Đôi điều trăn trở gửi về Huế thương...

Sau 9 ngày sôi động với các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, Festival Huế, điểm nhấn Năm du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung bộ 2012, đã kết thúc bằng Lễ bế mạc hoành tráng, ấn tượng và mang đậm nét văn hóa của xứ Huế mộng và thơ vào tối 15/4, tại quảng trường Kỳ Đài – Phu Văn Lâu.

Tối 15/4, tại khu vực Phu Văn Lâu - Kỳ Đài diễn ra lễ bế mạc Festival Huế 2012 với chương trình nghệ thuật "Nhịp thở sông Hương". Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Nhìn lại các hoạt động văn hóa, nghệ thuật diễn ra trong mùa Festival này, có thể thấy Festival Huế ngày càng khẳng định được thương hiệu, góp phần đưa di sản văn hóa, tiềm năng du lịch Huế nói riêng, cả nước nói chung hội nhập và lan tỏa. Nhưng, qua mỗi mùa Festival, du khách đến với Huế vẫn thấy có chút gì đó băn khoăn, trăn trở.

“Bữa tiệc văn hóa” đầy màu sắc

Festival Huế 2012 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử" xứng đáng là một bữa tiệc văn hóa đa sắc màu với một loạt các chương trình nghệ thuật hấp dẫn, chất lượng cao, và có hiệu quả xã hội lớn. Các chương trình nghệ thuật đều được dàn dựng công phu, sân khấu thiết kế hoành tráng, nội dung mang đậm tính nhân văn, gần gũi, tôn vinh được giá trị văn hóa các vùng miền của Việt Nam và kết hợp hài hòa với văn hóa truyền thống của nhiều nước trên thế giới.

Có thể thấy ngay từ chương trình khai mạc, các tiết mục nghệ thuật đặc sắc của các vùng miền được kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo, đan xen giữa văn hóa khu vực Bắc miền Trung nói riêng với văn hóa Việt Nam nói chung và với văn hóa của nhiều nước trên thế giới.

Hai lễ hội mới trong Festival năm nay là lễ hội sân khấu hóa “Thiên hạ thái bình” và lễ hội trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt” cũng đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách. Nếu như ở chương tình “Thiên hạ thái bình”, du khách được chứng kiến những phong tục, tập quán, nét sinh hoạt văn hóa của người dân xứ Huế từ thuở mở nước đến dựng nước, qua những hình ảnh người dân lao động cần mẫn chèo thuyền, quăng lưới bắt cá, kĩu kịt đi chợ... thì ở lễ hội trống và nhạc cụ gõ “Âm vang hào khí Việt”, du khách lại được đắm mình trong những tiếng trống rộn ràng, mạnh mẽ từ thời Vua Hùng dựng nước, tiếng trống trận Tây Sơn hào hùng, hay tiếng của bộ nhạc cụ gõ Tây Nguyên, tiếng trống cung đình Huế, tiếng trống múa hội lân rồng...

Hoa hậu Ngọc Hân tham gia đêm bế mạc. Ảnh Thanh Hà - TTXVN


Một trong những thành công của Festival kỳ này là chuỗi các hoạt động văn hóa cộng đồng, các chương trình quảng diễn nghệ thuật trên đường phố... đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Các đoàn nghệ thuật tỏa về các làng quê phục vụ nông dân; đến giao lưu với các em của trung tâm trẻ khuyết tật, vào cả bệnh viện phục vụ những bệnh nhân đang điều trị tại đây... Nhờ Festival, một bộ phận những người thiệt thòi, người nghèo của Huế đã có cơ hội tiếp cận và được hưởng thụ những chương trình văn hóa nghệ thuật có giá trị và đẳng cấp. Và họ đã đón nhận món quà tinh thần đầy ý nghĩa của Festival Huế một cách trân trọng. Họ chính là những khán giả nhiệt thành nhất, vui nhất và tâm đắc nhất của các nghệ sĩ trong kỳ Festival này.

Và đôi điều trăn trở

Không thể phủ nhận những tiến bộ của Festival Huế 2012, song nếu như BTC quan tâm hơn nữa đến khâu tổ chức thì sẽ hạn chế được những hạt sạn không đáng có. Ngay trong ngày khai mạc (7/4), sau khi ra mắt công chúng được vài giờ, họa sỹ Đinh Khắc Thuận sững sờ khi thấy tác phẩm sắp đặt “Nguồn thơ” được làm từ hơn 1.800 con chữ xốp, treo đính chuỗi trên những sợi cước của ông trưng bày tại Nhà kèn trong công viên 3/2 phục vụ cho Festival thơ, đã bị phá tan tành. Họa sỹ Đinh Khắc Thuận cùng các cộng sự đã dựng lại tác phẩm vào ngày 8/4, nhưng do thời gian gấp rút, chất liệu không đủ nên chất lượng tác phẩm không được như ban đầu khiến cả tác giả và người xem đều bức xúc. Một số tiết mục biểu diễn nghệ thuật cộng đồng, chương trình hội thảo đã được BTC lên lịch, in và phát cho tất cả mọi người, nhưng đã bị thay đổi thời gian mà BTC không thông báo rộng rãi, ảnh hưởng tới quá trình tác nghiệp của phóng viên.

Qua 7 kỳ tổ chức, Festival trở thành thương hiệu của xứ Huế, nhiều hoạt động, lễ hội được tổ chức công phu, có chất lượng nghệ thuật cao. Nhưng nhiều du khách đến Huế bây giờ lại thấy tiếc, vì dường như nét dịu dàng, trầm tư của Huế đã bớt đi ít nhiều. Đường phố Huế trong những ngày này đông không kém Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là mấy. Lực lượng xe ôm, bán hàng rong cũng đã biết chèo kéo khách ở mọi chỗ, mọi nơi. Đơn cử như tại quán gà nướng Hiền và một một số quán ăn đêm vỉa hè trên đường Mai Thúc Loan, lúc nào cũng có vài đứa trẻ đeo bám theo du khách, chèo kéo khách mua hàng, nếu khách không mua, thì bọn trẻ lại quay xin đồ ăn của du khách. Chị Vũ Thu Hiền, du khách đến từ Hà Nội lắc đầu buồn bã: “Tôi đến Festival Huế lần này là lần thứ 3, nhưng những kỳ trước, tình trạng chèo kéo và xin đồ ăn như thế này không có. Cứ đà này, chỉ một vài kỳ Festival nữa thôi, những đặc sắc về văn hóa, về con người ở Huế sẽ mai một, và chắc tôi sẽ không còn muốn đến Huế nữa”.

Ngoài những lo lắng về việc mai một dần nét Huế xưa, thì mỗi kỳ Festival qua đi, nhiều người còn lo lắng cho sự xuống cấp của di tích. Số là, do lượng khách quá đông, những người đến sau khó xem, nên nhiều người đã không ngần ngại trèo ngay lên bờ tường di tích, hay đứng vắt vẻo trên những bức tượng đá, trên những tấm bia bê tông trong khu vực Đại Nội... hình ảnh này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến di tích.

Festival Huế 2012 đã khép lại với thành công về mặt nghệ thuật, thành công về việc thu hút du khách, khi lượng khách quốc tế đến Huế trong những ngày diễn ra Festival đạt gần 20 vạn người, đông nhất từ trước đến nay (trong đó có gần 7 vạn lượt khách quốc tế, tăng gấp hơn 3 lần so với Festival năm 2010). Nhưng nếu không sớm tìm cách gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của xứ Huế mộng và thơ xưa, thì chỉ vài năm nữa, Huế có còn thu hút được du khách nữa không? Bởi du khách đến Huế phần lớn là vì vẻ đẹp văn hóa ẩn chứa sâu trong lòng di sản Huế, vì sự thân thiện, hiếu khách của người dân xứ Huế chứ không hẳn đến Huế để thưởng thức các chương trình nghệ thuật được phô diễn trong mỗi kỳ Festival.

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN