Bảo tồn kiến trúc phố cổ Hà Nội: Bảo tồn kiến trúc gắn với cuộc sống người dân

Làm thế nào để bảo tồn các ngôi nhà truyền thống đặc trưng của khu phố cổ trước nhu cầu cuộc sống luôn thay đổi?


 

Một ngôi nhà truyền thống phố cổ: Trên cổ, dưới hiện đại.

KTS Romain Orfeuvre, đại diện phía thành phố Toulouse (Pháp), từng công tác tại Ban quản lý phố cổ Hà Nội để hỗ trợ bảo tồn không gian kiến trúc trong phố cổ, nhận xét: “Tôi đã nghiên cứu mẫu kiến trúc trong không gian phố cổ nhiều năm và nhận thấy đặc trưng là những ngôi nhà “hình ống” hay nhà “nhiều gian” được thấy phổ biến ở những nơi đất chật hẹp và sâu của khu phố cổ. Do dân số tăng nên toàn bộ khu nhà gồm nhiều gian gắn liền với nhau và được nối với nhau qua các khoảng sân ở phía bên trong. Những người buôn bán sử dụng phần mặt phố để kinh doanh. Chỗ dành cho sinh hoạt được bố trí ở trong các gian nhà nằm cuối sân. Trước đây, chúng tôi có hỗ trợ phía Việt Nam nghiên cứu và cải tạo ngôi nhà 87 Mã Mây và 51 Hàng Bạc để làm mẫu cho việc cải tạo của những ngôi nhà đơn lẻ. Thực tế ngoài việc cải tạo bề ngoài, chúng tôi cũng tư vấn để người dân ở các ô phía trong cải tạo lại nhà vệ sinh, môi trường để tạo không gian sống hợp lý. Người dân là chủ thể sống của khu phố cổ nên quan tâm đến môi trường sống của họ”.


KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng: “Từ lâu các nghiên cứu về khu phố cổ đều khẳng định, bản thân giải pháp kiến trúc, cấu trúc đô thị trong khu phố cổ hiện nay có cả quá trình diễn biến hơn 1.000 năm nay. Thời gian vừa qua, do công tác quản lý của chúng ta chưa theo kịp với nhu cầu cuộc sống người dân nên không gian kiến trúc có phần thay đổi”.


Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội: Có 5 mẫu kiến trúc đặc trưng truyền thống gồm có: Mẫu kiến trúc nhà cổ truyền thống Việt Nam. Thời thuộc Pháp, nhiều kỹ thuật mới, giải pháp kiến trúc của người Pháp được áp dụng, mà chúng ta hay gọi là kiến trúc thuộc địa với 3 mẫu kiến trúc gồm vùng địa Trung Hải, nghệ thuật trang trí Art Deco; giải pháp kiến trúc vùng Alpee. Và giai đoạn 1954 -1986, với nền kinh tế kế hoạch hóa bao cấp với kiến trúc nhà thấp tầng, mái dốc.


KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: “Thời gian tới, chúng ta bảo tồn theo phong cách nào, bảo tồn đa dạng và số lượng bao nhiêu thì cần cân nhắc xem xét và lấy ý kiến rộng rãi. Điều này thể hiện trong Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội và danh mục giá trị từng ngôi nhà kèm theo. Trước kia, trong quản lý kiến trúc nhà phố cổ, quan điểm là bảo tồn nguyên trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thì dự thảo Quy chế quản lý lần này đưa ra khái niệm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Đáng chú ý là có đề cập đến phương tiện giao thông vận tải hiện đại với tuyến đường chạy ngầm dưới tuyến đường Hào Đào, Hàng Ngang chạy ra Bờ Hồ; vấn đề không gian mở, bãi đỗ xe ngoại vi. Đó là những điểm mới cần phải lấy ý kiến của chuyên gia, người dân để có sự hài hòa về không gian kiến trúc”.


Nhưng để bảo tồn không gian kiến trúc phố cổ, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm cần chú trọng đến vai trò người dân và cộng đồng tại đây bởi hơn ai hết họ là những người sống trong không gian kiến trúc này. “Thể chế đầy đủ nhưng vai trò cộng đồng tham gia đặc biệt quan trọng. Cộng đồng ở đây không chỉ là người bị quản lý. Cộng đồng là người tham gia xây dựng từ quy chế, thấy giá trị khu phố. Nội dung xác định trong luật hiện hành nhưng cần tuyên truyền cho người dân hiểu. Không chỉ yêu cầu người dân có trách nhiệm mà họ phải có quyền lợi bảo tồn phố cổ này. Khu phố cổ có nhiều dự án nhưng quan trọng phải nâng chất lượng cuộc sống người dân lên. Chỉ khi họ thấy quyền lợi thiết thực, họ sẽ cùng tham gia bảo tồn. Do đó, khi đề xuất dự án và quan trọng là giám sát việc thực hiện dự án đó. Giám sát không chỉ chính quyền địa phương mà cả người dân. Đó là vai trò cộng đồng”.


Việc bảo tồn khu phố cổ đã có nhiều bài học kinh nghiệm trên thế giới. Như việc bảo tồn các đô thị của châu Âu cũng đi đến kết luận là nếu bảo tồn chỉ bảo tồn công trình, không thì sẽ mai một và không có giá trị. “Muốn bảo tồn và nâng giá trị khu phố đó lên, có ý nghĩa về kinh tế xã hội thì bảo tồn phải gắn với nội dung mục tiêu sử dụng, cuộc sống người dân tại nơi đó. Điều đó đồng nghĩa bảo tồn kiến trúc phố nghề thì bảo tồn nghề truyền thống trong phố đó thì mới hấp dẫn. Đây là bài học từ các nước châu Âu, kể cả Trung Quốc, người ta gắn kết yếu tố này và có sức hút du lịch lớn”, ông Nghiêm nhận xét.


Một người dân khu phố cổ cho rằng: “Đi liền với bảo vệ không gian kiến trúc truyền thống, chính quyền quận Hoàn Kiếm và phường trong khu phố cổ tạo điều kiện về chính sách sửa chữa, tư vấn về mẫu nhà cụ thể để người dân sửa chữa, cải tạo phù hợp với nhu cầu cuộc sống. Trước tiên phải đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt người dân tại các ngôi nhà. Có ổn định thì người dân mới cùng tham gia đảm bảo cải tạo công trình kiến trúc đặc trưng.


Để hướng dẫn người dân phố cổ cải tạo và xây dựng mới trong khu phố cổ, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã cung cấp tài liệu về bảo vệ, gìn giữ mẫu kiến trúc đặc trưng và giải pháp bảo tồn, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại. Theo đó quy trình cải tạo, bảo tồn theo mẫu đặc trưng thực hiện theo các bước: Di chuyển các hộ dân ra khỏi công trình; Hạ giải toàn bộ các cấu kiện để đảm bảo việc gìn giữ và bảo tồn các chi tiết bằng gỗ; Đánh giá, phân loại các cấu kiện; Tu bổ các chi tiết còn tốt và thay thế các chi tiết thiếu hoặc hư hỏng; Gia cố hệ thống nền móng công trình; Lắp dựng công trình theo các kết cấu và kiến trúc ban đầu, sau đó là hoàn thiện công trình.


Trên thực tế, mỗi kiểu kiến trúc mang dấu ấn của mỗi thời kỳ, vì thế, khi xây dựng mới, để đảm bảo cảnh quan tuyến phố, phù hợp với kiến trúc nhà truyền thống, cần quan tâm đến quy mô và chiều cao công trình chứ không chỉ là hình thức bên ngoài. Điều dễ nhận thấy, nhiều nhà xây mới quá cao làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu phố cổ, tạo cảm giác thu hẹp mặt đường, làm mất đi ánh sáng và thông thoáng tự nhiên. Bên cạnh đó biển hiệu, biển quảng cáo trở thành một vấn đề lớn ảnh hưởng đến tầm nhìn mặt đứng công trình trong khu phố cổ. Thường có quá nhiều biển hiệu trên cùng một mặt đứng hoặc kích thước biển hiệu quá lớn, trong nhiều trường hợp các biển hiệu che khuất toàn bộ công trình. Số lượng các biển hiệu ảnh hưởng nhiều đến cảnh quan, tuyến phố. Do đó, các loại biển, bảng quảng cáo cần làm đơn giản, không che khuất mặt đứng của ban công, cửa sổ, mái đua.


Bài và ảnh: Xuân Minh

Bảo tồn kiến trúc phố cổ Hà Nội: Bài 2: Khó nhân rộng mô hình
Bảo tồn kiến trúc phố cổ Hà Nội: Bài 2: Khó nhân rộng mô hình

Tuy nhiên việc vận động người dân tham gia bảo tồn thực sự khó khăn, 5 hộ dân ở số nhà 87 Mã Mây thì 1 hộ thành phố đã phải cưỡng chế mới di dời. Đây cũng là thực trạng chung của các khu nhà cổ trong phố cổ Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN