Lễ hội đầu năm: Vẫn còn những chuyện phiền lòng...

Tháng Giêng là tháng diễn ra nhiều lễ hội trên mọi miền đất nước. Bên cạnh việc mang lại một không khí vui tươi, rộn rã đầu xuân, vẫn còn nhiều chuyện phiền lòng xảy ra ở các lễ hội, khiến người trảy hội chưa thật sự vui.

Lạng Sơn: Nỗi lo an toàn VSTP

Dưới cái mưa và lạnh của tiết tháng Giêng, chúng tôi đã có mặt tại một số lễ hội tiêu biểu của tỉnh Lạng Sơn như lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng, hội Bắc Nga (huyện Cao Lộc), hội Ná Nhèm (huyện Bắc Sơn)... Được chứng kiến không khí của các lễ hội tưng bừng, náo nhiệt, ai ai cũng phấn khởi, nhưng việc bỏ ngỏ vấn đề ATVSTP, với nguyên nhân là thiếu sự kiểm tra của các lực lượng chức năng, đồng thời do ý thức của những người tham gia lễ hội... khiến nỗi lo mùa lễ hội cũng không hề nhỏ.

Tham gia lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn) – lễ hội lần đầu tiên được khôi phục sau hơn 50 năm, mọi người tham gia lễ hội đều phải tự sắm cho mình một đôi ủng cao su bởi với đường đất lầy lội không có loại giày dép nào đi được. Sau một hồi tham gia lễ hội, chúng tôi cùng thưởng thức món thịt lợn quay - đặc sản của quê hương xứ Lạng. Dọc hai bên đường, những con lợn quay đã bày sẵn cùng gia vị, nước chấm... Tuy nhiên, sau khi đi vòng vèo một hồi mới tìm được vị trí ưng ý, có bàn, có ghế mà thực khách vẫn phải ngồi ngoài trời, ngay bên đường đi. Bát đũa rửa qua loa, cái nào cũng nhờn nhờn nước mỡ, cùng những cái chén cáu bẩn lần lượt được đưa ra. Mọi người hồ hởi kể chuyện lễ, chuyện hội, chẳng ai quan tâm lắm đến chuyện sạch bẩn của những thứ đặc sản chuẩn bị thưởng thức...

Lễ hội Bắc Nga (huyện Cao Lộc - Lạng Sơn) người đông như nêm, đường đất nhầy nhụa một màu đỏ quạch, nhưng suốt dọc hai bên đường trải dài hàng cây số vào điểm tổ chức hội chính cơ man hàng quán. Nào là nem rán, xúc xích, bánh mì nướng... nhưng nhiều nhất vẫn là lợn quay. Mỗi con lợn chừng bốn năm chục cân được quay vàng ruộm nằm chềnh ềnh trên những chiếc bàn tạm bợ; hàng nào cẩn thận thì có thêm cái bạt che qua quýt, còn không thì mọi việc diễn ra ngay dưới trời lúc mưa, lúc nắng cùng bụi bặm... Người bán hàng tay dao, tay thớt thoăn thoắt chặt, bốc, gói thịt cho khách. Còn những người trảy hội sau khi chen lấn để thắp được tuần hương là quay ra thưởng thức món đặc sản mà có lẽ chỉ ở Lạng Sơn mới có. Người trảy hội thì đông, mà hàng quán tử tế thì có hạn, nên mọi người cứ vô tư ăn, uống ngay giữa trời đất; lịch sự thì thuê một cái chiếu trải ven đường, còn không thì thịt đặt ngay trên miếng lá chuối vậy là vô tư dùng tay thưởng thức.

Tương tự như vậy, tại lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng, khắp các nẻo đường dẫn về Đền Mẫu, hàng quán ăn uống mở ra san sát; không ít lều quán ngoài trời, tạm bợ và đều chung một tình trạng bày bán ngay cạnh đường đi, mà không hề được che đậy để tránh bụi bẩn. Nhiều hàng bún, phở, đồ nướng, thức ăn chín, sống được bày lẫn lộn, người phục vụ không găng tay mà vẫn thoăn thoắt bốc thức ăn vào bát để phục vụ. Do lượng khách đông, nên bát đũa sử dụng xong chỉ được rửa qua loa để còn kịp phục vụ tốp khách khác.

Hà Nội: "Đốt tiền" đầu năm

Nét đẹp văn hóa đầu năm đi lễ chùa ngày nay đang dần biến tướng và không còn thuần khiết, ý nghĩa như vốn có. Ở nhiều nơi, người đi lễ chùa đã không còn được “tĩnh tâm” vì bị chi phối bởi việc sử dụng tràn lan và quá nhiều vàng mã.

Lò hóa vàng ở chùa Hà (Hà Nội) luôn ở trong tình trạng quá tải.


Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, trước kia việc đốt vàng mã mang ý nghĩa nhân văn, giờ nó đã biến thiên trở nên xấu đi bởi những người có hành vi vụ lợi. Nếu cho rằng việc đốt vàng mã làm người sống cảm thấy trong lòng thanh thản hơn, an lạc hơn, thì chỉ là cách đánh lừa tâm thức, có chăng chỉ là an lạc tạm thời. Muốn tâm thảnh thơi, không có gì hay hơn là trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thực hiện lời Phật dạy. Còn Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, đốt vàng mã một cách quá hoang phí là việc làm có tội.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại chùa Quán Sứ, dịp đầu năm Nhâm Thìn, hiện tượng đốt vàng mã diễn ra thường xuyên không chỉ trong những ngày lễ. Hai chiếc lò hóa vàng mã được đặt ngay cổng ra vào luôn rực đỏ. Theo lời Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, trụ trì chùa Quán Sứ thì nhà chùa đã nhiều lần xây lại lò hóa cho phù hợp với nhu cầu người đi lễ. Mặc dù hiện tại nhà chùa xây lò kiên cố bằng xi măng cốt thép nhưng do sử dụng liên tục và quá nhiều nên đã nhanh chóng làm hư hỏng. Ở Phủ Tây Hồ hay chùa Hương, cảnh đốt vàng mã cũng diễn ra thường xuyên. Nhiều lò hóa hoạt động dường như không nghỉ mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu của người hành lễ.

Trên tay bưng một mâm tiền vàng chuẩn bị dâng lễ tại chùa Quán Thánh, chị Trần Thị Tuyết (phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) hồ hởi: “Năm nay mình sắm đủ bộ cành quả lộc, cành cau, lúa mì, đình vàng… chi phí lên tới cả triệu đồng”. Theo chị quan niệm, phải đốt nhiều thì thần thánh mới phù hộ và ban nhiều lộc phước làm ăn… Chắc hẳn không riêng chị Tuyết, mà quan điểm này đang phổ biến bởi nhiều người làm theo trào lưu chung, còn việc đi lễ, đặt lễ như thế nào thì chính họ còn chưa hiểu thấu đáo. Nhiều người đi chùa vãn cảnh đã là một thói quen lâu nay, nhưng việc đốt vàng mã thì còn xa lạ và thậm chí vì có người rủ nên làm theo. Một nam thanh niên cho biết: Vì năm nay có Sao hạn nên đi lễ chùa cầu cho an bình, tuy nhiên các đồ lễ là do người bán hàng bảo sao thì mua thế.

Ngoài tốn kém tiền của, hiện nay các chùa, đền tuy đã xây lò đốt, bố trí khu hóa riêng, song vẫn phải đối mặt với những hệ lụy do việc đốt quá nhiều vàng mã gây ô nhiễm môi trường… Để hạn chế việc làm gây lãng phí này, ở Phủ Tây Hồ, Ban quản lý di tích đã “thiết kế” một bảng thông báo lớn, đặt ngay cổng ra vào với nội dung thực hiện Nghị định của Chính phủ, từ 1/9/2010, Phủ Tây Hồ không cho phép cúng hoặc đốt các đồ vàng mã gồm các loại hình nhân thế mạng, ông lốt, ngựa, xe, rừng cây.... Với chùa Quán Sứ, một “đội tình nguyện” với hàng chục người do các tăng ni, phật tử làm nhiệm vụ nhắc nhở người dân hạn chế sử dụng cũng như đốt vàng mã, dọn vệ sinh khu vực xung quanh các lò đốt…

Tục lệ đốt vàng mã có từ lâu đời, đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của người dân. Ngày nay, tục lệ này đã và đang phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi cúng giỗ gia đình mà còn chú trọng ở các các đền chùa.

Theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP năm 2010 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa”, trong đó có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi “Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác”. Tuy nhiên, việc xử phạt này ở các địa phương, chùa đền thời gian qua vẫn chưa được chú trọng và quyết liệt.

Bài và ảnh: Mỹ Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN