“Ẩn số” Cầm Giang

Tôi về công tác ở trường ĐH Mỏ - Địa Chất (đóng tại thị xã Phúc Yên – tỉnh Vĩnh Phúc) cuối năm 1967. Vài năm sau, tôi gặp nhà thơ xứ nghệ Nguyễn Bùi Vợi dạy học gần đấy. Qua Nguyễn Bùi Vợi tôi được làm quen với Cầm Giang (ảnh), nhà thơ quê xứ Thanh, lấy vợ và định cư ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

 

Thời kỳ này tôi mới tập tành làm thơ, gia sản chỉ có dăm bảy bài đăng rải rác trên các báo. Trong khi đó thì hai anh đã là tác giả có tên tuổi, đặc biệt Cầm Giang đã có thơ in thành tập ở một nhà xuất bản lớn, có thơ phổ nhạc, có thơ nằm trong Tuyển tập Quốc gia. Cho nên tôi cứ thấy giữa mình với hai anh có một khoảng cách xa vời. May thay, đó chỉ là ý nghĩ của riêng tôi, trong thực tế Nguyễn Bùi Vợi và Cầm Giang đã cư xử với thằng bạn kém họ chục tuổi này hầu như chẳng có khoảng cách nào cả.

Vài ba năm trở lại trên nhiều báo chí Trung ương có đăng bài nói về nhà thơ Cầm Giang và đều có ý nghi hoặc hai bài thơ “Nhớ vợ” và “Em tắm” (trong tập “Rừng trắng hoa ban”) có đúng do Cầm Giang dịch, hay Cầm Giang chính là tác giả. Điều nghi hoặc ấy cũng là điều nghi hoặc của tôi cách đây hơn bốn chục năm, vì mấy lý do sau:

Thứ nhất, tôi vốn là một kỹ sư địa chất, đi đây đi đó nhiều, có điều kiện tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt với đồng bào Thái Tây Bắc. Tôi lại rất thích thơ, đã bỏ nhiều công đến các tổ chức văn nghệ địa phương những tỉnh miền núi để tìm nguyên bản tiếng Thái và tác giả của bài thơ “Nhớ vợ” và “Em tắm”, nhưng đều vô vọng. Thậm chí sau này tôi hỏi đích danh “tác giả” Cầm Giang, mà anh chỉ cười và tìm cách đánh trống lảng.

Thứ hai, nếu đối chiếu “Nhớ vợ” và “Em tắm” với nền thơ dân tộc Thái nói chung, tôi nhận thấy hai bài thơ này hay thì rất hay, lạ thì rất lạ, hồn nhiên thì rất hồn nhiên, nhưng có vẻ “thái quá”, “láu cá quá”. Kiểu như đó là tác phẩm của một tác giả người Kinh “lõi đời” sắm vai một tác giả dân tộc thiểu số, chứ không phải tác phẩm của một tác giả thiểu số đích thực.

Lý do thứ ba, từ khi hai bài thơ rất nổi tiếng ấy được công bố trên báo chí đến nay đã rất lâu, tại sao hai tác giả của chúng ta là Bạc Văn Ùi và Cầm Vĩnh Ui không thấy xuất đầu lộ diện dưới bất kỳ hình thức nào? Trường hợp xấu nhất là cả hai đều đã chết, thì gia đình họ, bạn bè thân thích của họ cũng có người tìm cách liên lạc với cơ quan báo chí từ địa phương đến Trung uơng chứ?

Tôi đem những suy nghĩ đó trao đổi với đám bạn bè văn nghệ xung quanh, là Nguyễn Giang (cán bộ giảng dạy Đại học Kinh Tài), là Nguyễn Công Dương, Nguyễn Huy Chỉ (quê ở Mê Linh, Vĩnh Phúc), là Nguyễn Văn Cường, Hoàng Tá (quê ở Vĩnh Tường). Rất may là cả năm vị này đều nhất trí với tôi, và “xui dại” tôi trực tiếp hỏi Cầm Giang, tôi chắc mẩm, với những lý lẽ “hùng hồn” của mình, thế nào cũng thuyết phục được nhà thơ, để anh thừa nhận bản quyền tác giả với hai bài thơ đó. Nào ngờ tôi đã húc đầu phải đá. Cầm Giang chẳng những không bị tôi thuyết phục, mà rất lạ, là anh đã nổi khùng lên thực sự, một điều rất hiếm thấy ở con người nổi tiếng đằm tính đó: “Lần sau nếu cậu còn lải nhải chuyện này, thì đừng vác mặt đến đây gặp tớ!”. Sau đó đầu năm 1971 tôi đi bộ đội.

Chẳng hiểu lý do gì mà suốt thời gian tôi vào Nam đánh giặc, Cầm Giang lại nhận được quá nhiều nguồn tin đồn thất thiệt về tôi. Nào là Hoàng Bình Trọng đã hy sinh dưới chân Thành cổ Quảng Trị hồi đầu tháng Tám năm 1972. Nào là Hoàng Bình Trọng đã chết đuối trong khi cùng đơn vị vượt sông Trà Khúc giữa mùa hè 1974. Nào là... Có lẽ vì thế mà đầu năm 1977 được tin tôi đã giải ngũ, trở về dạy học ở trường ĐH Mỏ - Địa Chất như cũ, Cầm Giang đạp xe trong mưa dầm gió bấc suốt chặng đường gần hai chục cây số đến tìm tôi.

- Có phải thân xác thịt hay hồn ma của mày hiện về hả Trọng?

Cầm Giang ôm chầm lấy tôi khóc nức nở.

- Em sống nhăn răng ra đây chứ hồn ma nào – Tôi cố nói cứng và kín đáo gạt nước mắt trên vai áo của anh.

Theo lời mời của Cầm Giang, tôi đến chơi nhà anh ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường. Mãi đến lúc này tôi mới biết người bạn vong niên thân thiết này của mình có tên khai sinh là Lê Gia Hợp, tên thường gọi là Lương Cầm Giang, sinh năm 1931.

Nét độc đáo nhất của Cầm Giang là không uống rượu, nhưng lại có rất nhiều bình rượu ngâm thuốc, không để bán mà để tiếp đãi bạn bè. Khốn nỗi, tửu lượng tôi chẳng hơn gì Cầm Giang, hai anh em đành mở tiệc ngô nướng, vừa ăn vừa nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Giữa chừng tôi chợt nhớ chuyện xưa, lại hỏi:

- Bây giờ chắc anh chẳng ngần ngại gì mà không cho em biết tác giả thực của hai bài thơ “Nhớ vợ” và “Em tắm” là ai rồi chứ?

Cầm Giang cáu kỉnh một cách thân mật:

- Cái thằng nhớ dai như đỉa.

- Xin anh hiểu cho. Cũng vì thắc mắc ấy chưa được giải đáp mà em chết nhiều lần không nhắm nổi mắt, phải sống lại về đây để hỏi anh bằng được đó nghe.

- Mày đã nói thế thì tao không trả lời sao được! Nhưng tao chỉ có một yêu cầu là tuyệt đối mày không được tiết lộ điều sâu kín này của tao với ai để tao khỏi rơi vào hoàn cảnh khó xử.

- Xin hứa!

Cầm Giang nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tôi là người duy nhất được anh thổ lộ điều này, rồi đủng đỉnh nói tiếp:

- Thông thường người đời thích biến con nuôi thành con đẻ, còn tao thì cố sống cố chết để biến con đẻ thành con nuôi. Nói thế, cậu hiểu rồi chứ? Hai bài thơ “Nhớ vợ” và “Em tắm” do tao làm ra, là “con đẻ” chứ đâu phải là tao dịch “con nuôi” đâu.

- Vâng, nhưng sao lại thế?

- Vì tao không muốn hai đứa con tinh thần ấy chết khô trong sổ tay mà phải được cấp giấy khai sinh chào đời.

- Ồ, đó là hai bài thơ tình rất hay thuộc loại hiếm có cơ mà?

- Càng thuộc loại hiếm có càng phải giấu tịt. Chẳng phải “Màu tím hoa sim” là bài rất hay mà tác giả của nó phải lên bờ xuống ruộng đó sao? - Cầm Giang cười buồn – Thời kỳ này thơ tình rất khó được đăng báo, nếu có thì cũng chỉ đến mức “Cái xắc mây anh mang, em nách mo cơm nếp” hoặc “Anh đi bộ đội sao trên mũ”, chứ “Sao anh lại rình/ Trộm xem em tắm”, với “Cho tôi đi anh nhé, về ôm vợ hai đêm” thì... hết hơi.

Nhưng tôi vẫn chưa chịu:

- Cuối cùng thì “Nhớ vợ” và “Em tắm” vẫn được in trên sách báo. Từ đấy đến nay mọi người chỉ khen, chứ có ai chê đâu?

- Khen là khen hai tác giả “ảo” Bạc Văn Ùi, Cầm Vĩnh Ui người dân tộc Thái đấy chứ. Với tác giả người dân tộc thiểu số thì chẳng nhà phê bình nào soi mói khuyết điểm “lãng mạn tiểu tư sản, thiếu lập trường giai cấp” của một bài thơ, mà chỉ tán dương: “Mộc mạc”, “hồn nhiên”, “chân chỉ hạt bột”, nói tóm lại, nhờ tài phù phép, tớ đã đưa hai bài thơ tình dễ bị ban biên tập ném vào sọt rác, thành hai bài thơ vào diện được ưu tiên xuất bản.

Cầm Giang ngửa cổ lên cười hềnh hệch, tiếp:

- Cũng vì cái chuyện ưu tiên, ưu hậu này mà nhà thơ nọ bực bội đã làm mấy câu vè đem đọc lung tung, sau này cậu ta bị kiểm điểm đến rát cả mặt. Mấy câu vè thế này Người ta ưu tiên phải già, thì mình còn trẻ/ Người ta ưu tiên phải trẻ, thì mình đã già/ Người ta ưu tiên đàn bà, thì mình là đàn ông/ Người ta ưu tiên bần nông, thì mình là địa chủ/ Người ta ưu tiên người thiểu số, thì mình là người Kinh. Tao cũng nằm trong hoàn cảnh giống anh chàng này. Nhưng nhờ láu cá, tao đã biến “con đẻ” thành “con nuôi”, nên bây giờ chúng mày mới đọc được “Nhớ vợ” và “Em tắm” trên sách báo. Hoàng Bình Trọng thấy thằng anh của mày có siêu không?...

Em tắm

Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm?
Da của em ngần trắng
Da của ái của êm (1)
Taycủa em lấm lem
Taycủa than của bụi
Taycủa rừng của núi
Taycủa đất của nương.
Em tắm xong lại sạch
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả,
Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem!
Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương
Có anh đang đứng giữ
Chớ để Tây đến mường Bạc Văn Ùi
----
(1) Ái là cha, êm là mẹ (tiếng Thái)

Cuộc trò chuyện của anh em chúng tôi từ hôm đó tới nay đã trên ba chục năm. Các anh Cầm Giang, Nguyễn Bùi Vợi, Hoàng Tá đã qua đời, còn tôi thì về quê sống. Giữ đúng lời hứa với Cầm Giang, tôi chưa hề tiết lộ điều sâu kín kia với bất kỳ ai.

Khốn nỗi, như trên đã nói, vài ba năm trở lại đây “Những ẩn số Cầm Giang” bỗng nhiên rộ lên trên nhiều tờ báo, khiến tôi phải đắn đo suy nghĩ. Nếu tiết lộ câu chuyện biến “con đẻ thành con nuôi” kia là mình không giữ đúng lời hứa với Cầm Giang, hơn nữa anh đã là người thiên cổ, thì trái đạo lý biết chừng nào. Có lúc tôi tự nhủ như vậy, nhưng lúc khác, tôi nghĩ ngược lại: Thời buổi bây giờ tình thế thay đổi nhiều rồi, nếu mình làm cho mọi người hiểu đúng sự thật, người ta sẽ khôi phục quyền tác giả của mấy bài thơ tình tuyệt tác đó cho Cầm Giang, thì chỉ tốt cho anh, chứ hại gì đâu? Lâu nay, tôi luôn bị giằng xé giữa hai luồng suy nghĩ đi theo hai chiều thuận – nghịch đó. Dần dần, luồng sau đã thắng luồng trước, bắt buộc tôi phải cáo lỗi với nhà thơ bạc phận Cầm Giang: Xin anh cho phép tôi, một lần vì anh mà nuốt trôi lời hứa năm nào, để nói với mọi người yêu thơ: Anh là tác giả đích thực của “Nhớ vợ” và “Em tắm”, chứ không phải dịch giả.

Hoàng Bình Trọng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN