành kính, lễ phép với thầy chùa.


Lớp học quy tụ đủ học viên thuộc các tầng lớp, ngành nghề và tuổi tác nhưng niềm đam mê thư pháp đã kéo những người ở đây lại gần nhau. Hiện tại, hàng tháng, mỗi học viên chỉ phải đóng 50.000 đồng tiền quỹ lớp để mua bút, giấy, mực và đồ dùng phục vụ cho việc thực hành.


Học chữ, rèn đạo


“Tôi đã từng ở trong chùa nhiều năm, may mắn được các sư thầy truyền dạy nhiều điều hay lẽ phải nên tôi mở lớp học này để giúp các bạn trẻ tiếp cận và hiểu hơn về đạo thánh hiền. Học viên mới vào sẽ được nghe giảng về nguồn gốc ngôn ngữ, về chữ Nho, định hình chữ, rồi sau đó sẽ tập viết những nét cơ bản”, thầy Kiên cho biết.


Các học viên mải mê tập viết chữ.


Nhiều người hưu trí yêu thích nghệ thuật thư pháp cũng tìm đến đây học. Ông Nguyễn Hữu Đổng (78 tuổi), học viên lớn tuổi nhất đã theo học tại lớp hơn 2 năm nay, cho biết: “Học chữ quan trọng nhất là tính kiên trì và lòng hướng đạo. Nếu không có hai yếu tố đó, học viên rất dễ nản lòng. Con chữ chỉ là phương tiện, là cái bên ngoài để nhà thư pháp chuyển tải những đạo lý ẩn chứa phía sau. Vì vậy, ngoài học chữ, chúng tôi còn học được nhiều điều khác nữa. Chẳng hạn để viết được chữ “Nhân” thì chúng tôi sẽ được thầy giảng để hiểu về ý nghĩa của từng nét trong chữ ấy”.


Cùng tham gia lớp học như một học viên, tôi thực sự bị thuyết phục trước những bài giảng của thầy Kiên. “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư...”, thầy Kiên mở đầu buổi dạy bằng bài thơ “Nam Quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt rồi giảng giải về hoàn cảnh ra đời cũng như ý nghĩa bài thơ “thần” này để người nghe có thể hiểu được lịch sử nước nhà. Sau đó, thầy bắt đầu đi vào phân tích câu chữ và hướng dẫn học viên tập viết. Không nói những điều cao siêu, những bài giảng của thầy thường đi từ những câu chuyện trong lịch sử với người thật, việc thật, từ đó giúp người nghe vừa hiểu hơn về lịch sử, vừa tự rút ra cho mình những bài học sâu sắc nhất.


Trong khi nhiều bạn trẻ hiện nay còn mải mê với những thú vui, lãng quên giá trị truyền thống thì lớp học thư pháp trong chùa Nhân Mỹ được coi là nơi góp phần nuôi dưỡng niềm đam mê đối với những giá trị văn hóa dân tộc. Bởi hơn hết, ngoài việc học chữ, tại đây những người có niềm đam mê với thư pháp còn được học những bài học vô giá về lịch sử, truyền thống dân tộc và “hướng thiện”, lĩnh hội được những tư tưởng uyên thâm trong Nho giáo và thanh lọc tâm hồn nơi cửa Phật.



Bài và ảnh:Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN