“Hàng rào của hai nhà” và bi kịch của tình người bị tha hóa

Cái hàng rào ấy là nơi Vàng và Chén hẹn hò. Là nơi tối tối Vàng ngồi đập muỗi chờ Chén mang quần áo ra giặt. Là nơi Chén nói cho Vàng biết cô đã mang thai, cái thai đã đến tháng thứ tư rồi, Vàng phải bảo bố mẹ sang "có lời" đi chứ.

Một cảnh trong vở diễn “Hàng rào của hai nhà”.


Cái hàng rào ấy cũng lại là nơi mẹ Vàng và mẹ Chén ra lườm vào nguýt, bố Vàng và bố Chén lời qua, lời lại. Cũng chỉ tại làng xóm của họ giờ đã khác, cơn sốt đất ào về, khiến mảnh đất "chó ỉa" của nhà Vàng thành ra tiền tỉ, tuần này 7 chỉ một m2, tuần sau đã lên 1 cây một m2. Nhà Vàng đổi đời, xây nhà cao, cửa rộng, cột chình ình. Bố Vàng suốt ngày rượu chè, mẹ Vàng lo giấu tiền, giấu vàng hết trong thúng này, thúng kia. Nhà Chén không được cái niềm vui lớn lao thế, vẫn nghèo, vẫn hèn. Bố Chén vẫn cần mẫn ngồi đan rổ, đan rá. Mẹ Chén vẫn đầy hậm hực vì ngày ngày nhà ông Tiền (bố Vàng) mở nhạc rõ to, ầm ầm khoe của...

Cái hàng rào lại cũng là nơi bố mẹ hai bên trong cơn nóng giận cãi cọ, rồi bố Vàng vì lỡ tay đâm chết bố Chén. Bi kịch thật sự đã xảy ra bên cái hàng rào...

Kịch bản “Khi giàn mùng tơi gãy dập” của tác giả Nguyễn Hiếu đã được Hội Nghệ sĩ Việt Nam trao giải B trong cuộc thi tìm kiếm những kịch bản hay cho sân khấu năm 2010. Và đạo diễn NSND Lê Hùng đã gặp tác giả kịch bản văn học Nguyễn Hiếu ở một điểm: Cái nhìn đầy biện chứng trong tác phẩm nghệ thuật về hiện thực cuộc sống, phản ánh được đúng tình hình thời sự nóng hổi ngày hôm nay. Vở diễn “Hàng rào của hai nhà” đã ra đời từ đó, với diễn xuất của ê kíp diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam.

Bi kịch, nước mắt theo đuổi các nhân vật trong suốt cả vở diễn. Bi kịch của sự tha hóa vì đồng tiền, vì đột nhiên giàu lên. Bố mẹ Vàng cuối cùng cũng "của thiên trả địa", mất hết tiền của vì chạy tội giết người. Bố chết, anh trai sẵn sàng nhận 50 triệu để "bãi nại" cho người giết bố mình, Chén chỉ còn biết khóc thầm trong lòng. Bạc, ông Trưởng công an xã, em trai của ông Tiền, kẻ tha hóa và lũng đoạn cả xã hội ở vùng quê yên ả, cuối cùng là kẻ được lợi nhất khi ẵm trọn số tiền bán đất của anh trai. Hai kẻ trong sáng nhất trong vở diễn: Vàng và Chén, chỉ còn con đường ra đi, vì "Đây không còn là làng của mình nữa rồi”.

Thông điệp vở diễn và cái kết lửng như một câu hỏi khiến nhiều khán giả phải suy ngẫm về bi kịch của xã hội hiện đại ngày hôm nay: Đồng tiền làm tan vỡ tất cả và không sự thay đổi nào đáng sợ bằng sự thay đổi bản chất con người. Với diễn xuất của các nghệ sĩ tài năng như: Quốc Khánh, Quế Hằng, Danh Nhân, Lâm Tùng, Hồ Liên, Lệ Ngọc… đây thực sự là một vở diễn đáng xem.

P.V


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN