Duyên nợ 20 năm của Nhà hát Tuổi trẻ với sân khấu Nhật Bản (kỳ cuối)

Từ ngày 21/8 – 10/9, tại Nhật Bản đã diễn ra Festival sân khấu quốc tế Toga 2015. Đây là một liên hoan sân khấu đặc biệt của Nhật Bản, bởi người khởi xướng và tạo dựng ra liên hoan sân khấu này là một trong những gương mặt đạo diễn lão làng của sân khấu Nhật – đạo diễn Tadashi Suzuki, người được mệnh danh là tạo ra phong cách sân khấu Thiền Nhật Bản.


Kỳ cuối: Tận mắt xem sân khấu Thiền nổi tiếng xứ Phù Tang


Festival sân khấu quốc tế Toga được tổ chức lần đầu vào năm 1982 và cho tới nay, đã nhiều lần được tổ chức tại Toga, Nhật Bản. Năm nay là kỷ niệm 40 năm sân khấu Thiền Nhật Bản này được thành lập, khởi xướng. Và đây cũng là năm đầu tiên, BTC Festival đã mời đại diện của Việt Nam tham dự. Đoàn đại biểu của Việt Nam gồm tôi, ông Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu Điện ảnh và đạo diễn Phan Trọng Thành - Chủ nhiệm Khoa sân khấu của trường ĐH sân khấu Điện ảnh. Bên cạnh đó là hai sinh viên Minh Anh và Quốc Quân của trường ĐH SKĐA, được mời sang tham dự khóa đào tạo 2 tuần về phương pháp sân khấu Thiền của Nhật Bản.


Các lán trại dành cho khách tới Toga xem biểu diễn


Festival sân khấu quốc tế Toga 2015 gồm 6 vở diễn, đều do đạo diễn Tadashi Suzuki đích thân dàn dựng. Bên cạnh đó là 4 chương trình biểu diễn của các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc. Tổng cộng có 10 chương trình biểu diễn, tại 3 sân khấu trong nhà và ngoài trời của vùng Toga. Theo thông báo của BTC, trong suốt 20 ngày của Festival, dự kiến sẽ thu hút khoảng 8.000 lượt khán giả tham dự, nhiều khách quốc tế đã bay tới tham dự liên hoan. Rất nhiều đạo diễn, nghệ sĩ nổi tiếng của các Nhà hát ở Tokyo cũng xuống xem.


Một trong những slogan nổi tiếng của Festival mà tôi rất tâm đắc và ngưỡng mộ là: “Thế giới không phải chỉ là Nhật Bản. Nhật Bản không phải chỉ có Tokyo. Hãy đến nhìn thế giới ở tại Toga”, thật sự là một khẩu hiệu đầy kiêu hãnh. Và khi tham dự Festival, có 3 điều tôi thấy đặc biệt nhất và đúng như là slogan mà BTC Festival đưa ra.


Tập huấn về sân khấu Thiền cho các nghệ sĩ đến từ các nước


Thứ nhất, phương pháp sân khấu Thiền của Tadashi Suzuki được ông khởi xướng và điều khiến sân khấu Thiền trở thành một dấu ấn mang đậm phong cách Nhật Bản trong sân khấu biểu diễn, chính là ở chỗ ông đã đưa phương pháp tập huấn về nghệ thuật biểu diễn cho diễn viên ở sân khấu kịch Nô, sân khấu Kabuki vào việc dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm có tính chất kinh điển của thế giới như vở “Vua Lia” của Sexpia, hoặc các vở “Những người đàn bà thành Troa”, từ kịch bản của Euripides; vở kịch nổi tiếng “Electra”, rồi những vở nổi tiếng như “Cinderella” (Nàng Lọ Lem)…


Các nghệ sĩ Việt Nam và đạo diễn Mano của Nhà hát KAAT cùng đến xem sân khấu Thiền


Thứ hai, sân khấu Thiền của Tadashi Suzuki không thiên về góc độ cảnh trí, hình thức sân khấu cũng theo hình thức sân khấu Nô và Kabuki, khi sử dụng không gian sân khấu đi từ hai bên vào và chuyển động cũng theo một không gian sân khấu có trình tự nhất định, giống như trong sân khấu cổ truyền của Nhật Bản là Nô và Kabuki. Cụ thể, sân khấu biểu diễn là căn nhà 1 tầng thấp, không có cảnh trí, chủ yếu thể hiện bằng chuyển động của diễn viên và thông qua đài từ của diễn viên, đó là hai yếu tố cơ bản nhất, mang tính chất trìu tượng, khiến cho khán giả thấy được sự khác biệt so với các sân khấu mang tính chất hiện thực của phương Tây.


Một cảnh trong vở Cinderella



Thứ ba, sự khác biệt của sân khấu Thiền với các nghệ thuật sân khấu khác là Tadashi Suzuki chấp nhận sử dụng rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, nói những ngôn ngữ khác nhau trong cùng một vở kịch, như vở “Vua Lia” có tới 5-6 nghệ sĩ mang quốc tịch Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức. Diễn viên nước nào nói câu thoại bằng tiếng của nước ấy,còn vở diễn thì có phụ đề bằng tiếng Nhật Bản, khi lưu diễn trên thế giới thì có phụ đề tiếng Anh. Khán giả ở đây được phát trước kịch bản để có thể hiểu được nội dung của tác phẩm, cảm nhận nó qua sự thể hiện của nghệ sĩ, diễn viên ở các sắc độ của đài từ. Và điều đặc biệt, ở trên sân khấu, sự khác biệt về ngôn ngữ giữa diễn viên các nước gần như bị xóa nhòa, không còn cảm giác về ranh giới về ngôn ngữ; tất cả người xem chỉ tập trung vào nội dung, thông điệp đằng sau đài từ mà nghệ sĩ diễn viên truyền tải, thông qua sắc độ về giọng nói và sân khấu mang tính biểu hiện nhiều hơn, không có yếu tố kịch tâm lý ở đây.


Một vở diễn tại Festival


Trong Công ty SCOT (Suzuki Compamy Of Toga) của Tadashi Suzuki, các nghệ sĩ, diễn viên mang nhiều quốc tịch khác nhau, ở nhiều nước khác nhau và hàng năm họ tập trung lại tại vùng Toga trong 3 tháng, dịp diễn ra Festival, sau đó lại trở về nước họ, làm công việc độc lập hoặc biểu diễn ở các Nhà hát, các chương trình nghệ thuật khác nhau, không bị ràng buộc vào việc hoạt động ở tại Nhật Bản. Trong 3 tháng tại sân khấu Thiền, họ hàng ngày tập luyện đều đặn cho việc biểu diễn, mỗi ngày 3 tiếng đồng hồ về hình thể, đài từ sâu khấu, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đạo diễn. Dù năm nay Tadashi Suzuki đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông vẫn trực tiếp chỉ đạo từng cử chỉ, sự tập luyện cụ thể trên sân khấu.


Một cảnh trong vở Electra


Còn một điều nữa rất đáng khâm phục là tất cả các nghệ sĩ, diễn viên mang các quốc tịch khác nhau hoạt động trong SCOT, ngoài việc là diễn viên trên sân khấu, ngoài giờ diễn, họ còn là những nhân viên thực thụ, phục vụ từ việc bán hàng, bán đồ lưu niệm, lo việc âm thanh ánh sáng, lo việc mời khách vào rạp trước giờ diễn… những công việc giản dị như những nhân viên bình thường khác. Có thể nói, các nhân viên trong công ty ấy hoạt động như một gia đình, có một sự phân công và thực hiện rất nhiều công việc khác nhau. Mô hình phát triển này khiến cho chúng ta thấy các diễn viên ở VN đang hoạt động mang tính bao cấp quá, chỉ biết việc diễn, không thông thạo các công việc khác trong một nhà hát, một nhóm, một công ty.


Các nghệ sĩ Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm cho sân khấu Việt Nam


Là lần đầu tiên có 1 đoàn đại diện sân khấu VN đến tham dự tập huấn và xem Festival, đạo diễn Tadashi Suzuki đã rất thân mật, chia sẻ tình cảm với chúng tôi. Ông đã gặp gỡ, trao đổi với đoàn và bày tỏ ý nguyện sẽ cử các chuyên viên, nghệ sĩ của ông sang tập huấn cho các nghệ sĩ, diễn viên của Việt Nam về phương pháp sân khấu cổ truyền của Nhật là kịch Nô và Kabuki, là những điều rất cần thiết cho nghệ sĩ, diễn viên trong việc hội nhập và trao đổi với sân khấu Nhật Bản trong tương lai. Chúng tôi đã đặt một kế hoạch với đạo diễn Tadashi Suzuki là có thể trong năm 2016, đề nghị ông chọn lựa và cử các chuyên gia sang tập huấn cho nghệ sĩ NHTT và giảng viên SKĐA về phương pháp huấn luyện nghệ sĩ, diễn viên theo kịch Nô và Kabuki của Nhật Bản, theo phương pháp sân khấu Thiền của Nhật Bản . Tadashi Suzuki đã vui vẻ nhận lời, ông cũng hy vọng trong tương lai, Công ty SCOT của ông sẽ có những nghệ sĩ, diễn viên mang quốc tịch Việt Nam tham gia biểu diễn trong những chương trình quốc tế, biểu diễn tại Nhật Bản và đi lưu diễn trên thế giới.


Nếu điều này thành sự thật, đây sẽ là một cơ hội lớn cho sân khấu Việt Nam nói chung và các nghệ sĩ Việt Nam nói riêng.

Ghi chép của ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ
Duyên nợ 20 năm của Nhà hát Tuổi trẻ với sân khấu Nhật Bản (kỳ đầu)
Duyên nợ 20 năm của Nhà hát Tuổi trẻ với sân khấu Nhật Bản (kỳ đầu)

Suốt từ năm 1995 đến nay, Nhà hát Tuổi trẻ đã đón rất nhiều đoàn nghệ thuật của Nhật Bản, từ ca múa nhạc, nhạc kịch, kịch tâm lý xã hội, kịch câm, múa đương đại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN