Điện ảnh Việt Nam, thừa và thiếu

Nhiều khán giả khi xem phim trong nước than rằng: Phim Việt Nam nhiều nhưng chất lượng không cao. Toàn cảnh giật gân, câu khách và hầu như phim nào cũng pha một chút “mát mẻ”. Đã không tìm ra được phong cách mới, lại na ná giống nhau về thể loại, đặc biệt là sự học đòi điện ảnh nước ngoài. Rút cuộc phim hay ít, phim không hay thì nhiều.

 

 

Một cảnh trong phim “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Có thể nói, điện ảnh Việt Nam so với chính mình đã có sự phát triển, song sự phát triển ở mức độ “cầm chừng”. Chúng ta chưa có phim gây dấu ấn mạnh mẽ, phản ánh cốt cách con người Việt Nam sánh vai với nền điện ảnh thế giới. Bộ phim nào cũng na ná giống nhau về kịch bản, dàn diễn viên thì quá quen thuộc, làm cho người xem nhàm chán, chỉ xem vài phút là đoán được nội dung, biết được kết cục của tình huống.


Điện ảnh các tỉnh phía Bắc mấy năm nay, chuyên cho “ra lò” những bộ phim phản ánh “việc ăn ở, đối nhân xử thế” của những con người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ở các vùng quê thuần nông, mà mở màn là phim “Đất và người” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Huỳnh Thanh Long, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Có lẽ, do những vùng nông thôn nước ta còn tồn tại quá nhiều các hủ tục, quá nhiều những thói đời vặt vãnh để cho các nhà đạo diễn lấy đó “ươm mầm” thành những bộ phim “na ná” giống nhau về nội dung... Có lẽ từ “mảnh đất mầu mỡ” này, mà các nhà đạo điễn đã nhiều lần khai thác, lột tả, về con người và tính cách nhân vật ở các miền quê, dẫn đến có sự pha trộn, không có sự khác nhau là mấy.


Gần đây điện ảnh phía Nam lại chuyên cho “ra lò” các phim “mì ăn liền”, dựng một thời gian rất ngắn rồi xuất xưởng. Dàn diễn viên so với ngoài Bắc có trẻ, đẹp hơn nhưng lại kém về phong cách diễn xuất và cách thể hiện nội tâm nhân vật, đối thoại trong phim mà như đọc từ sách ra vậy. Hơn nữa, do kỹ thuật lồng tiếng không tốt nên miệng diễn viên mấp máy một đằng, tiếng nói lại một nẻo. Tháng 10, 11 năm 2006, hãng phim Phước Sang TP Hồ Chí Minh trình chiếu bộ phim “Anh chỉ có mình em” của đạo diễn Lê Hữu Lương dài 30 tập.

 

Một cô sinh viên tên Tú (Minh Hằng đóng) nghèo rớt mồng tơi lại luôn ước mơ hão huyền làm chủ một shop thời trang lớn trong thành phố. Lập nghiệp “thân cô” giữa Sài Gòn đô hội, không có tiền ăn học mà Tú vẫn có tiền sắm điện thoại di động thời thượng, lại thuê mặt bằng để bán băng đĩa, rồi ti vi tủ lạnh đắt tiền quá ư con nhà giàu. Tất cả tình tiết đó không hợp với lôgic qui luật cuộc sống, càng không phản ánh tư tưởng, đời sống sinh viên Việt Nam. Tiếp theo phim “Anh chỉ có mình em”, hai đạo diễn Xuân Phước và Quang Đại của hãng phim Phước Sang lại cho xuất xưởng bộ phim “Ngã rẽ cuộc đời” phản ánh mối quan hệ yêu đương trong một gia đình có ông bố hai vợ “con anh con tôi, con chúng ta”. Hay bộ phim “Chuyện tình yêu” dài 24 tập của đạo diễn Xuân Phước nói về mối quan hệ yêu đương “nhí nhố” của những chàng trai cô gái tuổi teen nơi đô thị. Phim chiếu ròng rã hơn tháng trời, rút cuộc chẳng đem lại điều gì bổ ích cho khán giả!


Cái thiếu của nền điện ảnh Việt Nam trong dòng chảy điện ảnh thế giới, không chỉ là tầm nhìn của nhà đạo diễn, những nhà sản xuất phim, mà thiếu cả về cái “tâm đức” nghề nghiệp của họ. Nếu nói về trình độ thì thiếu về kỹ xảo hiện đại. Nhiều đạo diễn học hành không căn bản, làm đạo điễn dường như để lấy danh tiếng.


Ngược dòng điện ảnh Việt Nam những thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước, có rất nhiều bộ phim hay nổi tiếng được cả thế giới biết đến như bộ phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” của đạo diễn Hải Ninh và Hoàng Tích Chỉ; “Em bé Hà Nội” của đạo diễn Hải Ninh, đặc biệt bộ phim “Mối tình đầu”. Những bộ phim ra đời trong khói lửa chiến tranh, muôn vàn khó khăn lại chất lượng và hay đến vậy. Dù trải qua nhiều thập kỷ, song mỗi lần chiếu vẫn hấp dẫn người xem, chứng tỏ nó có sức sống lâu dài trong lòng công chúng. Và điều ấy chứng tỏ các nhà đạo diễn thời trước hơn hẳn nhà đạo diễn thời nay ít nhấn là về “tầm nhìn vị nhân sinh điện ảnh” và cốt cách con người Việt Nam hiện đại. Có thể nói “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” và “Em bé Hà Nội” là hai bộ phim kinh điển đại diện cho con người Việt Nam, phản ánh con người Việt Nam được cả thế giới biết đến như một ngôi sao trên tuyến đầu đánh Mỹ. Còn trong thời bình, các nhà đạo diễn tài ba làm điện ảnh, thì chỉ chăm chăm sao cho đầy túi tiền, nên tụt hậu về tầm nhìn là điều dễ hiểu.

 

Mai Thắng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN