Chia sẻ kinh nghiệm về chính sách phát triển điện ảnh: Kinh nghiệm từ nước bạn

Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVII, chiều 16/12, tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm về chính sách phát triển điện ảnh” đã diễn ra tại Phú Yên. Trong buổi tọa đàm này, diễn giả Simon Chistopher Farley, nhà hoạch định chính sách phát triển điện ảnh châu Âu, Giám đốc ngành công nghiệp sáng tạo của Hội đồng Anh tại Thái Lan và bà Kim Jung Ah, Tổng giám đốc phụ trách điện ảnh Tập đoàn Truyền thông CJ – Hàn Quốc đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý để điện ảnh phát triển.

Bà Ngô Phương Lan, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết: Điện ảnh là ngành nghệ thuật đầu tiên có bộ luật được thông qua năm 2006. Đến năm 2009, Luật Điện ảnh được sửa đổi và bổ sung. Nghị định 54 ngày 21/5/2010 đã quy định chi tiết một số điều luật điện ảnh. Nghị định cũng đề cập nhiều đến chính sách phát triển điện ảnh, hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh Việt Nam như: Xây dựng trường quay nội ngoại, hiện đại hóa thiết bị đầu tư, đảm bảo sản xuất phim theo điều kiện hiện đại...

Luật cũng quy định phải đảm bảo 30% phim Việt Nam chiếu tại rạp và 40% phim Việt Nam chiếu trên truyền hình. Bên cạnh đó là một số chính sách hỗ trợ khác như: Nhà nước sẽ có một khoản đầu tư hoặc tài trợ sau đối với các bộ phim nghệ thuật cho các tổ chức, cá nhân. Mức đầu tư căn cứ vào chất lượng phim và được Hội đồng thẩm định giá phê duyệt, ưu đãi về thuế cho các cơ sở sản xuất phim, ưu đãi cho việc xây dựng cơ sở chiếu phim, sản xuất phim, có nhiều chính sách chế độ ưu đãi khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh. Ngoài ra, Nhà nước cũng đặt hàng, đầu tư kinh phí cho phim truyện đề tài thiếu nhi, lịch sử dân tộc thiểu số, tài liệu khoa học, hoạt hình phục vụ thiếu nhi... Và một chính sách hết sức quan trọng là thành lập quỹ hỗ trợ hoạt động điện ảnh, hỗ trợ kinh phí cho những phim có giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng cao, được hội đồng nghệ thuật thẩm định; hỗ trợ việc đầu tư sáng tác kịch bản, mở trại sáng tác; hỗ trợ quảng bá phim ra nước ngoài; là đơn vị hạch toán độc lập, phi lợi nhuận, tự bù đắp kinh phí...

Chia sẻ kinh nghiệm về chính sách phát triển điện ảnh, ông Simon Chistopher Farley cho biết: Từ 2008 - 2011, Vương quốc Anh đã hỗ trợ hơn 1 tỷ bảng cho 880 tổ chức nghệ thuật của Anh. Đến năm 2012 có 696 tổ chức nghệ thuật nhận được nguồn hỗ trợ này. Trong 2 năm 2009 - 2010, Vương quốc Anh đã đầu tư 266 triệu bảng cho việc sản xuất phim. Số tiền hỗ trợ này được đóng góp từ nhiều nguồn khác nhau. Mục đích mà Chính phủ Anh luôn hướng tới là làm sao để phát triển nền điện ảnh của Vương quốc Anh.

Ông Simon cũng thừa nhận, điện ảnh Anh có lúc cũng khó khăn. Chẳng hạn như sự ra đời của tivi làm cho số lượng người đến rạp giảm đáng kể. Sau đó có hàng loạt tổ chức ra đời nhằm vực lại sự phát triển của ngành điện ảnh Vương quốc Anh. Hầu hết các phim hàng đầu của nước Anh đều nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, và sự hỗ trợ này đã có hiệu quả, riêng trong năm 2010, có tới 24 phim của Anh đã đoạt các giải thưởng lớn trên thế giới. Ngành công nghiệp điện ảnh Anh đã nhận được sự công nhận của chính phủ vì sự đóng góp rất lớn cho GDP nước này. Theo ông Simon, để điện ảnh một quốc gia phát triển, thì không thể thiếu được sự hỗ trợ từ chính phủ nước đó.

Bà Kim Jung Ah, Tổng giám đốc phụ trách điện ảnh Tập đoàn Truyền thông CJ – Hàn Quốc cho rằng: Điện ảnh Hàn Quốc phát triển mạnh như hiện nay nhờ có 3 yếu tố: Cơ sở hạ tầng, con người và nguồn vốn. Đặc biệt là vai trò của nhà nước với điện ảnh Hàn Quốc rất lớn. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, nguồn nhân lực điện ảnh Hàn Quốc đã được tăng cả về chất và lượng, nhiều người được đào tạo ở nước ngoài. Chính phủ Hàn Quốc cũng thành lập các cơ sở đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu cho ngành công nghiệp điện ảnh, vì thế Hàn Quốc có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc.

Theo bà Kim Jung Ah, việc Chính phủ Việt Nam thành lập Quỹ Điện ảnh sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành điện ảnh Việt Nam. Ngoài ra, ngành điện ảnh Việt Nam cũng cần quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực, bởi ngành công nghiệp văn hóa là ngành sáng tạo từ không thành có, và tài nguyên cơ bản nhất của ngành là nguồn nhân lực.

Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN