Công diễn giao hưởng số 7 của Mahler tại Việt Nam

Ngày 12-13/10, tại Hà Nội, bản giao hưởng số 7 của nhà soạn nhạc danh tiếng người Áo - Gustav Mahler sẽ chính thức được công diễn lần đầu tiên tại Việt Nam. Tác phẩm được trình diễn bởi các nghệ sỹ Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji, người Nhật Bản.


Bản giao hưởng số 7 được Gustav Mahler viết vào mùa hè các năm 1904 và 1905, gồm 5 chương. Chương 1 có tên gọi "Mái chèo quạt nước trên hồ" với khung cảnh thiên nhiên hòa hợp được thể hiện bằng tiếng kèn horn. Chương 2 diễn tả buổi tối nơi đồi núi với tiếng muông thú sống trong rừng và giai điệu hành khúc về người lính đang làm nhiệm vụ tuần tra đêm. Chương 3 thể hiện đêm khuya với điệu valse trong bóng đêm. Chương 4 thể hiện những bữa tiệc hoành tráng tại ngôi nhà sang trọng chốn đồng quê bằng tiếng nhạc ghi ta và măngđôlin du dương. Chương 5 thể hiện bình minh rạng rỡ làng quê với những cánh đồng cỏ, tiếng chuông nhà thờ, rộn rã thường nhật của con người nơi làng quê thanh bình... Khi ra đời, chương 5 đã gây nhiều luồng dư luận trái chiều, trong đó có không ít ý kiến mỉa mai, chê trách Mahler.


Cho đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi trên thế giới về thông điệp cũng như ý tứ của tác giả ẩn chứa trong tác phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia âm nhạc: Bản giao hưởng số 7 đã cho người yêu nhạc thấy ví dụ điển hình về thiên hướng điện ảnh trong phong cách soạn nhạc của Mahler. Trên nhiều phương diện, Mahler đã đi trước nhiều nhà soạn nhạc cho phim ảnh có tầm ảnh hưởng trong những năm 30 của thế kỷ trước hàng thập kỷ. Bản giao hưởng số 7 khép lại bộ ba tác phẩm giao hưởng viết cho nhạc khí của Mahler. Một số đoạn trong bản giao hưởng này đã lặp cấu trúc của một số đoạn trong các bản giao hưởng số 5 và 6 trước đó. Tuy nhiên, trong bản giao hưởng số 7 này, Mahler đã mài giũa, phát triển các kỹ năng soạn nhạc của mình, một số đoạn nhạc thể hiện sự hướng về phía trước một cách "liều lĩnh" khi sử dụng các cấu trúc nhịp điệu bất thường... Bản giao hưởng số 7 lần đầu được công diễn trên thế giới vào tháng 10/1908 bằng phần trình diễn của Dàn nhạc giao hưởng Czech Philharmonic với các nhạc công đến từ Đức dưới sự chỉ huy của chính tác giả.


Gustav Mahler (1860-1911) được đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc xuất sắc nhất trong thế hệ của ông. Cuộc đời của Mahler đầy thăng trầm. Khi còn sống, Mahler được biết với tư cách nhạc trưởng nhiều hơn là nhà soạn nhạc. Năm 16 tuổi, Mahler đã viết tứ tấu cung La thứ và bản nhạc này nổi tiếng một phần nhờ được làm nhạc nền trong một bộ phim ăn khách. Tác phẩm này của Mahler đã được khôi phục sau một thời gian dài thất lạc. Đóng góp của Mahler với các ca khúc nghệ thuật cũng không phải là nhỏ. Trong đó bộ "Chùm ca của người lữ hành" (Lieder eines fahrenden Gesellen) được đánh giá là chùm ca khúc nổi tiếng nhất của Mahler...


Thanh Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN