Đầu xuân đi nghe hát xẩm

Sinh ra từ cuộc sống dân dã, thị thành và kẻ chợ, là loại hình nghệ thuật bước ra từ cuộc sống nhưng xẩm được xem là chất nhạc không dễ nghe trong đời sống hiện đại. Những người có thể hiểu được, cảm được và nhớ đến nó dường như đã quá vãng. Nhưng xẩm không mất, giữa sôi động và hiện đại, những làn điệu “Xẩm chợ”, “Xẩm tàu điện”... vẫn cố công len lỏi và tìm những con đường riêng để “âm vang”...


Tìm về xẩm ngày Xuân


Nói đến xẩm là nói đến loại hình nghệ thuật rất kén người mê. Xưa thể loại âm nhạc này được lưu truyền chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như: Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… với những hình thức biểu diễn rất độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa khu vực. Đầu thế kỷ 20 xẩm đã phát triển thành một nghề để những người dân nghèo kiếm sống nơi thành thị được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Xẩm thành thị ra đời, hối hả hơn, bóng bẩy hơn để phù hợp với cuộc sống nơi đây. Bên cạnh các loại xẩm chính tông như: xẩm chợ, xẩm xoan, xẩm thập ân... nghệ nhân xẩm đã kết hợp, du nhập thêm các loại hình khác như Sa mạc, Trống quân, Cò lả... Việc kết hợp như vậy vừa làm phong phú hơn, mượt mà hơn cho các câu hát xẩm, vừa phổ biến các loại hình khác rộng rãi trong dân gian.

 

Một tiết mục xẩm ở phố cổ Hà Nội.


Đã có một thời, xẩm là món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Với bản chất nghệ thuật ngẫu hứng ứng diễn, hát xẩm có nội dung nghệ thuật rất phong phú và đa dạng. Nó đề cập đến nhiều vấn đề ở mọi khía cạnh, trong mọi tình huống của cuộc sống, từ công cha nghĩa mẹ, tình yêu, tình vợ chồng, tình huynh đệ cho đến những tình cảm riêng tư của mỗi con người, hay những vấn đề mang tính thời sự cập nhật, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời.


Từ thập niên 60 trở lại đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau do điều kiện môi trường và xã hội, đặc biệt là do những quan niệm sai lầm, các phường xẩm dần tan rã và không hoạt động nữa. Các nghệ nhân xẩm tài danh bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo những giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ đã từng lưu giữ và thực hành. Đời sống xã hội của nghệ sĩ xẩm không còn. Tại Hà Nội, hầu như chỉ có thể nghe hát xẩm tại chợ Đồng Xuân mỗi dịp cuối tuần. Những buổi diễn ấy, sau rất nhiều cố gắng kỳ công của những người tâm huyết với xẩm, cố giữ cho bằng được xẩm, đã trở thành một nét văn hóa của Hà thành, là một “đặc sản” dành cho khách du lịch, mà phần đông là khách nội địa, đặc biệt là những người đến từ Thái Bình, Nam Định và Hải Phòng.


Bước ra từ cuộc sống


Xẩm bước ra từ cuộc sống, bởi thế nên nó vừa quê lại nhuốm chất thị thành. Quê là bởi phần lớn các gánh xẩm xưa đều xuất phát từ dân quê lên thành phố kiếm miếng ăn, mong đổi đời. Chả thế, giọng hát rất quê, điệu đàn, tiếng sáo, nhịp trống cũng mang hơi hướng ảnh hưởng, “phức hợp” của rất nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác. Âm sắc của xẩm nghe đậm chất dân gian, ngôn từ giản dị, gần gũi. Bên cạnh cái chất quê từ trong hồn cốt thì xẩm lại rất phố, thứ nhất là ở “địa bàn” diễn xướng. Ngay như xẩm chợ là loại hình có sự lan tỏa về mặt địa lý mạnh nhất của xẩm, thì chủ yếu cũng diễn ra ở những nơi phố thị. Bởi chợ quê thì cũng là phần “phố thị” nhất của quê. Xẩm cô đầu thì chỉ có ở những thành phố Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, cùng lắm là xuống đến thị trấn, thị tứ. Riêng xẩm tàu điện thì độc đáo chỉ có tại Hà Nội. Loại hình độc đáo này tồn tại ngót trăm năm, gắn liền với hoạt động của tàu điện Hà Nội, gần như xuyên suốt thế kỷ 20.


Các nghệ nhân xẩm từ chốn thôn quê khi ra Hà Nội biểu diễn, để làm vừa lòng nhu cầu thẩm mỹ của người dân chốn đô thị, vốn am hiểu và có trình độ trong việc thưởng thức văn hóa, nên các gánh xẩm đã khéo léo lồng những bài thơ của các thi sĩ như “Anh khóa”, “Cô hàng nước” (của Á Nam Trần Tuấn Khải), “Giăng sáng vườn chè”, “Em đi tỉnh về” của Nguyễn Bính... vào các điệu xẩm, đưa xẩm trở thành loại hình âm nhạc đường phố độc đáo ở Thăng Long - Hà Nội. Nghệ nhân đi tới đâu, xẩm âm vang tới đó. Những làn điệu Lỡ bước sang ngang, Vui nhất Hà thành, Mục hạ vô nhân, Anh khóa, Chân quê, Trăng sáng vườn chè, Lơ lửng con cá vàng… từng làm nức lòng khách đi tàu điện, đến bây giờ vẫn còn nhiều người nhớ. Mà thú vị hơn, là những làn điệu cách tân - gọi là xẩm quảng cáo bán hàng như Tăm tre, Thuốc cam Hàng Bạc, Thuốc ho bà lang Trọc, Dầu cù là... với vần điệu, ca từ dí dỏm, thân thuộc.


Là phố thị nên mới có xẩm tàu điện. Những tiếng leng keng của tàu điện, những hình ảnh “hiền lành” của tàu điện luôn hiện diện song hành khiến xẩm tàu điện ghi dấu cả phần ảnh lẫn phần thanh. Tàu điện trở thành “sân khấu” của xẩm. Ở mỗi trạm đón/đỗ của tàu và trên cả những chuyến đi, trên những toa tàu lại vang lên tiếng trầm bổng “ư hự”, “ư hừ” cùng tiếng nhị, tiếng phách của “nghệ sĩ đường phố”. Và cũng bởi gắn với nhau như máu thịt, tàu điện mất thì xẩm tàu điện cũng chẳng còn.

Ngày xưa, người thưa cảnh vắng, tàu điện mới có chỗ cho xẩm. Giờ đây, trong cái ồn ào chật chội như nêm cối của những chuyến xe buýt, thật khó hình dung lại có được một loại hình nghệ thuật nào song hành cùng. Âm nhạc, nếu có, may chăng chỉ phát ra từ… VOV giao thông.


Giữ xẩm lại với mùa Xuân


Theo nhạc sĩ Thao Giang, người đang “giữ lửa” cho xẩm thì trong quá trình bảo tồn loại hình này, ông và Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam bằng cách này cách khác vẫn đang “giữ” xẩm lại trước những nguy cơ bị mai một. Từ năm 2010, ông cùng trung tâm của mình đã được đào tạo ở trình độ đại học và sau đại học cho các chuyên ngành Âm nhạc dân tộc, bao gồm: hát xẩm, trống quân, hát văn, ca trù, quan họ… Năm vừa qua trung tâm đã có 16 bạn sinh viên theo học và chỉ tiêu cho năm nay là 50 sinh viên. Ở chương trình đào tạo sau đại học thì ai muốn nghiên cứu sâu hơn về xẩm sẽ được tạo điều kiện tối đa. Đây là những nhân tố quan trọng trong việc bảo tồn xẩm nói riêng và các loại hình âm nhạc dân tộc khác nói chung. Với cơ sở đầu vào có trình độ tương đương với trung cấp âm nhạc, các em sẽ được học nửa lý thuyết nửa thực hành và gắn thực hành với thực tế.


Với xẩm, khó có thể sân khấu hóa, nhà hát hóa. Xẩm là phải ở trong môi trường diễn xướng dân gian, là ở ngoài đường, ngoài chợ. Hiện nay, ngoài buổi biểu diễn hàng tuần ở chợ Đồng Xuân, chúng ta vẫn có thể bắt gặp các buổi khác tại đình Hào Nam (nơi đặt trụ sở của Trung tâm Nghệ thuật âm nhạc Việt Nam). Và vào những ngày đầu xuân năm mới những người yêu mến loại hình độc đáo này sẽ được thưởng thức các làn điệu xẩm tại các đường phố trong khu phố cổ Hà Nội. Xẩm đã từng ra quốc tế, sang Pháp và được bạn bè quốc tế thể hiện tình cảm yêu mến! Cũng có những CLB hát xẩm được tạo nên để duy trì việc biểu diễn hát xẩm.
Tuy nhiên theo nhạc sĩ Thao Giang, trong thời gian tới, việc bảo tồn xẩm chỉ nên làm ở phạm vi nhỏ, để thực sự tìm kiếm được và giữ gìn đúng đắn những tinh hoa của loại hình này. Còn việc phát triển, nhân rộng mô hình hát xẩm, cần phải có thời gian và làm một cách bài bản. Hiện nay, ngay cả với sân khấu chính của hát xẩm là Đồng Xuân thì việc duy trì được cũng hoàn toàn là do tài trợ. Các nghệ nhân, nghệ sỹ hiện nay biểu diễn hát xẩm cho du khách hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên để thu hút được người nghe, trung tâm cũng phải lựa chọn các làn điệu phù hợp, không lê thê, thay đổi cách trình diễn, trang phục, nhạc cụ… để hấp dẫn hơn.


Năm 2005, Trung tâm Văn hóa âm nhạc nghệ thuật Việt Nam ra đời với ba mục tiêu chính là sưu tầm - nghiên cứu, truyền dạy - đào tạo và biểu diễn nghệ thuật. Từ đó tới nay, trung tâm có đóng góp lớn trong việc đưa hát xẩm trở lại với công chúng. Đặc biệt, nhạc sĩ Thao Giang đã đào tạo được nhiều nghệ sĩ trẻ yêu xẩm, trong đó có cả những sinh viên các trường nghệ thuật.

 

Lê Sơn

Tri ân và vinh danh nghệ thuật hát xẩm
Tri ân và vinh danh nghệ thuật hát xẩm

Hàng năm, cứ vào ngày 22/2 âm lịch, các gánh xẩm từ mọi miền đất nước lại tề tựu cùng nhau để tỏ lòng tri ân và tổ chức lễ “Giỗ tổ nghề hát xẩm” – một nghề đặc biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN