Câu lạc bộ giữ gìn nét văn hóa dân tộc Tày ở Tân Lập

Đã 7 năm rồi, cứ tối tối, ngôi nhà sàn của gia đình ông Ma Văn Trước, 87 tuổi, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) lại rộn ràng lời ca, tiếng hát, tiếng cười nói của bà con chòm xóm, bản làng. Người già, người trẻ trong làng tập trung về đây bởi họ có chung niềm say mê ca hát và khát khao lưu giữ hồn cốt văn hóa truyền thống của dân tộc Tày.



Em Nguyễn Thị Liên, 17 tuổi, dân tộc Tày, đang đàn, hát cho các dân tộc bạn nghe điệu hát then truyền thống của dân tộc mình.

 

Ở cái tuổi "xưa nay hiếm", ông Ma Văn Trước, dân tộc Tày được bà con trong làng đánh giá là người "giữ hồn văn hóa” dân tộc. Ông Trước tâm sự: “Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Đối với dân tộc Tày chúng tôi, những điệu hát then, hát cọi là những nét văn hóa độc đáo của cha ông để lại và được xem như là “báu vật” cần được giữ gìn, bảo tồn và phát huy”.


Ông Trước giải thích: “Then là cuộc sống của người Tày, bởi ngày xưa, then là những khúc hát sử dụng trong việc cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, cấp sắc…”. Tiếng hát then làm cho con người có thêm niềm tin yêu cuộc sống. Giai điệu của hát then mênh mang, chứa đựng nỗi lòng của người hát. Những câu hát, điệu múa đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu được với những người dân nơi đây. Nhưng theo thời gian, nhiều người cũng không còn “mặn mà” với những câu hát, điệu múa của dân tộc mình nữa. Và ông Trước muốn giữ gìn, truyền dạy lại cho con cháu mình những nét văn hóa đẹp, văn hóa riêng của dân tộc mình.


Với mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho việc giữ gìn và truyền lại giá trị văn hóa cho các thế hệ sau, năm 2005, ông Trước đã thành lập đội văn nghệ của thôn. Ông cho biết: Khi mới thành lập, cả đội chỉ có chưa đầy chục người. Đến nay đã thu hút được gần 30 thành viên, người cao tuổi nhất chính là tôi, người nhỏ tuổi nhất 17 tuổi. Đáng chú ý, đội có tới 20 thành viên là thanh niên. Đội văn nghệ hoạt động thường xuyên, mỗi tuần ba buổi, thu hút được rất đông bà con tham gia sinh hoạt, tạo nên không khí vui vẻ, phấn khởi”.


Bà Lưu Thị Phương, 56 tuổi, dân tộc Tày, một trong những thành viên đầu tiên tham gia đội văn nghệ thôn tâm sự: “Tôi nhớ lúc còn bé, những năm còn kháng chiến ác liệt, mỗi lần thấy mẹ và bà nội tôi đi hát và biểu diễn để cổ vũ tinh thần chiến đấu cho các chiến sĩ, tôi đòi đi theo để xem. Nhìn các chị múa, dần dần tôi cũng biết múa và hát được những bài hát then cổ, và đã đam mê hát then”.


Còn em Nguyễn Thị Liên, 17 tuổi, thành viên nhỏ tuổi nhất trong đội văn nghệ tâm sự: “Lúc đầu em đi theo xem mẹ hát, em thấy hát then rất hay và xin vào sinh hoạt trong đội văn nghệ, bây giờ em có thể vừa đánh đàn tính vừa hát. Trong đội có 3 bạn cùng tuổi em, bạn nào cũng hát rất giỏi”.


Anh Hoàng Văn Hoa, 27 tuổi, Đội trưởng đội văn nghệ của thôn cho biết: “Nhờ hăng say luyện tập, mỗi thành viên trong đội ai nấy bây giờ cũng như ca sĩ "chuyên nghiệp". Tận dụng ưu thế của một thôn văn hóa gắn với lịch sử cách mạng Việt Nam, các thành viên trong đội vừa luyện tập, truyền dạy cho nhau, vừa thường xuyên diễn cho các đoàn khách du lịch tới tham quan Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào - Thủ đô khu giải phóng xem và tìm hiểu về những nét văn hóa riêng của dân tộc mình. Trong các lần tham gia biểu diễn cho khách du lịch, đội đã nhận được sự ủng hộ từ các đoàn khách”.


Ông Hoàng Cao Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: “Để giữ gìn và phát huy tiềm năng du lịch của xã Tân Trào lịch sử, Ban văn hóa xã đang khuyến khích, nhân rộng mô hình đội văn nghệ thôn Tân Tập ra toàn xã, thông qua các đội văn nghệ nhằm quảng bá những nét văn hóa độc đáo của dân tộc cho du khách trong và ngoài nước được biết khi tới tham quan Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào.


Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN