Còn ai “giữ hồn” cho bản làng?

Thầy mo hay còn được gọi là “bố mo” là người có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam. Với người dân sinh sống ở khu vực này, trời đất, núi sông, vạn vật đều mang linh hồn và thầy mo được coi là người giữ linh hồn cho bản, làng. Nhưng hiện nay, số lượng thầy mo còn lại rất ít.

Người hướng dẫn bà con trong các mối quan hệ cộng đồng

Giáo sư Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, bày tỏ: “Nhắc đến thầy mo, người ta thường nghĩ đến những câu chuyện có tính mê tín dị đoan, nhưng thực chất thầy mo lại là một người rất quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Thầy mo được coi là người giữ linh hồn, tri thức sống của các bản làng”.

Thày mo Bùi Văn Kình với 71 năm gắn bó với nghề mo.

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc, thầy mo là những người có tài năng và đức độ, hiểu biết sâu sắc về tri thức văn hóa dân gian, tâm sinh lý và đạo lý làm người, và được cộng đồng kính trọng. Người đó có đủ năng lực hướng dẫn bà con biết ứng xử trong các mối quan hệ của cộng đồng theo truyền thống đạo đức và luật tục của dân tộc.

Các thầy mo luôn biết các lễ nghi tâm linh, khơi dậy ý chí, niềm tin, nghị lực cho con người trong những hoàn cảnh cụ thể, hướng con người tới cái đích “chân thiện mỹ”. Tất cả những công việc liên quan đến phong tục tập quán trong làng bản đều cần đến vai trò của thầy mo.

Trong cuộc sống của đồng bào dân tộc, các hoạt động như: Lễ hội, đầy tháng cho trẻ sơ sinh, rước cô dâu mới về nhà, dựng miếu mạo, ma chay, chặt hạ cây cổ thụ, dựng nhà mới... đều ứng với từng bài mo riêng nhưng đặc sắc nhất vẫn là những bài mo trong nghi lễ đám tang. Bài mo này gồm 3 bộ phận: “Mo đẻ đất đẻ nước” kể về thời trái đất mới sinh ra, được coi như một cuốn lịch sử của dân tộc. Tiếp đó là “Mo vía” nói về cuộc đời con người từ lúc mới sinh ra cho đến khi chết. Phần mo cuối cùng là “Mo lêng clơi” tức là mo hồn người chết lên trời.

Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống và dân trí của đồng bào dân tộc đã tiến bộ lên rất nhiều. Tuy nhiên, với vai trò là người nắm giữ truyền thống văn hóa, lịch sử và là linh hồn của bản làng nên thầy mo vẫn luôn có vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc.

Số lượng ngày càng ít


Mặc dù nghề “thầy mo” góp phần rất lớn trong việc "giữ hồn" cho đồng bào dân tộc, nhưng do ảnh hưởng của đô thị hóa, nghề này đang dần bị mai một và mất dần. Số lượng các thầy mo bản đang ngày càng giảm dần. Riêng ở xã Lũng Vân (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) với dân số hơn 2.500 và 100% là người dân tộc Mường, nhưng chỉ còn lại hai anh em thầy mo Bùi Văn Kình (88 tuổi) và Bùi Văn Kính (86 tuổi) là còn tâm huyết với nghề.

Theo lời kể của ông Bùi Văn Kình, từ nhỏ, hai anh em ông đã theo ông nội và bố để học nghề, nên những nghi lễ, phong tục tập quán của đồng bào Mường các ông đều hiểu rõ. Thời thanh niên, cả hai ông đều bỏ nghề để tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người anh góp mặt trong đoàn quân Tây Tiến khi 24 tuổi, còn người em vào bộ đội địa phương đóng ở Mường Bi... Sau khi trở về quê hương, hai ông lại tiếp tục với cái nghề giữ hồn cho làng này. "Giờ chỉ còn hai anh em tôi làm mo, nên cứ có việc là các nhà lại mời đi, nhiều khi rất bận rộn, nhất là vào dịp lễ cúng cơm mới..." - thầy Kính chia sẻ.

Sự “khan hiếm” thầy mo và phân biệt thầy mo “giả” hay “thật” đang là vấn đề đau đầu với không chỉ người dân mà còn với các cơ quan chức năng.


Nghề mo là một nghề mang đậm bản sắc dân tộc, vì thế nó đòi hỏi những yêu cầu rất khắt khe từ người học. Trước tiên phải là người có “máu mủ ruột thịt” mới được truyền lại. Tiếp đó, người đó phải có kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa, và phải là người có đức độ.

Ngày nay, có rất nhiều công việc để lựa chọn mà lại có thu nhập khá, nên nghề mo “chân chính” dần dần bị lãng quên. Thầy mo Nguyễn Văn Kính chia sẻ: “Con cái thì nhiều nhưng chẳng đứa nào chịu theo nghề này. Cả nhà có mỗi thằng út biết chút ít về nghề nhưng nó cũng không muốn theo. Bên nhà anh tôi cũng vậy”.

Hiện tại, thầy mo vẫn rất quan trọng với người dân tộc bởi trong các nghi lễ thờ cúng của dân bản không thể thiếu họ. Trong khi dân số ngày một tăng, nhu cầu ngày càng nhiều mà số lượng thầy mo lại ít dần. Tình trạng này đã tạo cơ hội để những thầy mo giả tạo, lợi dụng sự cả tin của đồng bào để lừa lọc kiếm tiền.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh cho biết, cách đây 10 năm, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Tỉnh ủy tỉnh Hòa Bình đã đầu tư để thầy mo Bùi Văn Đủ và nhạc sỹ Bùi Chỉ dựng lại một đám tang và dùng camera quay lại toàn bộ những hình ảnh, lời hát của thầy mo bằng tiếng Mường và phiên âm bằng vần latinh. Ông đã dựng một ngôi nhà sàn dưới chân núi để tái hiện một đám tang theo đúng phong tục, đồng thời lưu giữ lại nét văn hóa đặc sắc này. Theo giáo sư: “Xã hội phát triển, công nghiệp hóa và hiện đại hóa diễn ra trên mọi lĩnh vực và văn hóa cũng không là ngoài lệ. Vì thế sẽ có rất nhiều những giá trị văn hóa truyền thống mất dần đi, nếu không có sự hiểu biết thật đúng đắn và không có những biện pháp nhằm giữ gìn và lưu truyền. Bởi văn hóa là cả một quá trình tiếp nối chứ không phải là quá trình thay thế. Và để điều đó không xảy ra thì Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, đưa ra những biện pháp, chính sách cụ thể để lưu giữ nét văn hóa đặc sắc này”.

Hương Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN