Biểu tượng L.A hay nghệ thuật khốn cùng?

Một tác phẩm được tạo nên bởi kẻ bị cho là dở hơi, một công trình kiến trúc thoát khỏi bị phá hủy vì chất lượng xây quá tốt (!) giờ này là biểu tượng văn hóa của thành phố Los Angeles, nhưng cha đẻ của nó thì không bao giờ biết được điều ấy.

Simon Rodia, cha đẻ của tác phẩm nói trên đã dành ra hơn 30 năm thu nhặt dây thép, gạch vụn và xi măng tạo nên công trình, mà ông cũng không biết dùng để làm gì và một ngày bất ngờ tặng cho hàng xóm rồi bỏ đi.

Người đàn ông này không phải dân gốc L.A. Từ Ribottoli, một ngôi làng nhỏ miền núi, nằm phía Đông Napoli (Ý), Simon bám chân anh trai đến miền đất Bắc Mỹ đang vẫy gọi những kẻ mộng mơ đi tìm vàng để thoát nghèo. Quả thật họ tìm được công việc ở mỏ than Pennsylvania. Họ bán sức lao động và tuổi trẻ cho hầm tối, nhưng vận may không chịu mỉm cười: một ngày xấu trời, anh trai của Simon chết dưới hầm vì tai nạn. Simon trốn đi tiếp đến Bờ Đông và kiếm ăn qua ngày tại các công trường. Lấy vợ và đẻ con. Con gái mất sớm, vợ bỏ đi. Simon đắm chìm vào rượu cho quên đời. Hình như có những số phận sinh ra chỉ để minh họa cho câu “họa vô đơn chí“.


Tháp Watts và...

Sinh thời, Simon không hề nghĩ đến có ngày công trình của mình sẽ trở thành một dạng huyền thoại. Từ mấy thập kỷ nay, tác phẩm của ông dầm mưa dãi nắng ở một góc đất trong quận Watts, vốn là khu người nghèo đầy tai tiếng của L.A. Thực ra sau này, hồi 1965 và 1992 Watts cũng được các kênh truyền thông nhắc đến, song chỉ vì các vụ xung đột màu da. Thành phố Los Angeles chỉ nhớ đến Simon khi đã gần quá muộn, và hôm nay người ta cố cứu những gì còn có thể cứu được.

Đó là các ngọn tháp Watts, đúng hơn là một nhóm tượng hình tháp. Simon tự tay xây chúng, mỗi ngày lên một vài phân, không ngơi nghỉ trong hơn ba thập kỷ ròng rã. Vật liệu mà ông sử dụng là chai lọ, gạch, xi măng, dây thép, sành vỡ - rác thải của nền văn minh Mỹ còn khá trẻ và không có thì giờ bận tâm đến nhân lực nhập cư rẻ mạt. Năm 1965, khi đã bỏ Watts chuyển đến Bắc Cali được mười năm, Simon từ giã cõi đời đã bạc bẽo với mình, bỏ lại cả công trình mà chính ông cũng không còn muốn để mắt đến.

Thiên tài hay loạn óc?

“Tôi muốn tạo ra một cái gì cực lớn“, thực ra Simon có nói câu đó về công trình có hơi hướng lập dị của mình. Song ngay gia đình ông cũng không hiểu mục đích ấy. “Cho đến hôm nay“, cháu ông là Nick Calicura vẫn nói, “tôi không rõ ông tôi là một thiên tài hay loạn óc“.Có lẽ cả hai.

Con người lẫm chẫm 1m50 ấy không cần dàn giáo và dây bảo hiểm, thậm chí không có cả bản vẽ lẫn người giúp việc. Cứ thế 34 năm trời, Simon làm một việc vượt tầm những đầu óc tưởng tượng và trình độ kỹ sư thông thường. Tựa như ông muốn cật lực tìm cách thoát khỏi những khốn khó của đời mình.

Như hàng triệu dân nhập cư khác, Simon đi tàu hơi nước ngang qua đảo Ellis Island vào cảng New York - dưới ánh mắt anh minh nhưng đầy lo ngại của Nữ thần Tự do. Sau khi mất anh, ông cùng vợ mới cưới đến Oakland gần San Francisco. Lời chào đầu tiên là trận động đất kinh hoàng 1906. Cuộc ly dị và chứng nghiện ngập khiến Simon biến hẳn trong vũng bùn ngập ngụa.

Cha đẻ của nó: Simon Rodia

1917 Simon xuất hiện ở Nam Cali, giờ đã thoát nghiện. Bốn năm sau ông tích cóp đủ tiền để mua một rẻo đất bụi bặm hình tam giác ở quận Watts chật cứng người nhập cư, và tạm dựng một túp lều bằng ván gỗ để nương thân, ngay từ đầu đã cháy bỏng một kế hoạch - “tạo ra một cái gì cực lớn“. Kỳ thực ông nhắm đến một khu đất cách đó 20 cây số, cạnh đại lộ Wilshire Boulevard ở Beverly Hills tấp nập. Song Watts là nơi duy nhất hợp túi tiền.

Ban ngày Simon kiếm tiền ở công trường, hết giờ thì thợ nề nghiệp dư mới chính thức ra tay. Tổng cộng 17 tháp nhọn với hình thù khác nhau, ngọn cao nhất đạt 31m. Cho đến nay, hai ngọn tháp chính vẫn giữ kỷ lục là cột bê tông cốt thép một khối cao nhất mà không dùng đến ốc vít hay mối hàn nào. Ông cuộn dây thép và ống nước làm xương rồi đổ xi măng, và trong lúc mặt ngoài vừa se thì trang trí bằng đủ mọi thứ nhặt được: ngói vỡ, vỏ ốc, chai nước ngọt, sành sứ...

Một thách thức bằng bê tông

Ngày lại ngày, dần dần thành hình các vòm cuốn, cổng rào, tường ngăn... từ hàng vạn chi tiết nhỏ. Hôm nay người ta còn thấy Simon cố tình để lộ “vật liệu xây dựng“ như biển quảng cáo 7 Up hay chai rượu Canada Dry. Khắp nơi ông để lại chữ ký SR và số nhà 1765.

Simon gọi công trình của mình là “Nuestro Pueblo“ (Làng ta). Trẻ con khu phố chăm chỉ khuân rác rưởi đến cho ông “xây“, nhiều nhất là các mảnh vụn từ xưởng gốm gần nhà. Simon đi hàng cây số dọc đường ray của tuyến Pacific Electric Railway để nhặt rác ném trên tàu xuống.

Nhưng không phải ai cũng đồng tình với ông già dở hơi ấy. Trong Thế chiến II người ta đồn ông xây tháp làm... ăng-ten để liên lạc với máy bay Nhật! Sau hòa bình, dân nhập cư Nam Mỹ bỏ đi, nhường chỗ cho người da đen nghèo khổ hơn. Watts dần trở thành một khu ổ chuột.

Năm 1954 Simon ngán ngẩm phủi tay ra đi, lúc đó ông đã 75. Ông tặng người hàng xóm miếng đất của mình rồi về ngoại ô San Francisco để - như ông nói - “chết trong vòng tay gia đình“. Ông còn sống thêm 11 năm nữa, nhưng không bao giờ quay lại Watts.

Năm 1959 Sở Xây dựng quyết định phá dỡ, mặc dù đông đảo người yêu nghệ thuật phản đối và đề nghị bỏ ra 3.000USD mua lại mảnh đất. Thành phố không nhượng bộ, song mọi cần cẩu đến phá đều đứt cáp vì chất lượng công trình quá cao!

Sau vụ đụng độ giữa cư dân ổ chuột năm 1965 với cảnh sát dẫn đến 34 người chết, nhóm tháp Watts trở thành biểu tượng của tự do. Năm 1975 cơ quan bảo vệ di sản của Cali tiếp quản công trình, và từ 1990 Bộ Nội vụ Mỹ xếp mảnh đất này vào hạng Di tích văn hóa quốc gia, giao cho Bảo tàng mỹ thuật Los Angeles County Museums Of Art chăm sóc.

Tuy nhiên nhiều du khách đến L.A chỉ đi tìm Hollywood hay Disneyland, vì nhóm tháp của Simon nằm xa các trục giao thông chính. Mỗi năm người ta chỉ đếm được 45.000 khách tới chiêm ngưỡng công trình biểu tượng của thành phố danh tiếng bậc nhất xứ Cali. Nước Mỹ, vốn do dân tứ chiếng hợp thành, dù có những thành tựu văn hóa kiệt xuất đến mấy thì cũng ít để tâm đến những gì “nhỏ bé“. Nhiều khi họ quên cả những người nhập cư đã tạo nên phồn vinh cho xứ sở này.

Theo thethaovanhoa.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN