Còn đó Hội thổi cơm thi Thị Cấm

Thị Cấm là một làng nhỏ thuộc xã Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội). Cứ ngày mùng 8 tháng giêng hàng năm, dân làng Thị Cấm lại nhộn nhịp chuẩn bị hội “thổi cơm thi”. Liên kết xóm làng này đã được giữ gìn bao đời nay.

Cho dù 9 giờ sáng mới là lúc dâng hương khai hội nhưng người dân làng Thị Cấm không mấy ai chịu ngồi nhà tới lúc đó. Từ tờ mờ sáng họ đã có mặt đông đủ để chuẩn bị cho Hội thi thổi cơm. Mỗi người mỗi việc, vừa làm vừa trò chuyện tâm tình rôm rả. Cụ ông Nguyễn Hữu Đức 76 tuổi chia sẻ: “Tôi không trực tiếp tham gia chuẩn bị thi thổi cơm mà chỉ múa phục vụ hội làng. Khá bận nhưng tôi cùng các cháu nhỏ đã tập rất kỹ”.

Cả bốn giáp trong làng đều tham dự thi, sắp thành bốn đội, mỗi đội gồm mười nam nữ. Các đội thi ba nội dung: Thi lấy nước, thi thổi lửa và cuối cùng là thi thổi cơm.

Phần thi thổi lửa

Theo tục xưa, nước nấu cơm sẽ được lấy từ sông Nhuệ, ai về sớm nhất sẽ giành giải. Phần thi thổi lửa, giải thưởng được trao cho đội nào đánh lửa nhanh nhất chỉ với những vật dụng thô sơ như rơm, tre, bùi nhùi rơm. Sôi động nhất là phần thi thổi cơm với ba công đoạn: Giã thóc, sàng thóc và thổi cơm.

Khi cơm chín, mỗi giáp dự thi phải giấu nồi cơm trong đống tro nhằm nghi binh và đánh lừa ban giám khảo. Nếu đội nào bị phát hiện nồi ngay từ đầu sẽ coi như thua cuộc. Việc giấu nồi vào đống rơm là một công đoạn khá lạ mà Thị Cấm vẫn còn giữ được đến bây giờ. Ban giám khảo rất vất vả để xác định xem nồi cơm được giấu ở đống tro nào. Tiêu chuẩn đoạt giải là cơm chín dẻo và trắng ngon. Theo quan niệm từ xưa, đội nào giành thắng lợi trong các phần thi thì sẽ được tài lộc và may mắn cả năm.

Sôi động phần thi nấu cơm.

Ông Bùi Đình Chung- Phó Ban tổ chức lễ hội cho biết: “Lễ hội hàng năm này là niềm tự hào của làng chúng tôi. Kể cả những năm chiến tranh lễ hội vẫn được duy trì. Đây cũng là dịp để con cháu trong làng gặp gỡ, chúc tụng nhau nhân dịp đầu năm”.

Tuy lễ hội năm nào cũng thế, bấy nhiêu phần thi nhưng năm nào người xem cũng được trải qua những giây phút cực kỳ gay cấn, căng thẳng. Gọi là cuộc thi bởi có sự phân thắng bại của các đội tham dự chứ giải thưởng chỉ mang tính tượng trưng.

Ông Chung cho biết trước khi diễn ra lễ hội, làng đã họp mọi người trong làng lại để phân chia công việc cụ thể, tỉ mỉ từng công đoạn. Những người được chọn làm giám khảo phải là những bậc cao niên ở làng, được dân làng tín nhiệm. Các bà, các mẹ sẽ đảm nhiệm việc chọn thóc và chuẩn bị đồ cho mỗi phần thi. Những thành viên của các đội sẽ tự tập hợp nhau để phân công công việc trong cuộc thi.

Mỗi người một việc nên lễ hội năm nào cũng diễn ra rất thành công. Thi thổi cơm lễ hội xuân mang đậm tính cộng đồng, tính văn hóa, hiếm nơi nào còn giữ được!

Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN