Đất trầu cau Hà thành

Từ những cụ già gần trăm tuổi đến các em nhỏ đều thắm môi đỏ, miếng cau, lá trầu là “món ăn” không thể thiếu… Đó là tục lệ bao đời nay tại làng Phú Lễ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, Hà Nội.


Già trẻ đều “nghiện” trầu


Theo con đường Láng - Hòa Lạc, hướng về phía chùa Tây Phương, tìm về làng Phú Lễ cổ kính xưa, vẫn cây đa, bến nước, sân đình, như bao làng quê Bắc Bộ khác. Ngày nay Phú Lễ có thêm những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng bên những ngôi nhà đá ong cổ kính, ở đó Phú Lễ vẫn còn lưu giữ một nét văn hóa truyền thống là tục ăn trầu.

 

Cụ Nguyễn Thị Thinh năm nay 75 tuổi nhưng răng vẫn còn chắc. Ngày nào cụ cũng ăn trầu, cụ bảo “nhịn cơm thì nhịn được chứ nhịn trầu thì không”.


Ở Phú Lễ, nhà nào cũng có cây cau, giàn trầu và người dân trong làng môi lúc nào cũng đỏ thắm. Tục ăn trầu cau nơi đây đã có biết bao đời, người dân Phú Lễ không kể gái trai già trẻ, nhà ai cũng sẵn bình vôi, lá trầu mời khách. Tục ăn trầu đã trở thành nếp sống, nếp sinh hoạt của người dân thôn Phú Lễ. Gặp mặt là người ta mời nhau cau trầu. Trong làng hễ có đám cưới, hỏi… hay đám hiếu đều không thể thiếu đĩa trầu.


Các cụ gần trăm tuổi trong làng không ai biết tục lệ có từ khi nào, chỉ biết đã thành nếp làng, được truyền giữ qua bao đời nay. Vuốt cặp môi cắn chỉ, bà Triệu Thị Liên chia sẻ, ngày bà ăn bao nhiêu trầu không đếm được. Sáng sớm dậy, bà phải ăn vài miếng trầu rồi mới ăn sáng. Bà cụ 72 tuổi kể, hồi nhỏ, bà toàn đi kiếm rễ chay cho mẹ và bà ngoại ăn trầu, rồi cũng nghiện lúc nào không biết. Chồng và 6 người con của bà đều ăn. Cô con gái lấy chồng xa mỗi khi về thăm mẹ, vừa đặt túi xuống là hỏi xin ngay miếng trầu. Mỗi buổi chiều, những người già trong ngõ xóm đều tập trung ở nhà bà Liên để ngồi uống nước, chia nhau quả cau, miếng trầu. Giữa câu chuyện rôm rả, răng ai cười cũng đen nhánh. Những người bạn ăn trầu của bà đều biết đến miếng trầu từ thuở lên chín, mười. Họ nhuộm răng từ khi còn là cô bé 13 tuổi, giữ thói quen ăn trầu nhiều năm khiến các bà không phải nhuộm thêm lần nào nữa.

Têm trầu cau.


Cụ Nguyễn Thị Thịnh (75 tuổi) cho hay: “Cái anh trầu này lạ lắm, ăn vào tới đâu ấm người đến đấy. Xưa nghèo làm gì có áo ấm như bây giờ, mùa đông đi làm đồng buổi sớm ai cũng phải nhai miếng trầu mới đỡ rét. Ăn trầu còn giúp chắc răng, thơm miệng, cũng nhờ nó mà bây giờ rồi răng tôi vẫn chắc khỏe”.


Tôi hỏi, ăn trầu hơn 60 năm rồi cụ có định bỏ không. Cụ lắc đầu cười lớn: “Ăn thành nghiện mất rồi. Giờ một ngày nhịn cơm thì được còn nhịn trầu thì không sao chịu nổi. Đến khi tôi quy tiên, con cháu cũng phải cúng trầu để dưới đó còn có cái mà ăn chứ”.


Người Phú Lễ ăn hai loại trầu. Một loại nhai lẫn với cau, quệt thêm một ít vôi, ăn vừa miệng bởi có vị cay của lá trầu, nồng của vôi và tươi ngọt từ hạt cau. Một loại trầu nữa ăn với thuốc lào, dễ bị say và chỉ có những cụ già ăn trầu lâu năm mới thích vì vị đậm đà. Cách ăn trầu cũng rất dung dị, không cần têm cánh phượng, đựng trong cơi son mà chỉ cần quả cau bổ bảy, xé thêm miếng lá trầu rồi nhai cả ngày. Phụ nữ làng này đi đâu cũng có một túi vải nhỏ thắt miệng, trong đựng đôi lá trầu, dăm miếng cau.

Nhà nào ở Phú Lễ cũng có miếng trầu, quả cau mời khách.


Người dân nơi đây quan niệm, ngày Tết có thể thiếu bánh chưng, thiếu đào quất, nhưng phải lo sắm đủ cau trầu cho ba ngày. Đó cũng là mặt hàng bán chạy không kém thịt lợn, bánh kẹo ở đây mỗi dịp Tết về. Đặc biệt, trong đám cưới, trầu cau là món sính lễ quan trọng nhất khi về làm dâu, rể nơi đây. Từ xưa đến giờ, trai làng đi lấy gái nơi khác chỉ phải mang vài trăm quả cau sính lễ cho có lệ. Nhưng trai làng khác lấy con gái Phú Lễ thì phải đủ nghìn cau trong mâm thì nhà gái mới nhận. Trai gái trong làng lấy nhau thì hai họ lo đủ hai nghìn quả cau cùng với trầu cho cả làng ăn.


“Phi trầu cau bất thành lễ”


Cũng vì nhà nhà ăn trầu, người người “nghiện” trầu nên ở Phú Lễ không nhà nào là không trồng ít nhất vài cây cau, một đôi giàn trầu không. Và nhà nào cũng phải có một vài bình vôi để sẵn trong nhà bếp. Không rõ có phải nhờ truyền thống ăn trầu này mà ở Phú Lễ hiện có rất nhiều cụ ông, cụ bà dù đã ngoại bát tuần nhưng vẫn chưa hề rụng một chiếc răng nào. Riêng số lượng đàn ông trung tuổi và một số thanh niên có “răng đen môi chỉ” cũng gần ngang ngửa với giới nữ trong làng. Đây là một sự hiếm hoi chỉ duy nhất Phú Lễ mới có.


Thậm chí ở “làng ăn trầu” này, các cô gái còn “chấm điểm” các chàng trai bằng cách quan sát xem chàng nào ăn trầu đỏ thắm và ăn được nhiều trầu. Vì lẽ đó mà người Phú Lễ thường truyền nhau câu ca dao “Có trầu mà chẳng có cau/ Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm”. Anh Kiều Văn Chinh, người làng Phú Lễ nói đùa: “Con trai quê tôi vì ăn trầu mà khó lấy vợ. Ở làng này thanh niên hết lớp này đến lớp khác thà chịu “ế” vợ chứ không chịu bỏ trầu”.

Hầu hết các nhà trong làng đều trồng cau cùng với giàn trầu.


Về tục lệ ăn trầu cau đặc biệt này, ông Nguyễn Xuân Nho, Trưởng thôn Phú Lễ cho hay: “Nếu như ở nhiều vùng người ăn trầu thường têm cánh phượng, đựng trong cơi son, thếp vàng đẹp mắt và sang trọng thì người Phú Lễ lại có cách thưởng thức trầu rất bình dị: trầu têm kiểu cuộn tròn hình kén, hay đơn giản là quả cau bổ miếng và lá trầu vàng quyệt vôi để sẵn ở đĩa. Ai ăn bao nhiêu thì tự cuốn lại”.


Không chỉ ăn trầu bởi ngon miệng, trầu cau còn gắn bó và gửi gắm nhiều ý nghĩa của người dân trong làng. Theo truyền thống xưa của làng, vào mỗi mùa khoa cử, những ai trong làng đỗ đạt cao sẽ được dân làng dâng cho miếng cau trầu têm thơm ngon nhất, chọn lọc kỹ nhất. Đến nay, làng Phú Lễ luôn đi đầu trong truyền thống hiếu học. Cả làng hiện có 2 tiến sĩ, hơn 10 thạc sĩ trong tổng cộng 208 người có trình độ đại học trở lên.


Bởi nhiều lẽ như thế nên người con Phú Lễ xa quê lúc nào cũng chỉ nhớ miếng trầu đỏ thắm nơi quê nhà. Người Phú Lễ, ai cũng bảo: “Về Phú Lễ trầu cau lúc nào cũng sẵn, mời nhau quả cau nho nhỏ nhưng mừng và quý nhau lắm”. Ăn miếng trầu Phú Lễ, cay cay nồng nồng, say say nhưng ngọt mặn mà của lòng hiếu khách và truyền thống quý báu vẫn còn được lưu giữ qua bao đời ở nơi đây.


Bài và ảnh: Lâm An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN