Để múa rối nước trở thành “đặc sản” văn hóa Việt

Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có nghệ thuật múa rối nước. Rối nước Việt Nam từng “xuất ngoại” nhiều lần, và còn được Tổ chức kỷ lục châu Á ghi danh. Tuy nhiên để múa rối nước thực sự trở thành “đặc sản” của văn hóa Việt vẫn rất cần sự nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo từ phía cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách và cả người làm nghề.

 

Một tiết mục múa rối nước của Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Rối nước Việt Nam có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành, vùng đồng bằng sông Hồng, gắn bó mật thiết với đời sống vật chất tinh thần của cư dân trồng lúa nước đồng bằng Bắc Bộ. Do tính đặc sắc nên từ nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống có vị trí cao trong nền sân khấu dân tộc.


Từ những năm 90 của thế kỷ trước, múa rối nước truyền thống Việt Nam đã được nhiều nước trên thế giới biết đến khi Đoàn rối nước của phường múa rối Nam Chấn (Nam Định), Nguyên Xá (Thái Bình)... sang Pháp biểu diễn. Ngày nay, bên cạnh việc “xuất ngoại” biểu diễn quảng bá môn nghệ thuật đặc thù này của các đoàn chuyên nghiệp, các đơn vị biểu diễn rối nước của Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng và các câu lạc bộ gia đình đều phát huy được hiệu quả phục vụ khách du lịch và nhân dân trong những ngày lễ, Tết, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã mang nghệ thuật múa rối nước Việt Nam đi biểu diễn tới gần 100 nước trên thế giới... Đặc biệt, năm 2013, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã nhận được danh hiệu Nhà hát duy nhất ở châu Á biểu diễn liên tục trong 365 ngày trong năm.


Phải khẳng định rằng, trong 20 năm qua, sân khấu múa rối đã có bước tiến dài. Tiết mục đã không còn gò bó, chật hẹp; thể loại đã đa dạng, nhiều yếu tố mới cũng được đưa vào vở diễn. Múa rối nước Việt Nam đã tiếp cận tới đủ loại đề tài lịch sử, dã sử, huyền thoại, đời thường, sản xuất, chiến đấu và cả đề tài nước ngoài, nhiều tác phẩm mang hồn cốt, bản sắc của văn hóa và đặc trưng thẩm mỹ của rối nước Việt Nam như “Giai điệu của những con thú đáng yêu”, “Ban nhạc khỉ”, “Biệt đội siêu nhiên”, “Bù nhìn rơm”, “Hà Nội 12 ngày đêm”. “Những cô gái Tây Nguyên”, “Truyện cổ Andecxen”... Sự thay đổi đó đã làm sâu khấu múa rối hấp dẫn hơn, thể hiện được những nội dung, kỹ thuật phức tạp, phong phú hơn. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, các loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống như múa rối cần rất nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, các bộ, ngành liên quan bởi chế độ chính sách còn chưa đáp ứng được cho các hoạt động sáng tác, biểu diễn; đời sống sân khấu trong đó có nghệ thuật múa rối rất bấp bênh; Nhiều đơn vị nghệ thuật múa rối, phường rối gặp khó khăn trong việc duy trì, phát triển...


Coi rối nước là một “đặc sản” của văn hóa Việt Nam, song nhà lý luận phê bình Lê Quý Hiền vẫn trăn trở bởi “chúng ta thiếu một môi trường biểu diễn rối nước đúng nghĩa nên xảy ra hiện tượng rối nước Việt Nam được quốc tế coi trọng, nhưng khán giả trong nước nhiều khi chưa quan tâm lắm!”.


Để đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới, khi xã hội có những bước phát triển về kỹ thuật, nghệ thuật, theo họa sĩ Ngô Quỳnh Giao, Việt Nam cần xem xét thực trạng hiện nay của nghệ thuật múa rối để có những bước tiến căn bản hơn, xây dựng được một nền nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp, hiện đại, từng bước trở thành “đặc sản” văn hóa hấp dẫn đối với người dân trong, ngoài nước.


Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng cho rằng cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước. Trong đó, nên chú ý đánh giá lại quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn, xây dựng hồ sơ để UNSECO công nhận nghệ thuật múa rối nước là di sản văn hóa của nhân loại, xây dựng quy hoạch đơn vị nghệ thuật để có nhiều đoàn múa rối phục vụ thiếu nhi; xây dựng sân khấu múa rối thành sân khấu học đường...


Còn thạc sĩ Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam khẳng định, đào tạo nguồn nhân lực là một trong những khâu quan trọng nhất để tạo ra sự chuyên nghiệp trong nghệ thuật múa rối. Trước mắt, tại một số đoàn, đơn vị đã áp dụng giải pháp tình thế là liên kết đào tạo hoặc đào tạo truyền nghề tại chỗ, nhưng về lâu dài cách làm này chưa đáp ứng được nhu cầu chuẩn hóa người diễn viên nghệ thuật thời đại mới. “Tương lai không xa, nếu ra đời một viện hoặc một trung tâm nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành nghệ thuật múa rối sẽ tương xứng với bước phát triển mạnh của nghệ thuật múa rối hiện nay” - bà Thủy chia sẻ.


Nhà nghiên cứu Lê Quý Hiền cho rằng, bên cạnh việc đầu tư tổ chức các chương trình biểu diễn nên có thêm khoản đầu tư cho không gian biểu diễn rối nước cũng như đầu tư cho các nghệ sỹ tìm tòi phát triển các tiết mục sao cho mỗi chương trình có những tiết mục khác nhau. “Để đặc sản mãi là đặc sản, không chỉ là công việc của các nghệ sỹ rối nước mà cần sự chung tay của cả xã hội với một thái độ trân trọng vốn quý nghệ thuật truyền thống, trân trọng di sản văn hóa độc đáo mà cha ông để lại” - nhà nghiên cứu Lê Quý Hiền nói.


Mỹ Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN