Chợ tre - nét đẹp văn hóa vùng đất võ

Có lẽ đây là chợ phiên duy nhất trên cả nước chuyên mua bán một mặt hàng là tre cây. Không còn ai nhớ về lịch sử hình thành của chợ phiên này, các bậc cao niên nhất cũng chỉ nhớ rằng, phiên chợ có từ “lâu lắm, trải qua nhiều đời rồi, dễ chừng đã mấy trăm năm”. Chỉ biết rằng chợ tre đã thành phiên chợ quen thuộc của người dân Bình Định từ đời này qua đời khác, cứ 5 ngày lại họp phiên một lần...

Bản sắc chợ tre

Bà lão bán tre vang tiếng mời khách: “Chú mua cho công ty hay cho riêng chú, mua bao nhiêu, tùy số lượng mà giá cả có thể lên xuống đôi chút”.

Bà tên Trần Thị Mai, ở thôn Trung Thuận, xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) đã 70 tuổi đời, kinh qua 40 năm bán tre ở chợ tre. Bà kể: “Phiên này tre ít, do người dân vào vụ gặt, vụ ớt, bình thường tre chất đầy từ đây đến lút đằng kia”. Bà đưa tay chỉ khoảng sân rộng hàng mẫu đất.

Đã bán tre gần bằng một đời người, bà Mai 3 lần theo chợ phiên thay đổi vị trí, nhưng cũng đều trong xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), bây giờ vị trí họp chợ khu An Lương, thuộc thôn Chánh Thiện. Bà cũng không biết chợ tre có từ bao giờ, ngày trước theo người lớn đi bán tre, mấy chục năm sau, bà thành “người lớn” trong nghề, nhóm của bà còn có 2 phụ nữ khác. Hàng ngày làm nông, mua bán nhỏ, cứ đến trước các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28 (Âm lịch) mỗi tháng, bà lại đến chợ tre mua sỉ tre chiều hôm trước rồi bán lẻ vào hôm sau đúng ngày phiên.

Chợ tre có 2 nhóm phụ nữ mua - bán tre, trong đó có nhóm của bà Mai. Việc mua và bán diễn ra cùng một chỗ, bà không phải vận chuyển hàng hóa đi đâu. Mỗi phiên, hàng ngàn cây tre được mua bán chóng vánh đến mức kỳ lạ; giá tre được những người này mua lại khoảng từ 15.000 - 30.000 đồng/cây, gốc tre thì trên dưới 10.000 đồng mỗi gốc; giá bán tre cây dao động khoảng từ 20.000 - 50.000 đồng, gốc tre khoảng 10.000 - 15.000 đồng.

Đủ các loại tre cây được bày ở chợ, từ tre gốc, tre cây, tre to, dài, dày ruột đến mỏng ruột. Người bán tre từ khắp nơi, nhiều nhất là các thôn trong xã Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây. Tre được chặt rồi đưa đến chợ bằng nhiều cách, ngày trước thường dùng xe ngựa, xe bò; nay phần lớn người bán sỉ tre đều chỉ bán vài cây nên phải vận chuyển bằng xe đạp. Người bán tre đều là “người quê”, đa phần có cuộc sống khó khăn, chỉ mỗi tre là có sẵn nên phải vất vả chặt tre, đưa tre vượt hàng chục km đường để có thêm vài chục hay trăm ngàn đồng.

Sức sống chợ tre

Đúng phiên, 5 giờ sáng, chợ đã đông người. Nam - phụ - lão - ấu đều có cả, ai nấy đều chọn tre, những cây tre dài đến 7 đến 8 m, óng màu ngà hoặc xanh được xem xét thật kỹ. Trước 7 giờ sáng, việc mua bán đã hoàn tất, chợ tre bỗng vắng người cũng nhanh như việc mua bán. “Đội quân vận chuyển” với 3 chiếc xe công nông chuẩn bị cho phần việc còn lại, vận chuyển tre đến tận nơi người mua yêu cầu. Tre được đánh dấu, khắc tên người mua lên thân tránh nhầm lẫn, chủ xe công nông tùy vào địa điểm xa, gần của mỗi chủ tre mà chất tre theo thứ tự trên - dưới.

Tùy vào việc, công dụng để chọn từng loại tre cho phù hợp. Trước đây, phần lớn tre được mua để đan thuyền thúng, rổ, rá, nia, trẹt… Nay nhu cầu đi lại ngày càng nhiều hơn, người mua tre số lượng lớn dùng làm cọc be bờ hoặc làm chà, bè nuôi thủy, hải sản, người dùng làm nhà, đan vỉ…

Cụ Trương Sen Quý, đã 78 tuổi, ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát), suốt mấy chục năm qua vẫn đều đặn đến chợ tre mỗi phiên mua gốc tre về đan vỉ phơi hải sản. Vỉ cụ Quý cùng nhiều người khác đan được chuyên chở bán vào tận Kiên Giang, Vũng Tàu. Thu nhập từ nghề đan vỉ của cụ không cao, chỉ góp phần bổ sung cho nguồn thu nhập từ nghề nông. Cụ bảo, thu nhập mỗi ngày chỉ năm ba chục ngàn mà không phải ngày nào cũng làm nên chẳng ai khấm khá với nghề này cả, nhưng “người nhà quê” dùng những nghề phụ như thế để trang trải cũng đỡ ngặt lắm!

Người mua tre đan thuyền thúng phải chọn nhiều loại tre, tre dày đặc ruột dùng làm vành, tre to, dài, thẳng, mỏng ruột dùng để đan mê. Người làm bè, chà nuôi hải sản thì chọn tre già đã ngả màu ngà óng; làm nhà thì chọn tre thẳng, đều… dù là tre gì, khi cầm cây tre vuốt mà không thấy sù sì, sóc, nhám mới đạt yêu cầu… Trong khi đó, người chặt và bán tre không chỉ có cánh đàn ông, rất nhiều phụ nữ cũng vì mưu sinh mà vất vả với công việc này. Nhiều người, đến kỳ nộp học phí, mua quần áo cho con… cũng chặt vài cây tre, vất vả đưa tới chợ tre cầm về ít tiền trang trải.

Theo lời bà Mai, ngày trước, tre hiện diện trong cuộc sống của người dân nhiều hơn hiện nay; bây giờ nhiều loại chất liệu mới đã thay thế nhưng lượng tre được mua bán vẫn cứ tăng hơn trước. Sức chịu đựng bền bỉ của tre vẫn được “người nhà quê” sử dụng rất nhiều; sức sống của tre vì thế cũng bền bỉ như chính cây tre vậy.

Có người bảo rằng, nét hay, nét đẹp của chợ tre còn ở một điểm nữa là đã qua bao đời người, dời bao chỗ, nhưng tuyệt nhiên việc mua, bán diễn ra quy củ; không có ban tổ chức, chẳng cần ban quan lý, ấy vậy mà chưa hề có vụ sô sát, to tiếng quá đà nào xảy ra ở chợ tre. Người đến với chợ tre vùng đất võ cũng góc cạnh lắm, nhưng cũng thẳng như tre, mà cũng mềm dẻo, bền bỉ như tre.

Chợ tre bao năm qua vẫn tồn tại, như là di sản, nét đẹp văn hóa của vùng đất võ Bình Định được chính nhân dân bảo tồn và gìn giữ.

Bài và ảnh: Ly Kha

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN