Đi tìm lễ phục Việt Nam

Việc chọn trang phục làm lễ phục quốc gia là một điều rất cần thiết trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, dù đã hơn 30 năm đặt vấn đề, mong mỏi và đã từng bắt tay vào thực hiện nhưng cho tới nay vẫn chưa có một sự thống nhất cụ thể nào cho một bộ trang phục sẽ là đại diện chính thức cho bản sắc dân tộc Việt Nam khi đứng trước bạn bè quốc tế, hay trong những dịp lễ Tết trọng đại của dân tộc.

 

Cần thiết phải có lễ phục


Trong quá khứ, người Việt Nam đã từng có lễ phục, được mặc trong những ngày lễ hội, khánh tiết, được quy định rõ ràng về kiểu dáng, màu sắc, họa tiết trên áo dài, trên khăn mũ theo từng tầng lớp, từ thấp đến cao. Sân khấu dân gian như tuồng, chèo đã phản ánh rất rõ nét lễ phục của người Việt xưa. Vấn đề lễ phục cũng không phải bây giờ mới được nhắc tới mà nó đã từng được khơi dậy nhiều lần mỗi dịp có sự kiện trọng đại, nhưng đã hơn 30 năm nay vẫn chưa đi tới đâu.


 

Áo dài, khăn xếp cho nữ là trang phục đại diện cho hình ảnh Việt Nam được sử dụng trong nhiều sự kiện lớn.

 

Năm 1990, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt tham dự cuộc họp của Hiệp hội các nước Đông Nam Á tại Malaixia và được tặng một tấm áo may theo y phục truyền thống Mã Lai, Thủ tướng cho biết các đại biểu đều rất trân trọng và vui vẻ mặc trong suốt hội nghị. Khi về nước, Thủ tướng đã chỉ thị cho Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) phải nhanh chóng tạo cho bằng được bộ lễ phục của Việt Nam để dùng vào các dịp lễ Tết và ngoại giao. Ngay sau đó, Bộ Văn hóa Thông tin đã mở cuộc thi sáng tác mẫu y phục, nhưng rốt cuộc không chọn được mẫu nào phù hợp.


Năm 1998-1999, dấy lên chủ trương làm lễ phục cho lễ hội Đền Hùng năm 2000 và chuẩn bị cho sự kiện 1.000 năm Thăng Long. Kết quả đã chọn được bộ áo để làm lễ phục dâng hương Quốc tổ là bộ áo the, khăn xếp, đi cùng với hài dành riêng cho các quan chức mặc khi dâng hương, làm lễ. Bộ lễ phục đã nhận được nhiều lời khen ngợi của đồng bào trong và ngoài nước. Nhưng đáng tiếc, sau đó chỉ có quan chức tỉnh Phú Thọ mặc bộ áo lễ để dâng hương trong ngày giỗ tổ.


Tới năm 2005, khi nước ta đăng cai tổ chức Hội nghị APEC, Ban tổ chức nước chủ nhà đã may tặng các đại biểu nam mỗi người một bộ áo dài khăn đóng thiết kế theo kiểu trang phục truyền thống may trên chất liệu gấm, coi như quốc phục của Việt Nam để chụp ảnh lưu niệm sau khi sự kiện kết thúc. Các đại biểu đều lấy làm hài lòng và chụp những bức ảnh lưu niệm rất trang nhã và lịch thiệp.


Tuy nhiên, dù đã trải qua nhiều lần tuyển chọn mỗi khi có sự kiện trọng đại của dân tộc, nhưng cho tới nay vẫn chưa có một mẫu trang phục cụ thể nào chính thức được coi là lễ phục quốc gia. Trong khi đó, việc có lễ phục để dùng trong những ngày lễ trọng đại và các nghi thức ngoại giao là rất cần thiết, bởi nó thể hiện bản sắc văn hóa của nước ta, và đó còn là nhu cầu để bảo tồn văn hóa dân tộc. Vì những lý do đó mà mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức một buổi hội thảo về chọn lễ phục để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cùng bàn bạc, góp ý kiến về việc xây dựng một bộ lễ phục của Việt Nam. Hầu hết ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, sử học, các nhà thiết kế tại cuộc hội thảo này đều cho rằng, việc tìm ra một mẫu trang phục làm lễ phục quốc gia là rất cần thiết và phải làm ngay.


Nhiều năm qua, trong các hoạt động ngoại giao, giao tiếp, lãnh đạo của nhiều nước mặc trang phục truyền thống của nước họ, còn lãnh đạo của ta, nam thì mặc bộ veston, rất may là các đại biểu nữ còn mặc áo dài dân tộc. Điều này từ lâu dấy lên câu hỏi, bao giờ Việt Nam mới có lễ phục sử dụng cho các kỳ cuộc quan trọng như vậy?


Cho tới nay, chúng ta chưa có một sự thống nhất rõ ràng về lễ phục. Cũng có ý kiến cho rằng "Việt Nam chưa có lễ phục". Nói như vậy cũng đúng bởi thực tế chưa có một văn bản mang tính pháp lý nào chính thức quy định trang phục cho những dịp khánh tiết, ngoại giao hay lễ Tết. Kể cả áo dài cho nữ là trang phục được sử dụng thường xuyên với ý nghĩa trang trọng và quảng bá hình ảnh dân tộc nhưng cũng chưa từng được công nhận chính thức. Đây thực sự là vấn đề khi chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập và Việt Nam phải khẳng định được bản sắc khi đứng trước bạn bè quốc tế. Ngày nay các dân tộc không mặc thường xuyên y phục của dân tộc, nhưng trong các lễ hội, họ vẫn mặc trang phục truyền thống. Một số nguyên thủ của các nước như Ấn Độ, Mianma hay các nước Arập, khi tham dự các hội nghị quốc tế, chưa bao giờ họ mặc Âu phục, ngược lại họ rất tự tin và hãnh diện khi mang trên mình bộ lễ phục quốc gia của mình.


Theo Giáo sư Hoàng Chương: "Vấn đề lễ phục đã đến lúc phải đặc biệt quan tâm. Đã đến lúc phải coi vấn đề lễ phục là một tiêu chí văn hóa dân tộc Việt Nam. Lễ phục dân tộc cần phải bàn sâu, phải định vị, khẳng định lễ phục là gì, nội dung hình thức thế nào? Khi đã thống nhất rồi phải phổ biến bằng tuyên truyền, quảng bá liên tục, làm cho từ cán bộ đến người dân đều hiểu được ý nghĩa của lễ phục. Phải nhận thức được lễ phục là một nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống cộng đồng, là bộ mặt của đất nước, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Khi toàn dân nghiêm túc thực hiện lễ phục thì có nghĩa là đất nước đã phục hồi được truyền thống văn hóa ăn mặc của cha ông".

 

Tiêu chí nào cho lễ phục Việt Nam?


Việc chọn ra một bộ trang phục để làm lễ phục cho những dịp trọng đại của dân tộc, trong những buổi ngoại giao, khi đứng trước bạn bè quốc tế là rất cần thiết trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên việc lựa chọn bộ trang phục nào làm lễ phục, nên sáng tạo dựa trên trang phục truyền thống hay thiết kế một mẫu mới, hay dựa trên Âu phục? lại là vấn đề còn đang tranh cãi.


Giáo sư Hoàng Chương cho rằng: "Ở Việt Nam hiện nay, khi chưa tìm ra hình mẫu lễ phục chung thì nên phát triển theo hình mẫu trang phục truyền thống đó là khăn đóng - áo dài cho nam giới. Còn chít khăn gì, đội mũ gì cho đẹp hơn sẽ tiếp tục bàn và tìm hiểu thêm. Nhất thiết khi quan hệ, tiếp xúc với một nước nào đó thì phía ta cũng nên đối ứng bằng lễ phục Việt Nam. Cụ thể là khăn đóng - áo dài có màu sắc như quan chức tại lễ hội Đền Hùng".


Cũng chung ý kiến đó, theo nhà văn Hoàng Quốc Hải: "Mọi ý tưởng thoát ly y phục truyền thống khi chế tác lễ phục là điều không tưởng và tự đánh mất bản sắc dân tộc. Nên chọn khai thác hai mẫu lễ phục dùng cho lễ hội Đền Hùng và các bộ may tặng nguyên thủ quốc gia trong Hội nghị APEC 2005 để lựa chọn những điểm ưu việt nhất, rồi tìm ra kích thước, công thức cho các cỡ người là ổn".


Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến ngược lại khi chọn phương án cải tiến Âu phục. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: "Lý do Việt Nam chưa chọn được lễ phục là chưa xác định được sẽ sử dụng lễ phục như thế nào trong cuộc sống. Áo dài, khăn xếp cho nữ vẫn còn sử dụng được trong các sự kiện, biểu diễn nghệ thuật, tiệc cưới… nhưng áo dài khăn đóng của nam thì có cảm giác không còn phù hợp với cuộc sống mới, người mặc không có được sự trang nghiêm và sang trọng”. Ông Chương đề xuất lễ phục cho nam nên chuyển hẳn sang complet.


Lựa chọn lễ phục là một việc lớn, vì vậy phải đảm bảo sự thống nhất, lịch sự, sang trọng, nghiêm túc nhưng người sử dụng phải thấy được sự thoải mái, công chúng cũng phải thấy sự gần gũi. Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng việc đưa vấn đề lễ phục ra để cùng thống nhất tiêu chí lựa chọn đã là một động thái tích cực và hy vọng sẽ sớm có một bộ lễ phục quốc gia.


Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN