Cột mốc để tranh đồ họa Việt Nam phát triển

Lần đầu tiên được tổ chức, cuộc thi và triển lãm tranh đồ họa ASEAN 2012 (diễn ra từ 6 - 16/8/2012 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đã tạo ra một sân chơi mới cho những họa sỹ đồ họa trong khu vực. Và quan trọng hơn, qua triển lãm này, có thể thấy được những điểm mạnh cũng như điểm yếu của nghệ thuật tranh đồ họa ở Việt Nam.

 

Tác phẩm Tứ Phủ của họa sĩ Phạm Khắc Quang-đoạt giải Nhì cuộc thi tranh đồ họa ASEAN 2012.

 

Có thể nhận thấy, sự tham gia của các họa sỹ trong khu vực với nhiều chất liệu khác nhau, cũng như sự phong phú về đề tài tác phẩm đã tạo nên đa sắc màu cho cuộc triển lãm, cũng như phản ánh sự sôi động của đời sống nghệ thuật khu vực Đông Nam Á.


Với chủ đề sáng tác tự do, không bị bó hẹp, nên các tranh đồ họa tham gia cuộc thi và triển lãm lần này vô cùng đa dạng. Có tác phẩm hướng đến cuộc sống hàng ngày dung dị, đời thường, nhưng cũng có những tác phẩm lại hướng chủ đề tôn giáo, tín ngưỡng, cũng có những tác phẩm đã thể hiện hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng đầy ý nghĩa...


Trong số 17 giải thưởng của cuộc thi, Việt Nam có tới 6 giải (1 Nhì, 1 Ba và 4 khuyến khích), bằng số lượng giải của Thái Lan. Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng nghệ thuật, thì tác phẩm của các họa sỹ Thái Lan vẫn tốt hơn (1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba, và 2 giải khuyến khích).


Theo đánh giá của các thành viên hội đồng nghệ thuật, về mặt nghệ thuật, họa sỹ các nước trong khối ASEAN nhìn chung có cách nhìn vấn đề đơn giản và thoải mái, trong khi các họa sỹ Việt Nam lại ít nhiều có cách nhìn nhận vấn đề nặng và “đặc” hơn. Một số họa sỹ thường đưa quá nhiều nội dung vào trong một tác phẩm, khiến cho tác phẩm trở nên rối, chất lượng nghệ thuật không cao.


Vấn đề giải quyết không gian của các tác phẩm đồ họa Việt Nam thường mang tính ước lệ, trong khi nghệ sĩ nước bạn diễn tả được nhiều thứ rất chi tiết, song vẫn đảm bảo hiệu quả về mặt không gian và biểu đạt tốt sắc thái sáng tối, đậm nhạt.


Hơn nữa, lâu nay, các họa sỹ đồ họa Việt Nam thường coi trọng việc tranh có tình cảm, cảm xúc hơn là kỹ thuật, trong khi đó đồ họa lại rất coi trọng kỹ thuật, nếu không làm chủ được kỹ thuật thì không bao giờ biểu đạt được tình cảm cũng như ý đồ, ý tưởng của mình và không bao giờ đem lại được vẻ đẹp thuần khiết của đồ họa.


Về mặt kỹ thuật, các họa sỹ làm tranh đồ họa ASEAN đã có sự tìm tòi và có những bước đi rất dài so với các họa sỹ đồ họa ở Việt Nam. Khi các họa sỹ đồ họa Việt Nam thường sử dụng chất liệu và kỹ thuật tương đối truyền thống như khắc gỗ, khắc kẽm, khắc đồng, thạch cao, khắc cao su in đá, thì các họa sỹ đồ họa ASEAN sử dụng nhiều kỹ thuật đồ họa phong phú hơn Việt Nam như khắc gỗ phá mảng, in lito, đồ họa vẽ tay, in cảm quang (sử dụng ánh sáng), in trên đá, trên toan, trên lụa, trên vải và cả trên vỏ cây. Bên cạnh đó, về chủ đề, họ cũng phóng khoáng, thoải mái hơn, tạo cho người xem có được nhiều chiều cảm nhận.


Theo họa sỹ Thành Chương, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Đồ họa (Hội Mỹ thuật Việt Nam), thành viên hội đồng nghệ thuật của cuộc thi, triển lãm lần này sẽ là một trong những dấu ấn, một cột mốc rất quan trọng để thay đổi suy nghĩ của các họa sỹ Việt Nam về việc làm tranh đồ họa.


Cần làm sao để tranh đồ họa của Việt Nam vẫn giữ được những cảm xúc, nhưng đồng thời cũng chú trọng hơn đến kỹ thuật, dùng kỹ thuật để thể hiện tình cảm của mình một cách chủ động. Bên cạnh việc thay đổi cách nghĩ, cách thể hiện, việc thường xuyên tổ chức những cuộc thi, triển lãm tạo sân chơi cho các nghệ sỹ vẽ tranh đồ họa Việt Nam giao lưu với các nước bạn, chắc chắn nghệ thuật tranh đồ họa của Việt Nam sẽ phát triển trong thời gian tới.


Phương Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN