Một năm ngày “người thơ” cuối của Thi nhân Việt Nam ra đi:

'Hãy mường tượng một người thơ đang sống!'

“Anh rõ trước sẽ có ngày cách biệt/ Nghe như gần song vẫn thiệt xa khơi/ Lau mắt đi đừng cho lệ đầy vơi/ Hãy mường tượng một người thơ đang sống!” - lời giã biệt ngậm ngùi mà rắn rỏi của Hàn Mặc Tử không phải chỉ cho riêng mình ông mà còn là tiếng vọng của cả một "thời đại thi ca" của phong trào Thơ mới. Đó dường như cũng là khúc ai điếu cho “người thơ" cuối cùng của Thi nhân Việt Nam - cố nhà thơ Xuân Tâm. Ông đã theo "những người muôn năm cũ" rời "cõi tạm" gần một năm. Song “lời tim non” của một chàng trai trẻ từ 7 thập kỷ trước vẫn khiến người yêu thơ thổn thức bồi hồi.


1. Cố nhà thơ Xuân Tâm, tên thật là Phan Hạp quê ở Quảng Nam. Ông sớm nổi tiếng với những vần thơ trẻ trung, sâu lắng trong tập thơ đầu tay Lời tim non (1941). Sau đó, Xuân Tâm được Hoài Thanh - Hoài Chân chọn vào cuốn Thi nhân Việt Nam - cuốn sách điểm những gương mặt tinh tú nhất của phong trào Thơ mới.


Ngoài nhà thơ T.T.Kh không xác định được thì sau sự ra đi của nhà thơ Tế Hanh năm 2009, Xuân Tâm trở thành người đại diện cuối cùng của "thời đại thi ca" (chữ dùng của Hoài Thanh). Tạo hóa tài tình khi đặt Xuân Tâm là vệt sáng cuối của ngôi sao băng Thơ mới vụt qua trên bầu trời văn học Việt Nam lấp lánh tinh tú. Bởi cả cuộc đời của người thơ ấy hồ như chỉ có mùa xuân và sự tươi mới- điều mà Thơ mới luôn hướng tới và ngợi ca.


Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết/ Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về/ Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ Ôi tất cả mùa xuân trong mùa Hạ (Nghỉ hè). Sức xuân căng tràn nặng trĩu trong 4 câu thơ có thể xem như tuyệt bút của cố nhà thơ. Như một định mệnh, thi sỹ có bút danh Xuân Tâm nổi tiếng với những vần thơ tuổi xuân, sinh ra vào mùa xuân (1/1/1916) và ra đi cũng vào mùa xuân (4/2/2012). Một sự ngẫu nhiên đầy đặn, vẹn toàn của số mệnh cho thi nhân cuối cùng trong "cuốn sách danh vọng" của Hoài Thanh - Hoài Chân. Và sự xuân sắc điệp trùng trong số mệnh của người thơ cuối phải chăng là sự khẳng định về giá trị vĩnh hằng của một phong trào thơ nhất khứ bất phục hoàn?


2. Những sự trùng hợp lạ kỳ về mùa xuân trong số phận của nhà thơ cuối cùng của Thi nhân Việt Nam khiến người viết không khỏi nhớ tới hai câu thơ trong bài Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền Sư: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua xuân trước một nhành mai.) Hay những triết lý sâu thẳm về vòng tuần hoàn vô thủy vô chung của cõi trời đất trong tuyệt tác Spring, Summer, Fall Winter... and Spring (Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân) của đạo diễn Kim Ki Duk. Hình ảnh cánh cổng lớn của ngôi cổ tự trong bộ phim của đạo diễn xứ Hàn cứ mở ra những mùa khác nhau khiến người xem lại hình dung về quá trình thịnh suy luân hồi của tạo hóa (mà Thơ mới không là ngoại lệ)


Trong Thi nhân Việt Nam, đoạn viết về Xuân Tâm, Hoài Thanh bình luận về lối viết đặc sắc này: "Đứng trước cuộc đời, Xuân Tâm có vẻ dè dặt. Cảnh trời hay tình người, Xuân Tâm chỉ muốn hưởng ở xa xa. Có khi mơ tưởng cảnh Đế Thiên, người thấy những tượng đá thử thách thời gian. Nhưng thời gian chịu thua: Mưa không tuôn, gió lặng, sấm không vang,/ Trời nhạt nhạt sắp buông lời thân thiện… Ấy, bất cứ đề tài gì lời thơ vẫn một giọng nhẹ nhẹ, êm êm. Nó chầm chậm đi vào hồn ta như một buổi chiều Xuân Diệu".


Và cái "nhẹ nhẹ, êm êm" mà đầy cá tính riêng ấy, ta bắt gặp dáng dấp của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, người có mặt ở trang mở đầu của Thi nhân Việt Nam với vai trò "bắc cầu giữa hai thời đại". Mùa xuân trong thơ Tản Đà lại "chầm chậm" truyền sang cho Xuân Tâm kết thúc một vòng tuần hoàn giá trị bất diệt như bốn mùa của trời đất.

Nhà thơ Xuân Tâm tên thật là Phan Hạp, sinh năm 1916, tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, Quảng Nam. Ông có năm người con. Trong đó, người con trai đầu là Nhà báo liệt sĩ Phan Hoài Nam, Phóng viên chiến trường của TTXVN hợp với ông hơn cả vì cũng có khiếu văn chương.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông làm Giám đốc Sở Ngân khố Liên khu Năm. Tập kết ra Bắc, ông công tác tại Ban kinh tế Chính phủ, sau đó là Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho đến khi nghỉ hưu (1978).

Năm 25 tuổi ông xuất bản tập thơ đầu tay Lời tim non. Sau đó ông được giới thiệu trong cuốn Thi nhân Việt Nam hai bài thơ, trong đó bài Nghỉ hè từng được giải Nhất báo Bạn đường năm 1941. Năm 1990, Xuân Tâm xuất bản tập thơ thứ 2 mang tên Dòng thời gian. Năm 1999, ông dịch cuốn Le Cid của thi hào cổ điển Pháp Pierre Corneille. Ông mất ngày 4/2/2012 tại Hà Nội.

3. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh có băn khoăn: "Tôi không rõ Xuân Tâm, người học trò xứ Quảng ấy có phải lòng một cô gái Huế không? Nhưng cảnh Huế cũng là một cô gái và cô gái này quyến rũ lòng non trẻ của Xuân Tâm". Kỳ thực, việc chất Huế thấm đẫm trong những vần thơ của Xuân Tâm là một điều không quá khó hiểu. Bởi chuyện tình giữa ông (từ khi còn là một chàng thi sỹ trẻ) và người nữ sinh Đồng Khánh sau thành người bạn đời của ông đã như một giai thoại trong làng thơ. Trong lời tựa của tập thơ Dòng thời gian, Tế Hanh đã nhận định may mắn của Xuân Tâm là yêu và được yêu. Và chính tình yêu nên thơ của nam sinh Quốc Học và nữ sinh Đồng Khánh dưới khung cảnh sông Hương, núi Ngự đã kết lên một hồn thơ thanh tao cao vợi: Tựa chim ríu rít bên nhau/ Những tà áo nhẹ bay trong cánh gió/ Hoa Hải đường như môi son ai trước ngõ/ Hé miệng chào đoàn áo tím đi qua (Áo tím).


Tuy lúc đó chưa biết rõ về mối tình của Xuân Tâm song Hoài Thanh cũng đoán định được điều này qua thơ của chàng trai xứ Quảng: "Mặc dầu cảnh Huế cơ hồ Xuân Tâm không nói đến, không khí sông Hương núi Ngự vẫn man mác trong thơ Xuân Tâm. Tìm kiếm Xuân Tâm hoài, tôi chỉ thấy một ít Xuân Diệu, một ít Huy Cận và rất nhiều Huế. Một Xuân Diệu không tha thiết, một Huy Cận không buồn mênh mông, một xứ Huế không có cái bâng khuâng của Phan Văn Dật, cái vẻ tài hoa của Nguyễn Đình Thư, cái dáng non yếu của Mộng Huyền, cái vẻ ngây thơ của Thu Hồng, cái ẩn ước của Thanh Tịnh. Huế ở đây trong sạch, đứng đắn và nhất là có chừng mực. Nhà văn Pháp Pujarnische viết về Huế có câu: "Thành phố mỉm cười khi thương đau, thở than khi vui vẻ".


Quả có thế. Vui hay buồn ở Xuân Tâm đều có vẻ dịu dàng vừa phải. Ta hãy xem khi người buồn: Đám cưới người ta vui-vẻ nhỉ;/Pháo tràng gieo đỏ tiệc liên miên;/ Riêng tôi đi tránh, buồn và nghĩ:/- Cảnh ấy nào đâu phải cảnh tiên.


Và khi vui: Thấy chiều, hớn hở tôi ra đón/ Như đứa trẻ con thấy mẹ về/ Chiều buồn, chiều đẹp, chiều mơn trớn/ Chiều ru êm ái khúc lòng tê.


Rồi Hoài Thanh kết luận: Trong tâm hồn Huế - Xuân Tâm, "vui hay buồn cũng phảng phất như nhau".


4. Trời lắc rắc hạt mưa xuân nhắc nhở người yêu thơ về sự lạnh lùng của thời gian. Thấm thoắt đã một năm đất nước hoàn toàn vắng bóng thi nhân. Nhân dịp này, nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản cuốn sách Xuân Tâm lời tim non vọng mãi. Cuốn sách gồm 6 phần chính khúc chiết, hấp dẫn về cuộc đời, sự nghiệp và những tác phẩm của người thơ cuối cùng - Xuân Tâm. Nó không chỉ khơi gợi ta nhớ về sự tồn tại của một con người, một hồn thơ. Nó còn chứa đựng cả những hấp lực dữ dội của thời quá khứ vàng son của thơ tình: Sao khóa tình yêu với kết hôn?/ Hẳn là ngớ ngẩn mới đem chôn/ Những giờ thương nhớ khi xa vắng./ Những phút chờ mong, hồn gọi hồn…



Lệ Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN