“Dạo quanh Hồ Gươm” - Ghi dấu tình yêu với Hà Nội

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Phùng.

Trăn trở tới 50 năm, chụp trong vòng 10 năm với số lượng ảnh khổng lồ, để cuối cùng chọn ra gần 100 bức ảnh tâm đắc nhất để đưa vào cuốn sách ảnh “Dạo quanh Hồ Gươm” vừa ra mắt bạn đọc. Cuốn sách ảnh này chính là tâm huyết, tình cảm và những trăn trở mà nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Quang Phùng dành cho Hà Nội.

Ngoài một số bức ảnh chụp chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sỹ Văn Cao, họa sỹ Trần Văn Cẩn, nhà văn Nguyễn Tuân… mà NSNA Quang Phùng chụp từ thập niên 70, những bức ảnh còn lại trong cuốn “Dạo quanh Hồ Gươm” được ông chụp từ những năm 2000 trở lại đây, được chia thành 3 phần với 3 chủ đề khác nhau.

Phần 1 mang tên “Sự tĩnh lặng và vẻ đẹp trời cho” tập hợp những bức ảnh mang đậm vẻ quyến rũ tự nhiên của quang cảnh Hồ Gươm và sự gắn bó cũng tự nhiên của biết bao thế hệ người Hà Nội với nơi này.

Một tác phẩm trong “Dạo quanh Hồ Gươm”.


Phần 2 “Những câu chuyện xã hội”, như một đoạn trích suy tư của bản thân nghệ sĩ về những xoay chuyển thời cuộc. Qua những bức ảnh của ông, người đọc, người xem cảm nhận một xã hội thu nhỏ xung quanh Hồ Gươm, với đủ những cung bậc thăng trầm. Trong chủ đề này, những bức ảnh cùng chú giải tỉ mỉ của ông đã khiến cho người đọc, người xem ít nhiều phải suy ngẫm. Ông kể, năm 1864, nhà văn hóa Nguyễn Văn Siêu tôn tạo khu vực hồ Gươm, xây tháp Bút, đài Nghiên, đình Trấn Ba, làm lại cầu Thê Húc và cho trồng 5 cây vông làm nền cho tháp Bút. Cây cao tới ngọn tháp, hoa đỏ như lửa, dân gian gọi là hoa lửa. Năm 2002, khi ông Phùng chụp ảnh vẫn đủ 5 cây, nhưng giờ đã không còn cây nào. Hoặc như loạt ảnh chụp máy biến áp được đặt ngay bên bờ Hồ Gươm của ông khiến cho người xem phải giật mình. Giữa nơi công cộng, ngay sát bên chiếc máy biến áp có dòng chữ “Cấm sờ nguy hiểm chết người” là cảnh một em bé ngồi đọc sách, người thiểu năng trí tuệ hồn nhiên ngồi nghịch, những du khách nước ngoài đứng trò chuyện…

Với tên gọi “Tu dưỡng thiện tâm”, phần thứ ba được NSNA Quang Phùng dành trọn vẹn để giới thiệu quy trình làm chè sen thuần túy truyền thống ở chùa Phụng Thánh (Khâm Thiên). Lý do chọn chủ đề này được ông giải thích tỉ mỉ trong cuốn sách: “Xưa kia, phía đông Hồ Gươm, nguy nga chùa Báo Ân, 180 gian, hồ sen bát ngát. Năm 1892, Pháp phá chùa, xây công sở (nay chỉ còn lại tháp Hòa Phong). Tiếng chuông ngân văng vẳng và hương sen chùa Báo Ân đã tiếp sức cho tôi thực hiện bộ ảnh “Làm sen ướp chè” tại chùa Phụng Thánh, khi đã vào ngưỡng tuổi 80, cũng là tưởng nhớ khoảng lặng Hồ Gươm thoảng hương sen thuở nào...”.

Ông quan niệm chụp ảnh là phải thật, cho dù ông có phải chờ đợi năm này qua năm khác, chỉ để chụp một cảnh mà người ta có thể dàn dựng được dễ dàng. Ông kể, nhiều khi, để có được một bức ảnh theo đúng ý mình, ông phải vác chiếc máy ảnh nặng mấy cân đứng chờ hàng tiếng. Đến khi chụp được ảnh thì người cũng rã rời, chân đứng không vững. Toàn bộ ảnh ông chụp đều là ảnh tự nhiên, không hề có sự sắp đặt, bố trí hay lắp ghép, chỉnh sửa. Đây cũng chính là điều khiến ông được giới trong nghề kính trọng.

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN