Khi nghệ thuật múa không đứng một mình

Sự kết hợp của múa với nhiều loại hình nghệ thuật khác như xiếc, thời trang trong thời gian gần đây đã mở ra một cánh cửa rộng cho nó. Những chương trình nghệ thuật trên dù hoành tráng hay nhỏ gọn đều có chiều sâu văn hóa đáng kể. Một “lối nhỏ vào đời” đã được mở ra cho múa.

Hai năm một “Vườn trăng”

Biên đạo Quách Phương Hoàng đã mất gần hai năm để dàn dựng vở múa đương đại có tên "Vườn trăng”. Trong đó, các nghệ sĩ dùng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt những trạng thái cảm xúc phức tạp: Hòa quyện vào nhau tạo cảm giác hạnh phúc, tách ra như một sự cô đơn. Nhưng điều bất ngờ ở vở diễn này lại chính là ở những diễn viên. Họ không phải diễn viên múa mà là diễn viên xiếc.

Những ngày đầu làm việc cùng nhau, Phương Hoàng phải dạy cho các diễn viên xiếc từng tư thế, động tác nhỏ của múa. “Ngoài sự trao đổi về trí tuệ, cơ bắp, múa còn là sự động chạm nghệ thuật của cơ thể. Sau gần 2 năm miệt mài, diễn viên xiếc mới quen với khái niệm đó”, anh tâm sự.

Các nghệ sĩ luyện tập vở "Vườn trăng". Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nếu xiếc có chuẩn mực kỹ thuật nhất định, thì múa đương đại cũng vậy. Các động tác vùng vẫy, quay, nhảy, lăng người trên không, thậm chí ngã xuống đất cũng phải có yếu tố kỹ thuật, nếu không sây xát chân tay rất có thể xảy ra. Quách Phương Hoàng đã vận dụng tối đa những kỹ thuật khó của xiếc như khả năng giữ thăng bằng, những chuyển động chính xác để đưa vào vở diễn.

Anh tâm sự: “Xiếc là những động tác thẳng, múa lại là những động tác mềm dẻo. Hướng dẫn thế nào để động tác thẳng và động tác cong không va chạm mà lại tạo thành một hình thật không dễ. Rất may, múa và xiếc có một điểm chung, đó là khả năng tính toán cao thấp, xa gần. Chính lợi thế này đã tạo ra những kỹ thuật “độc” trong vở diễn”.

Thời trang tóc trên những cú xoay người

Không chỉ “bắt tay” với xiếc, múa còn “se tơ” với thời trang tóc. Có thể nói, đây là một sự kết hợp khá thành công. Và sự sáng tạo của sự kết hợp này luôn luôn được khai thác tối đa. Từng kết hợp giữa múa đương đại và thời trang tóc năm 2010, năm nay, trong chương trình của Davines Hair show 2011, Lê Vũ Long lại kết hợp múa với thời trang tóc lần nữa. Có điều, lần này là múa ba lê - một tiêu biểu của nghệ thuật cổ điển.

Các màn thiết kế đã được tổng đạo diễn Lê Vũ Long vận công để sắp xếp một cách hài hòa và được kết nối bởi các trích đoạn âm nhạc cổ điển nổi tiếng cùng với những điệu múa ba lê làm mê đắm lòng người.

Nếu không phải là show trình diễn tóc thì hẳn nhiều người đã nhắm mắt thả hồn theo những âm thanh du dương của những bản nhạc kinh điển mà ai cũng đã nghe hơn một lần.

Gần hơn với công chúng

Thực tế, công chúng nước ta vẫn chưa quan tâm nhiều tới múa. Các chương trình múa “nguyên chất” do đó càng ít người xem. Tuy nhiên, khi được pha trộn với các loại hình nghệ thuật khác, múa lại khiến tổng thể chương trình có vẻ đẹp sang quý, hoàn mỹ.

Chính vì thế, Quách Phương Hoàng tâm sự: “Bằng những hoạt động ít ỏi như hiện nay, chúng tôi muốn tạo nên một sợi dây nối khán giả và múa đương đại trong lúc chờ đợi một tương lai tốt đẹp hơn. Phải làm cho khán giả biết đến sự có mặt của múa đương đại, từ đó yêu thích, quan tâm. Chỉ khi đó nghệ thuật mới được thúc đẩy và phát triển. Tuy nhiên, đó sẽ là chặng đường đầy chông gai và thử thách”.

Cũng như thế, biên đạo múa Lê Vũ Long đã mở được cánh cửa cho múa vào những show diễn hoành tráng mà không phải là phụ họa. Trong những chương trình của anh, các nghệ sĩ múa cũng là những thành phần độc lập mang giá trị cho đêm diễn. Cũng nhờ thế, múa dường như đã bớt xa xôi với người xem.

Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN