163 trang sách, 200 bức ảnh làm sống lại 'Ký ức thời bao cấp' với tem phiếu, xếp hàng

Với hơn 200 bức ảnh tư liệu quý cùng những bài viết ngắn gọn cô đọng, “Ký ức thời bao cấp” sẽ mang đến cho bạn đọc những lát cắt, mảnh ghép, gợi nhớ về một thời kỳ khó khăn, gian khổ đầy bi tráng nhưng cũng đầy sức sáng tạo của người dân - Thời bao cấp.

Khổ 23x25, gần như là một cuốn sách vuông. Bìa đen trắng với dòng chữ in màu xanh đậm "Ký ức thời bao cấp", ngay từ khi cần trên tay, cuốn sách ảnh mới tinh tươm của NXB Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam), đã mang tới cho người xem một cảm giác yêu thích.

"Ký ức thời bao cấp".

Cái chủ đề về thời bao cấp mà cuốn sách đề cập tới, lại càng gợi mở cho người đọc muốn khám phá hơn. Và thế là, gần 200 trang sách, với hơn 200 bức ảnh, cứ thế tuần tự được lật giở, được nhẩn nha ngắm, được nhẩn nha nhớ về một thời xưa với những người có tuổi,  hoặc là nhẩn nha tưởng tượng về cuộc sống của cha, ông mình với những người tóc còn quá xanh.


Ai cũng biết, thời bao cấp là khái niệm được sử dụng để chỉ một giai đoạn mà hầu hết mọi hoạt động kinh tế - xã hội  đều diễn ra theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung do Nhà nước chỉ huy. Đó là giai đoạn những năm 1964 - 1975 ở miền Bắc và giai đoạn từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986 trên phạm vi cả nước. Đó cũng là lúc của chiến tranh khốc liệt, của cuộc sống cam go, thiếu thốn, vất vả trong những năm đầu cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng, đó cũng là những ký ức vô cùng nên thơ, trong mắt rất nhiều nghệ sĩ. Nên, cuốn sách ảnh này cũng hội tụ đủ những cung bậc ấy; với những lát cắt, mảnh ghép, gợi nhớ về một thời kỳ khó khăn, gian khổ đầy bi tráng nhưng cũng đầy sức sáng tạo của người dân.


Sách gồm 3 phần:  "Cuộc sống thời chiến", "Đêm trước đổi mới" và "Đổi mới để tiến lên". Không chỉ có những bức ảnh, mà ở mỗi phần của cuốn sách, đều có những trang giới thiệu khá ngắn gọn, nhưng vô cùng đầy đủ về bối cảnh lịch sử, xã hội, cuộc sống của người dân, thậm chí là những tâm tư, tình cảm của con người sống ở thời kỳ đó, bằng cả 2 thứ tiếng Việt- Anh. Và với mỗi bức ảnh, cũng không đơn thuần là một chú thích ảnh, mà đều có những lời chú giải khiến người xem hiểu rõ hơn về cuộc sống của cái thời gọi là Thời bao cấp ấy.  Chính vì vậy, dù là ảnh đen trắng, dù là một quá khứ đã xa xưa với chúng ta... nhưng cuốn sách vẫn vô cùng hấp dẫn, khiến người xem có thể đi cùng các tác giả tới trang cuối cùng...


Như chia sẻ của nhóm biên tập của NXB: Từ những hình ảnh tư liệu quý, được sưu tầm, tuyển chọn công phu từ nhiều nguồn, cuốn sách lần lượt phác họa trước mắt người đọc những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, miền Bắc dồn sức người sức của chi viện cho chiến trường miền Nam, cuộc sống “thắt lưng buộc bụng” của người dân nơi đây khó khăn chồng chất khó khăn, thiếu thốn chồng chất thiếu thốn. Người dân thành thị phải sơ tán về nông thôn để phòng tránh máy bay Mỹ bắn phá và bắt đầu làm quen với cuộc sống tự cung tự cấp, từ trồng rau, nuôi lợn để có thêm lương thực, thực phẩm trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Người ở lại vừa sản xuất vừa chiến đấu. Khắp miền Bắc sôi nổi hưởng ứng phong trào thanh niên “ba sẵn sàng”, phụ nữ “ba đảm đang”,“tất cả cho tiền tuyến” theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.


Đó là một giai đoạn bi tráng không thể nào quên trong lịch sử dân tộc. Sau ngày thống nhất đất nước, cùng với quản lý kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, Nhà nước tiếp tục bao cấp đối với cán bộ công nhân viên, người ăn theo ở thành thị. Trong chiến tranh, bao cấp là cần thiết và phù hợp nhưng đất nước thống nhất, Nhà nước tiếp tục duy trì bao cấp, nhận trách nhiệm lo cho dân đã dẫn đến cào bằng, phá vỡ nguyên tắc phân phối theo lao động. Chính vì vậy, cuộc sống thời bao cấp thiếu thốn trăm bề, nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn thường trực trong tâm tưởng của mỗi người dân.


Những câu chuyện dậy từ nửa đêm để xếp hàng mua gạo, mua từng mớ rau, con cá đến chuyện chạy đôn chạy đáo để có thêm được vài lạng thịt, manh áo mới đón tết... đều để lại những kỷ niệm vui buồn sâu đậm trong ký ức của những người từng trải qua. Có một thời gian dài của thời kỳ bao cấp, nghị lực và trí tuệ của hàng triệu người bị kìm nén, chỉ chờ được bung ra. Chính vì thế, khi đường lối và chính sách đổi mới được thực hiện, năng lực ấy đã bùng phát tạo nên bước phát triển nhảy vọt về kinh tế, xã hội. Khát vọng cháy bỏng về một cuộc sống tốt đẹp hơn, sự năng động sáng tạo, sự cần cù vượt khó mà người dân đã thể hiện trong thời bao cấp đã trở thành những động lực thúc đẩy nhanh quá trình Đổi mới…


Không những thế, một phần của cuốn sách là những hiện vật gợi nhớ về những sáng tạo một thời của người dân để vật lộn mưu sinh, trang trải cuộc sống thiếu thốn vất vả như việc may vá, đan lát, sửa chữa quần áo, sửa chữa xe đạp, quấn thuốc lá, bơm mực bút bi... Đó là những hiện vật “biết nói”, khiến những ai đã từng trải qua một thời gian khó ấy đều không khỏi rưng rưng khi nhớ lại.


Xuất bản đúng vào dịp hơn 30 năm đất nước ta thực hiện đường lối đổi mới, cuốn sách mong muốn giúp bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, hiểu thêm về một thời kỳ gian khó mà cha anh chúng ta đã trải qua, để trân trọng những thành tựu to lớn của công cuộc Đổi mới ngày hôm nay, từ đó tạo nên động lực phấn đấu lao động, học tập, góp phần xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.


Trước "Ký ức thời bao cấp", NXB Thông tấn cũng đã cho ra mắt series sách về Thời bao cấp: "Chuyện thời bao cấp" tập 1 (2007), "Chuyện thời bao cấp" tập 2 (2009), "Chuyện thời bao cấp" tập 3 (2016) và "Chuyện thời bao cấp" tập 4 (2017).


PT- Ảnh: Lê Phú/ Báo Tin Tức
TTXVN ra mắt sách ‘70 năm đền ơn đáp nghĩa (1947-2017)’
TTXVN ra mắt sách ‘70 năm đền ơn đáp nghĩa (1947-2017)’

Cuốn sách “70 năm đền ơn đáp nghĩa (1947-2017)” do Thông tấn xã Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp biên soạn phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ 27/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN