Giữ 'hồn' lễ hội chọi trâu

Sự cố trâu chọi húc chết chủ trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn khiến dư luận một lần nữa lại đặt câu hỏi về việc loại bỏ các yếu tố mang tính bạo lực, không phù hợp trong lễ hội hiện nay.

Biến tướng

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2013. Đây là một lễ hội truyền thống của người dân làng chài ở vùng biển Đồ Sơn, Hải Phòng diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) có từ hàng trăm năm trước, gắn với nhiều truyền thuyết khác nhau. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, người xưa tạo nên hội chọi trâu như là một cách cầu mong trời đất, cho thủy triều lên xuống hợp lý, cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tạo thuận lợi cho thuyền bè đi xa.

Bản thân lễ hội chọi trâu không xấu, mà nó bị biến tướng, bị thương mại hóa trong quá trình tổ chức, cần phải chấn chỉnh.

Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, con trâu thắng được đưa lên mảng, kéo ra biển, làm vật tế thần biển, mong thần biển phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng. Một ý nghĩa nữa của lễ hội, là con trâu gắn với nông nghiệp, với tục thờ mặt trăng, tạo sự sinh sôi nảy nở với ý nghĩa phồn thực, cầu mong mùa màng bội thu... Những giá trị văn hóa của lễ hội chọi trâu yếu tố văn hóa đậm nét ấy, mà chọi trâu Đồ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo các tư liệu để lại, lễ hội chọi trâu được tổ chức khá trang trọng, từ lễ tế thần, đến lễ rước nước. Trước khi diễn ra chọi trâu, có màn múa cờ... diễn xướng chọi trâu thực chất chỉ là một phần trong lễ hội này.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một lễ hội văn hóa giàu giá trị truyền thống, nhưng đang dần bị biến tướng, làm phai nhạt ý nghĩa truyền thống vốn có của nó. Phần lễ vẫn được thực hiện, nhưng phần hội - phần chọi trâu đang bị lợi dụng, bị làm sai lệch so với nguyên gốc, làm mất đi giá trị văn hóa của nó. Cụ thể, việc BTC quá chú trọng vào việc tổ chức chọi trâu, bán vé cho người xem, thu tiền của chủ trâu chọi... rồi việc bán thịt trâu chọi với giá cao (hàng triệu đồng/kg)... đã làm méo mó giá trị văn hóa của lễ hội, biến hoạt động này thành hoạt động kinh doanh, trục lợi lễ hội. Nói như nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, chọi trâu Đồ Sơn giờ chỉ là một trò chơi kích thích sự hiếu kỳ của con người, núp bóng lễ hội văn hóa, mượn danh tinh thần thượng võ để trục lợi, chứ không còn là một lễ hội văn hóa truyền thống theo đúng ý nghĩa như cha ông tạo ra.

Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ hội chọi trâu khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, nghĩa là phải có giá trị nhất định về mặt văn hóa, tâm linh, thỏa mãn được nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội, nhưng cách tổ chức như hiện nay gần như coi nhẹ phần lễ, việc quảng bá, giới thiệu các giá trị tín ngưỡng, tâm linh, văn hóa của lễ hội ít được đề cập đến, mà chủ yếu nhấn vào phần hội chọi trâu. Phần chọi trâu chỉ là phần nhỏ của lễ hội, nhưng hiện nay lại được coi trọng hơn, tức là việc tổ chức đang lệch ra khỏi hồ sơ lễ hội đã được công nhận. Hầu hết các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa khi được hỏi đều cho rằng, việc tổ chức lễ hội chọi trâu như hiện nay đang làm sai lệch, biến tướng lễ hội theo hướng có biểu hiện trục lợi, mang nặng yếu tố thương mại.

Gìn giữ giá trị nguyên gốc

Từ sự cố đáng tiếc ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vừa qua, dư luận xuất hiện nhiều luống ý kiến về việc nên hay không nên tổ chức lễ hội như chọi trâu. Nhiều ý kiến cho rằng nên cấm, vì những lễ hội như vậy mang nặng tính bạo lực, không an toàn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, lễ hội truyền thống có giá trị văn hóa, không nên cấm. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đoàn kiểm tra, và yêu cầu các đơn vị chức năng của Hải Phòng rà soát lại công tác tổ chức, trong đó, chú trọng đến việc đưa lễ hội chọi trâu trở về đúng với bản chất văn hóa truyền thống, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, đời sống lành mạnh của cộng đồng.

Sở Văn hóa, Thể thao Hải Phòng cũng kiến nghị tiếp tục được tổ chức lễ hội chọi trâu, trên tinh thần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa, nhấn mạnh việc tổ chức các nghi lễ truyền thống; tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử về các hoạt động tại lễ hội chọi trâu; đồng thời, rà soát, chỉnh sửa bổ sung quy chế tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn để đảm bảo theo truyền thống, và đảm bảo an toàn cho người điều khiển và khách tham quan.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền, hiện nay, ở nhiều địa phương vẫn duy trì lễ hội chọi trâu truyền thống, và họ vẫn giữ được những nét đẹp của lễ hội này. Đơn cử như nghi thức chọi trâu như ở vùng Hiếu Giang bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), người ta chọi trâu bằng cách cho để hai người đàn ông khỏe mạnh đội 2 đầu con trâu giả húc nhau... những giá trị tốt đẹp như vậy, cần được gìn giữ, cần được tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân. Từ góc độ văn hóa, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bản thân lễ hội chọi trâu không xấu, mà nó bị biến tướng, bị thương mại hóa trong quá trình tổ chức.

Theo TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Dân gian Việt Nam, việc lễ hội bị biến tướng, lỗi đầu tiên ở BTC, do chạy theo yếu tố kinh doanh lễ hội. Ông Sơn cho rằng, những lễ hội đã có từ hàng ngàn năm, từ lễ hội làng trở thành lễ hội vùng, nên không tránh khỏi những thay đổi. Điều quan trọng là phải tổ chức lễ hội như thế nào, ứng xử với lễ hội như thế nào cho phù hợp. Lấy ví dụ từ lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, cấm chém lợn, thế nhưng người dân phản đối, thay vào đó đã tổ chức chém lợn ở chỗ kín đáo hơn. Hay như lễ hội Cầu Trâu xã Hương Nha (Phú Thọ) đã không tổ chức nghi thức đập đầu trâu, mà thay bằng nghi thức thực hành trình diễn; lễ hội Đông Cuông (xã Thanh Khương, Văn Yên, Yên Bái) bỏ tục treo cổ trâu... là những lễ hội đang loại bỏ yếu tố bạo lực cho phù hợp với thời đại.

Không theo cam kết, lễ hội chọi trâu sẽ bị xem xét ra khỏi danh mục di sản Ngày 7/7, Cục Văn hóa cơ sở có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo sẽ rà soát quy trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đã được cam kết tại Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nếu các biện pháp không thực hiện theo cam kết, Cục Di sản văn hóa và Hội đồng thẩm định sẽ nghiên cứu, tham mưu Bộ trưởng xem xét khả năng đưa Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn ra khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.


Phương Hà/Báo Tin Tức
Xem xét khả năng đưa Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn ra khỏi danh mục di sản
Xem xét khả năng đưa Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn ra khỏi danh mục di sản

Sẽ rà soát, kiểm tra quy trình thực hành Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, nếu các biện pháp bảo vệ không được thực hiện theo cam kết, Cục Di sản văn hóa và Hội đồng thẩm định sẽ nghiên cứu, tham mưu Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét khả năng đưa Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn ra khỏi Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN