Khám phá văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam

Ngắm cổ vật của Nhật Bản, xem trình diễn thời trang, xem phim hoạt hình, xem và trải nghiệm vẽ truyện tranh Manga, tham gia làm và chơi các trò chơi dân gian truyền thống Nhật Bản… là những nội dung chính trong trưng bày chuyên đề “Văn hóa Nhật Bản” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 25 Tông Đản, Hà Nội), diễn ra từ ngày 16/1- 9/3/2014.


Khám phá văn hóa xứ anh đào


Sau thành công của trưng bày chuyên đề “Việt Nam- Câu chuyện vĩ đại” tại Nhật Bản (từ tháng 4 - 6/2013), nhằm đẩy mạnh quá trình giao lưu, hợp tác văn hóa, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, góp phần xây dựng mối quan hệ thân thiết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng quốc gia Kyushu và một số bảo tàng, cơ quan văn hóa khác tại Nhật Bản đã tiếp tục hợp tác, tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa Nhật Bản”, nhằm giới thiệu với công chúng Việt Nam những nét đặc sắc của văn hóa truyền thống, lịch sử giao thương giữa hai quốc gia.

 

Khách tham quan trưng bày “Văn hóa Nhật Bản”.


Với 70 hiện vật đặc sắc, chia thành 9 chủ đề khác nhau, trưng bày chuyên đề “Văn hóa Nhật Bản” dẫn dắt người xem khám phá nền văn hóa đặc sắc của Nhật Bản từ xưa đến nay. Từ những đồ gốm cổ đại Nhật Bản như bình gốm vặn thừng, tượng Dogu thời kỳ Jomon, bình gốm thời kỳ Yayoi, thế kỷ 1 - 5, hay tượng ngựa Haniwa thời kỳ Kofun, thế kỷ 6; đến những đồ đồng cổ đại Nhật Bản như kích đồng thời kỳ Yayoi, thế kỷ 3 TCN - thế kỷ 2 SCN, chuông đồng thời kỳ Yayoi, thế kỷ 2 SCN, gương đồng thời kỳ Kofun, thế kỷ 6.

Từ những tượng Di Lặc Bồ Tát thời kỳ Heian, thế kỷ 12, tượng Bồ Tát thời kỳ Heian, thế kỷ 10, tượng Phật A Di Đà, thời kỳ Kamakura, thế kỷ 12 - 14, tượng Thiên Vương thời kỳ Kamakura, thế kỷ 13 của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Nhật Bản, đến những vật dụng sử dụng trong các nghi lễ Phật giáo có niên đại từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 16 như ích trượng, bình nước, kim cương linh, kinh Phật, gương đồng... Trưng bày cũng giới thiệu những hiện vật liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông của Nhật Bản nửa sau thế kỷ 13. Những hiện vật gốm sứ Nhật Bản thời kỳ Edo (thế kỷ 17 - 18), những hiện vật liên quan đến nghệ thuật Samurai như mũ giáp kiểu Gusoku của gia tộc Samurai Kuroda, thời Edo, thế kỷ 18, thanh kiếm kiểu Hyougo - gusari - tachi, thời Kamakura, thế kỷ 13; trâm cài tóc, kiếm ngắn Kozuka, tay chắn kiếm, phụ kiện trang trí chuôi kiếm thời Edo, thế kỷ 19…
Giao lưu giữa hai nền văn hóa


Từ xa xưa, Việt Nam - Nhật Bản đã có truyền thống giao lưu văn hóa, thương mại với nhau. Nhiều hiện vật liên quan đến truyền thống giao lưu văn hóa, thương mại giữa hai nước được giới thiệu với công chúng như quốc thư của chính quyền Chúa Nguyễn gửi chính quyền Hideyoshi (Nhật Bản) để đặt quan hệ giao thương, niên hiệu Quang Hưng thứ 14, thời Lê Trung Hưng, 1591; Châu Ấn trạng (giấy phép đóng dấu đỏ) do Mạc Phủ Tokugawa cấp cho Châu Ấn Thuyền tới An Nam quốc (Đàng Trong) buôn bán từ năm 1614; Tranh vẽ “Châu Ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng” vẽ cảnh Châu Ấn thuyền vượt biển tới đàng trong (miền Trung Việt Nam ngày nay) buôn bán vào thế kỷ 17 - 18, Tranh “Vạn quốc nhân vật”, vẽ các tộc người trên thế giới, người Việt Nam và người Nhật Bản cùng xuất hiện trong tranh ở thế kỷ 17… hay các sưu tập hiện vật có được trong quá trình trao đổi di sản văn hóa và các tác phẩm nghệ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản như sưu tập mặt nạ Nô và Kyogen, sưu tập chắn tay kiếm, đĩa sứ Nabeshima thế kỷ 17…

Theo ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, các hiện vật có mặt tại trưng bày này là những minh chứng rõ nét về mối quan hệ bang giao mật thiết và những thành quả hợp tác trao đổi văn hóa giữa hai nước Việt Nam -Nhật Bản đã bắt đầu từ rất sớm.


Ngoài ra, trong khuôn khổ các hoạt động diễn ra tại trưng bày “Văn hóa Nhật Bản” lần này, nhiều chương trình, hoạt động văn hóa đặc sắc cũng sẽ diễn ra như chương trình “Cool Japan Fukuoka” (từ ngày 18- 21/1), với các hoạt động giới thiệu những nét văn hóa hiện đại của Nhật Bản, trình diễn trang phục thời trang kết hợp chiếu phim hoạt hình, phim nội dung số, phim ngắn của Nhật Bản, tổ chức các cuộc thi hát karaoke, thi Cosplay và các hoạt động trải nghiệm như trưng bày và vẽ truyện tranh Manga, sơn móng nghệ thuật, bới tóc thời trang… Chương trình giao lưu giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, giới thiệu về các ngành công nghiệp mũi nhọn, du lịch, nông sản, thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh Fukuoka (Nhật Bản).

 Sáng ngày 18/1, sẽ diễn ra chương trình Workshop hướng dẫn cách làm và chơi các trò chơi dân gian truyền thống Nhật Bản như con quay Koma, trò chơi cầu lông truyền thống của trẻ em Nhật Bản vào kỳ nghỉ năm mới, trò chơi tung bóng, chong chóng giấy, chuồn chuồn được làm bằng tre, mặc áo truyền thống của Nhật Bản… Qua hành trình khám phá này, công chúng Việt Nam có cơ hội tìm hiểu, khám phá cuộc sống, con người, văn hóa, lịch sử của Nhật Bản từ xưa đến nay.


Bài và ảnh: Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN