Điều kiện thành lập cơ sở giám định cổ vật cần chặt chẽ hơn

Nếu không có gì thay đổi, năm 2012, nhiều cơ sở giám định cổ vật sẽ ra đời theo quy định hiện hành. Sự ra đời của các cơ sở giám định cổ vật được kỳ vọng là sẽ đáp ứng nhu cầu của các nhà sưu tập tư nhân. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, việc ra đời các cơ sở giám định cổ vật cần có những qui định thật chặt chẽ.



Cần có những quy định chặt chẽ về việc thành lập các cơ sở giám định cổ vật.

Theo dự thảo thông tư mới, các tổ chức cá nhân có điều kiện đều có thể đứng ra thành lập cơ sở giám định cổ vật theo đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa. Điều kiện hoạt động của cơ sở giám định cổ vật gồm: Có tư cách pháp nhân, có chức năng hoạt động giám định cổ vật; có trụ sở và kho lưu trữ, bảo quản hiện vật trước và sau khi giám định; có trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu giám định; có quy trình chuyên môn và có nguồn cơ sở dữ liệu cần thiết để thực hiện hoạt động giám định cổ vật; có tổ chuyên gia giám định cổ vật, trong đó có ít nhất 3 cán bộ chuyên môn của cơ sở là thành viên của tổ chuyên gia đáp ứng các điều kiện: Có trình độ đại học trở lên về các chuyên ngành bảo tàng, khảo cổ, Hán Nôm; đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở chuyên ngành đã học từ 5 năm trở lên và có đầy đủ năng lực pháp lý và năng lực hành vi.

Theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, cần quy định điều kiện thành lập cơ sở giám định cổ vật một cách cụ thể, chi tiết hơn chứ không thể chung chung như trong dự thảo. PGS.TS Tống Trung Tín - Ủy viên Hội đồng Giám định cổ vật thuộc Bộ VH-TT&DL cho biết, hiện nay trên thị trường và cả trong những bộ sưu tập tư nhân vẫn tồn tại rất nhiều đồ giả cổ, thậm chí "làm giả hơn thật". Vì thế, nếu không quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập như trình độ chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp của tổ chuyên gia (thuộc cơ sở giám định cổ vật) thì rất khó phân biệt, từ đó sẽ xảy ra nhiều hệ lụy rất khó lường.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long - Hà Nội chia sẻ: "Theo quy định này thì ai cũng có thể thành lập cơ sở giám định cổ vật được. Nếu vậy trong tương lai sẽ có rất nhiều cơ sở giám định cổ vật ra đời". Chung quan điểm này, PGS-TS Tống Trung Tín nói: "Đúng là nhu cầu giám định cổ vật của chúng ta rất lớn, cơ sở giám định đang thiếu, nhưng nếu cho phép doanh nghiệp mua bán cổ vật thực hiện tư vấn giám định thì sẽ xảy ra tình trạng “loạn trung tâm”, “loạn chuyên gia”. Bởi vậy, cần có một hệ thống tổ chức chính quy của Nhà nước".

Tương tự, ông Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Ninh Bình cũng cho rằng: "Không phải là cái gì cũng xã hội hoá. Trong vấn đề giám định cổ vật, tính trung thực, khách quan phải được đặt lên hàng đầu. Nếu đâu đâu cũng có thể giám định cổ vật thì thị trường này vốn đã rất phức tạp sẽ càng trở nên phức tạp hơn".

Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng, xét về điều kiện như quy định trong dự thảo thì mỗi bảo tàng có thể thành lập cơ sở giám định cổ vật, bởi họ vừa có điều kiện bảo quản, vừa có nhân lực trong công việc này. Hơn nữa, từ trước đến nay việc giám định bước đầu đều do bảo tàng địa phương đảm nhận, chỉ có những hiện vật nào đòi hỏi chuyên môn sâu thì mới mời chuyên gia, nhà nghiên cứu về xem xét, thẩm định... "Các chuyên gia thẩm định của cơ sở giám định cổ vật phải chính là thành viên Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ VH,TT&DL", nhà nghiên cứu này nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Mi Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN