Họa sĩ Phan Cẩm Thượng - Người vẽ văn minh vật chất người Việt

Đôi khi họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã phải bẻ cong một số chi tiết của đồ vật để có thể mô tả đúng nó trong cuốn “Văn minh vật chất của người Việt”. Những hình vẽ minh họa của ông, về mặt tư liệu, ở một góc độ nào đó thậm chí còn đáng tin cậy hơn phần lời trong cuốn sách.

1. Người thợ vẽ cùng Henri Oger rong ruổi khắp phố chợ cùng quê cách đây hai thế kỷ đã làm một cuộc ghi hình ngoạn mục với cuốn Kỹ thuật của người An Nam. Khi ấy, bản thân Oger phải vượt qua nhiều khó khăn khi tổ chức thực hiện cuốn sách được coi như “Bách khoa thư” đậm chất dân tộc học của người An Nam đương thời. Oger cũng được đánh giá như một nhà nghiên cứu giàu tham vọng hiểu sâu sắc xã hội thuộc địa lúc bấy giờ nhìn từ góc độ dân tộc học. Tham vọng đó, ông đã không thể giấu nổi, thậm chí còn bộc lộ qua chỉ trích thái độ coi thường của các học giả đương thời với dân tộc nhỏ bé mà đa màu sắc văn hóa này.

Cối xay lúa.

Các loại thúng, rổ bằng tre.


Sau này, trong lời nói đầu cuốn sách của mình, Oger viết: “Tác giả đã đặt ra nhiều câu hỏi về kích thước, về một cái tên đặc biệt, về cách làm ra một công cụ hay đồ nghề. Người thợ diễn tả chậm động tác sử dụng công cụ. Họa sĩ ngay lập tức vẽ phác hình ảnh đó, và tất cả những công đoạn sau”.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng, gọi những diễn đạt của người thợ ấy là cách nhìn của thế kỷ thứ 19. Cách nhìn này cực kỳ hồn nhiên, tài khéo. Điều quan trọng, ở thời đại của chúng ta giờ đây, theo ông Thượng, chẳng còn ai có thể nhìn theo lối ấy được nữa.

2. Ngoài một số hình vẽ trích từ cuốn Kỹ thuật của người An Nam, trong cuốn Văn minh vật chất của người Việt, ông Thượng cũng sử dụng hình vẽ của chính mình. Những hình vẽ của ông không mô tả sinh hoạt của con người. Nó chỉ chủ yếu mô tả sự vật để người đọc dễ hình dung. Phải đặt yêu cầu này lên cao bởi ông “khoanh” tác phẩm của mình trong trường kỳ lịch sử. Thêm vào đó, cuốn sách cũng chỉ mô tả văn hóa vật chất của đồng bằng sông Hồng và sông Mã. Do đó, việc dùng hình vẽ để khu biệt những khác biệt văn hóa vùng là điều tối cần thiết. Đặc biệt là khi phần chữ của ông còn có những “tư biện” theo lời nhà nghiên cứu Nguyễn Quân. Hình vẽ mô tả cụ thể giúp cân bằng sự tự suy, tự ngẫm, giúp độc giả hiểu rõ chuyện hơn.

Giỏ đựng cá.


3. Cách nào đó, những hình vẽ của Phan Cẩm Thượng trong tập sách gần với “vẽ ghi”, ký họa nhằm lưu giữ tư liệu. Có điều, ông cũng phải cân đong để cân bằng lối vẽ giữa phương thức khác nhau. Chẳng hạn, làm sao để không rơi vào hình vẽ khoa học. Làm sao để tả được chất của sự vật. Và làm sao để vẫn có thể giữ chút nét hồn nhiên của sách. Nếu yêu cầu tả chất thật dễ hiểu thì sự hồn nhiên, lại thực sự cần thiết để đạt mục đích của ông Thượng- “kể cho người trẻ nghe qua giọng kể một bà già, giống như trong Trăm năm cô đơn”.

Chính vì thế, thay vì hoàn toàn tả khối như trong những bài học hình họa, ông Thượng kết hợp chúng với những nét vẽ dân gian. Đôi khi, ông thừa nhận, cũng phải “bẻ hình” ngửa ra để dễ hình dung. Chẳng hạn, với cái khung dệt có hai bàn đạp nằm ở giữa tít trong gầm, ông phải “lôi” nó ra phía ngoài để mô tả cho dễ. Hoặc có những tay cầm phải vẽ hơi vênh một chút.

Nhưng đó mới chỉ là những cái khó về cấu trúc. Để tả chất của sự vật còn khó khăn hơn, làm sao để cảm nhận cái nào là gốm, cái nào là sứ. Về chất của sự vật, trong cuốn sách, theo ông, khó nhất là vẽ mấy cái đòn gánh. Chúng cùng thẳng đuỗn giống nhau mà chẳng giống cái gì cả. Trong khi, ông phải mô tả tới 4 loại đòn gánh: Đòn gánh có mấu, đòn gánh trơn, đòn càn, đòn xóc…

Hoặc giả, làm thế nào để vẽ được chiếc rìu sắc. Rìu có dây quấn, cán gỗ, lưỡi sắt. Làm thế nào để người xem phân biệt những chất liệu như trên. Họa sĩ phải làm việc tả cảm giác bằng cảm giác. Và vì là cảm giác nên sự vẽ cũng rất nghịch. Chất của cái rìu là sắc, nhưng khi vẽ, phải vẽ nó mẻ đi thì người xem mới có cảm giác nó sắc. Giống như việc vẽ hình tròn thì đừng cố vẽ quá tròn. Vẽ ra chất đến mức, nếu nhìn cái quạt thì tưởng ảnh chụp, không phải hình vẽ.

4. Phần lớn minh họa, ông Thượng vẽ trực tiếp, gặp đâu vẽ đó. Ngày tới bảo tàng ở Huế, ông thậm chí còn bị ngăn lại vì cô nhân viên thấy ông vẽ… giống quá. Nhân viên Bảo tàng Lịch sử cũng được mùa “bội thu” vé của ông lão râu dài ngày hai buổi đến bảo tàng ngồi cặm cụi vẽ hiện vật trong suốt cả năm ròng. Mỗi lần vào, ra mất hai mươi nghìn đồng. Trưa về ăn cơm, chiều đến lại đóng tiền lần nữa. Chỉ có, Bảo tàng Dân tộc học là “có duyên” với ông hơn cả, khi tại đây, ông được tặng một chiếc vé miễn phí 3 tháng.


Ông Thượng nói đùa, những hình vẽ đồ dùng sinh hoạt hàng ngày này, khi làm tranh, cứ bí quá chẳng biết vẽ gì là ông “điền vào”. Còn ngạch những vật dùng trong cung đình, ông Thượng sẽ dùng vào việc khác, công bố vào dịp khác.

Sau cuốn Văn minh vật chất của người Việt, họa sĩ sẽ ra mắt những bức ông “đồ lại” một số phong tục tập quán của người Việt qua những gì đã nghiên cứu bấy lâu. Triển lãm sẽ “rình” ra mắt vào Tết Âm lịch năm nay, phần để Viet Art trống mới có chỗ bày, phần vì muốn tặng người xem cảm giác ấm cúng, thực sự dân tộc. Nhiều khả năng, trong đó sẽ có hình vẽ ông làm cho phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long. Trong đó, ông họa những người cởi trần đóng khố xăm trổ kỳ công theo đúng kiểu người Việt “đối phó” với nóng nực, quen bơi lội như rái cá. Thế nhưng đoàn làm phim không dùng. Họ bảo, (quay ở Trung Quốc) lạnh thế này thì chẳng làm sao mà làm được, rồi xoay ra mặc những bộ giáp cồng kềnh. Có bộ, ôi chao, nặng tới 12 cân.

Kiều Trinh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN