Lễ dâng hoa thủy tiên tại Văn miếu Mao Điền

Lần đầu tiên Lễ dâng hoa thủy tiên tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) được tổ chức sáng 14/2 (tức ngày mùng 5 Tết), thể hiện lòng tri ân, hiếu kính của thế hệ con cháu đời sau đối với các bậc thánh hiền, các danh nhân khoa bảng.

Chú thích ảnh
Hoa thuỷ tiên được bày tại sân Văn miếu Mao Điền sáng mùng 5 Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Chương trình quy tụ hơn 100 tác phẩm hoa thủy tiên của 50 thành viên Câu lạc bộ Hoa Thủy tiên Hải Dương và người yêu hoa thủy tiên ở các tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Phú Thọ. Ban tổ chức tuyển chọn 20 tác phẩm đẹp nhất để dâng lên các bậc thánh hiền với các tiêu chí như: hoa đơn, hoa vàng, hoa hàm tiếu và không nở quá 50%, có bộ rễ trắng đẹp. Các tác phẩm còn lại được trưng bày trong sân Văn miếu phục vụ nhân dân và du khách thưởng lãm.

Theo anh Đặng Xuân Chiến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Thủy tiên Hải Dương, ý tưởng dâng hoa thủy tiên tại Văn miếu Mao Điền và trưng bày hoa thủy tiên được anh ấp ủ từ 3 năm nay với mong muốn kính dâng những bông hoa tinh khiết, kết tinh vẻ đẹp của trời đất lên các bậc tiên hiền trên chính quê hương mình, đồng thời kết hợp trưng bày hoa để nhân dân, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng. Là một người yêu di sản văn hóa, anh Chiến mong muốn hoạt động này sẽ tổ chức thường niên để Văn miếu Mao Điền trở thành nơi hội ngộ, là điểm hẹn cho những người yêu hoa thủy tiên ở Hải Dương và trên khắp cả nước.

Dịp Tết này, những bát hoa thủy tiên khoe sắc tại Văn miếu Mao Điền thực sự là điểm nhấn níu chân du khách và nhân dân khi đến du xuân, tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt. Chị Lê Thị Thoa, Phó Trưởng Ban Ban Quản lý di tích Cẩm Giàng cho biết, mỗi tác phẩm hoa thủy tiên là sự kết tinh giá trị nghệ thuật và tình yêu di sản văn hóa gửi gắm những thành ý tốt đẹp, sự tri ân của những người con xứ Đông yêu văn hóa, yêu di sản đối với các bậc thánh hiền.

Nhằm lan tỏa những giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt, Ban Quản lý di tích Cẩm Giàng đã kết nối với các dòng họ khoa bảng, những đơn vị, trường học, các doanh nghiệp lữ hành, tổ chức nhiều hoạt động mang tính chất giáo dục, truyền thông về văn hóa, về các giá trị của di tích tới du khách trong và ngoài nước; qua đó, tôn vinh trí tuệ, đạo học của xứ Đông nói riêng và truyền thống hiếu học của người Việt Nam nói chung.

Văn miếu Mao Điền là di tích lớn thứ hai trong hệ thống Văn miếu Việt Nam, nơi kế thừa và tiếp nối của Văn miếu trấn Hải Dương xưa. Di tích được khởi dựng từ thế kỷ XV tại xã Vĩnh Lại, huyện Đường An, đến khi thờ Quang Trung cuối thế kỷ XVII được di chuyển về xã Mao Điền, sáp nhập với trường học, trường thi và trở thành nơi đào tạo hàng ngàn cử nhân, tiến sĩ nho học hàng đầu cả nước. Tại đây thờ Đức Khổng Tử  - ông tổ của đạo Nho và phối thờ 8 vị đại khoa tiêu biểu là: Thầy giáo Chu Văn An; Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi; Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh; Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh; Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Thần toán Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Hữu; Trình quốc công, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Văn miếu Mao Điền vẫn được gìn giữ và phát huy các giá trị trở thành nơi tôn vinh đạo học, trọng trí tuệ, trí nhân, trọng hiền tài, một biểu tượng cho Văn hiến xứ Đông. Di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt vào năm 2017.

Tin, ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)
Nét đẹp văn hóa trong lễ tục 'cúng thuyền' của ngư dân làng biển
Nét đẹp văn hóa trong lễ tục 'cúng thuyền' của ngư dân làng biển

Với hơn 20km đường bờ biển, huyện Diễn Châu (Nghệ An) có 8 xã giáp biển, bãi ngang. Hàng trăm năm qua, nghề đánh bắt, khai thác hải sản đã gắn liền với ngư dân và là thế mạnh trong phát triển kinh tế nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN